"An Nam Truyện" tập hợp các ghi chép về Việt Nam trong 17 bộ chính sử xưa của Trung Quốc, bao trùm một khoảng thời gian dài, từ thời nhà Tần, Hán trước Công nguyên đến năm 1911, khi cuộc Cách mạng Tân Hợi chấm dứt triều đại phong kiến cuối cùng ở nước này.

Trung Quốc là một nước lớn láng giềng đã có giao thoa suốt chiều dài lịch sử từ xưa đến nay với Việt Nam. Chính vì vậy các tư liệu liên quan đến Việt Nam được người Trung Quốc ghi chép và lưu lại khá nhiều.

Đã có nhiều ghi chép của các cá nhân được dịch và giới thiệu ở Việt Nam, như: An Nam Chí Lược của Lê Tắc, An Nam Chí Nguyên của Cao Hùng Trưng, Hải Ngoại Kỷ Sự của Thích Đại Sán... Tuy nhiên, đó là những ghi chép riêng lẻ của cá nhân, mang tính chủ quan, tùy thuộc quan điểm của từng người viết, cũng như nhiều thông tin lấy từ tài liệu có nguồn gốc dân gian. Còn những ghi chép của sử quan được thẩm định, chọn lọc từ nhiều nguồn sử liệu uy tín đã viết những gì? Chính từ câu hỏi đó, chúng tôi đã bước đầu tìm tòi, phiên dịch những mảng ghi chép từ các bộ chính sử xưa của Trung Quốc.


Nói đến “chính sử Trung Quốc xưa” hẳn bạn đọc dễ nghĩ đến Nhị thập tứ sử như trước nay chúng ta vẫn hay nói. Kỳ thực, đến nay, nếu tính cả Tân Nguyên sử và Thanh sử cảo được soạn thời Dân quốc, thì con số các bộ sử đã là 26, chứ không còn là 24. Mỗi bộ sử này chép về một triều đại bên Trung Quốc, tương ứng với một khoảng thời gian nhất định ở Việt Nam. Vì vậy, sử liệu ghi chép trong mỗi bộ sử có liên quan tới nước ta đều vô cùng quan trọng.

Trong số các bộ chính sử xưa ấy, cũng không hẳn tất cả đều có những thông tin liên quan đến Việt Nam, ví như các bộ: Ngụy thư, Bắc Tề thư, Chu thư, Cựu Ngũ Đại sử, Liêu sử, Kim sử... Hoặc cũng có những bộ có thông tin, nhưng là chép lại từ các bộ khác (đã được chọn dịch) thì người dịch cũng không dịch lại, nếu có cũng chỉ bổ sung thêm những phần mà ở bộ trước chưa ghi chép.

Chính vì vậy, sau khi xem xét kỹ lại, người dịch đã tuyển dịch được những truyện có thông tin liên quan đến Việt Nam, về Việt Nam từ 17 bộ sử sau: Sử ký Tư Mã Thiên, Hán thư, Hậu Hán thư, Tam Quốc chí, Tấn thư, Tống thư, Nam Tề thư, Lương thư, Trần thư, Tùy thư, Cựu Đường thư, Tân Đường thư, Tân Ngũ đại sử, Tống sử, Nguyên sử, Minh sử, và Thanh sử cảo.

Trong số những bộ sử kể trên, từ Tống sử (ghi chép lịch sử nhà Tống từ năm 960 đến 1279) trở về sau, khi An Nam được công nhận là một nước độc lập, thì mới có truyện riêng ở các phần ngoại quốc, còn với các bộ sử trước đời Tống, hầu như chỉ có các thông tin phiến đoạn qua liệt truyện của các nhân vật liên quan. Tuy nhiên, để giúp bạn đọc biết thêm về những nhân vật vẫn thường thấy nhắc tên mà chưa tường sự tích, ví dụ: Sĩ Nhiếp, Nhâm Diên, Tích Quang,… người dịch cũng chủ trương dịch trọn vẹn phần truyện các nhân vật ấy. Những truyện quá dài đã được lược bớt những phần không liên quan đến Việt Nam, ví dụ: Cao Biền truyện, Trần Cao Tổ bản kỷ...

Đồng thời, ngoài những ghi chép trực tiếp về vùng đất Việt cổ được biết đến với tên gọi Giao Chỉ, An Nam... thì những ghi chép về các vương quốc xưa đến nay tuy không còn mà đã là một phần của lãnh thổ Việt Nam hiện đại như: Chiêm Thành (nay là khu vực Nam Trung bộ), Phù Nam (Thủy), Chân Lạp (nay là vùng Đồng bằng Nam bộ)... người dịch cũng chọn dịch và ghi chép vào phần phụ lục ở cuối sách để bạn đọc có thêm tư liệu về lịch của các vùng đất ấy trong tiến trình chung của lịch sử Việt Nam.

Cuốn sách mang tính tư liệu này đưa đến cho các bạn những thông tin theo tài liệu gốc mà người dịch có được. Bởi vậy, những quan điểm hay thậm chí là ngôn ngữ, cách hành văn đều là quan điểm của các sử gia Trung Quốc xưa. Chúng ta đọc để hiểu, để so sánh, để tìm tòi khám phá một góc nhìn khác của sử Việt.