Các nhà khoa học, nhà quản lý sẽ phải có hành động cụ thể để giảm bớt căng thẳng giữa con người và những con mòng biển đô thị. Ví dụ, biển báo “không cho chim ăn” có thể cần bổ sung thêm dòng “… và cũng đừng để chúng nhìn thấy bạn ăn”.

f
Mòng biển vốn nổi tiếng là loài chim giật thức ăn trên tay du khách và giật con mồi của các loài sinh vật khác. Ảnh: karyna d / Getty Images

Nghiên cứu về loài mòng biển cá trích châu Âu (L. argentatus) ở bãi biển Brighton (Vương quốc Anh) đã phát hiện loài chim này có thể tìm ra loại thức ăn thừa nào đáng để ăn bằng cách quan sát những gì con người đưa vào miệng.

Khi được lựa chọn các túi đồ ăn để mổ, mòng biển hầu hết chọn túi cùng màu mà nhà khoa học đứng cách xa vài mét đang ăn. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Biology Letters .

“Chúng tôi nhận thấy những con mòng biển trưởng thành có thể chú ý đến hành vi của con người và áp dụng điều đó vào các lựa chọn kiếm ăn của chúng”, Franziska Feist, nhà sinh vật học tại Đại học Sussex và là tác giả đầu tiên của nghiên cứu, cho biết. “Do quá trình đô thị hóa loài mòng biển mới chỉ diễn ra gần đây, nên khả năng này phải đến từ trí thông minh và mức độ linh hoạt nói chung trong hành vi của mòng biển.”

Trước đó, các nhà khoa học đã biết rằng mòng biển thích những thức ăn đã được con người chạm vào. Tuy nhiên, các nhà khoa học hiện chưa rõ chúng có thể rút ra được những bài học gì khi quan sát quá trình con người ăn uống.

Trong công trình mới nhất, Feist và các đồng nghiệp quyết định quan sát hành vi của loài mòng biển cá trích. Đây là một trong số ít loài phát triển mạnh trong các cảnh quan nhân tạo và mức độ quen thuộc của chúng với con người khiến chúng trở thành mục tiêu tuyệt vời cho các nghiên cứu về nhận thức xã hội giữa các loài.

Nhóm nghiên cứu đã dán các gói khoai tây chiên giòn Walkers màu xanh lá cây (vị muối và giấm) và xanh dương (vị phô mai và hành tây) trên nền đất ở bãi biển Brightont và đặt chúng cách những con mòng biển vài mét. Sau đó, các nhà khoa học lùi lại 5 mét và quay phim hành vi của chúng. Các nhà nghiên cứu hoặc nhìn vào máy ảnh hoặc cầm trên tay một túi khoai tây chiên giòn màu xanh lá cây hoặc xanh dương và bóc ra ăn.

Khi các nhà khoa học ngồi yên lặng mà không ăn vặt, chưa đến 1/5 số mòng biển tiến lại gần những gói khoai tây được đặt gần đó. Nhưng khi các nhà nghiên cứu ăn khoai tây chiên giòn, 48% số mòng biển tiến đến để kiểm tra các gói trên nền đất. Gần 40% trong số những con tiến đến quyết định mổ vào các gói khoai tây. Và trong số này, 95% nhắm vào gói có cùng màu với gói mà nhà khoa học đang ăn.

Từ lâu, các nhà khoa học đã kêu gọi du khách không cho mòng biển ăn. Chế độ ăn tự nhiên của chim mòng biển bao gồm các loài côn trùng, giun đất, động vật gặm nhấm kích thước nhỏ, các loài bò sát và lưỡng cư. Nếu con người cho chúng ăn khoai tây chiên, bánh mì, pizza v.v., chúng sẽ quen dần và không còn ăn các loại thực phẩm tự nhiên phù hợp với chúng. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ của mòng biển. Bên cạnh đó, việc cho chim ăn sẽ khiến chúng không sợ con người và có thể trở nên hung dữ, tấn công con người để giành đồ ăn trên tay họ.

Công trình chỉ ra, “việc ngăn cản du khách cho mòng biển ăn thôi là chưa đủ", Feist nhận định. “Chúng vẫn có thể quan sát những gì chúng ta ăn, và rất có thể chúng sẽ nhắm đến các loại rác thải.”

“Từ các nghiên cứu trước đây, chúng ta đã biết rằng mòng biển sử dụng thông tin quan sát được từ con người để rút ra kinh nghiệm khi chúng tìm kiếm thức ăn”, Tiến sĩ Madeleine Goumas, một chuyên gia về mòng biển cá trích tại Đại học Exeter, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết. “Nghiên cứu này cho thấy mòng biển có khả năng tìm hiểu về loại thức ăn mà chúng ta đang ăn. Đây là cơ sở để chúng ta tìm ra cách giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của con người lên mòng biển, vì dường như chúng ta đang vô tình dạy mòng biển tìm đến các loại thức ăn mới.”

Nguồn: