Phần lớn ga tàu điện ngầm (metro) thường có độ sâu không vượt quá chiều cao của một tòa nhà vài tầng (10 – 12m). Nhưng trong một số trường hợp, chẳng hạn do vướng sông hoặc đầm lầy mà các kỹ sư buộc phải đào sâu hơn nữa.
Nằm cách mặt đất 105,5m – tương đương chiều cao của một tòa nhà 32 tầng và cao hơn tượng Nữ thần Tự do (Statute of Liberty) ở New York 12m, ga Arsenalna trên tuyến Svyatoshinsko – Brovarska tại quận Pechersky ở trung tâm thủ đô Kiev của Ukraine1 được Sách kỷ lục Guiness ghi nhận là “ga metro sâu nhất thế giới”.
Sở dĩ Arsenalna đạt độ sâu “bất thường” như vậy là do điều kiện địa hình hết sức đặc biệt của nó. Lối vào ga nằm ngay trên đỉnh của một thung lũng (rất dốc) bên bờ sông Dnepr và cao hơn hẳn phần còn lại của thành phố, vì thế các kiến trúc sư G. Granatkin, S. Krushinsky và N. Shchukina – nhóm tác giả thiết kế công trình – đã chọn giải pháp đào sâu hơn 100 m để tránh ảnh hưởng của áp lực nước lên toàn bộ công trình. Không gian bên trong Arsenalna được bố trí bao gồm nhiều tầng với sân ga nằm tách biệt thay vì trên cùng một hành lang trung tâm giống như các ga khác thuộc hệ thống metro Kiev. Để di chuyển tớisân ga, hành khách phải đi qua hai tầng thang cuốn với chiều dài lần lượt là 55,8 m và 46,6 m, tổng cộng mất khoảng 5 phút – đây cũng là hệ thống thang cuốn metro đầu tiên được lắp đặt tại Ukraine.
Chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 6/11/1960 – nhân dịp kỷ niệm 43 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (1917), ga Arsenalna là một phần trong những hạng mục đầu tiên thuộc mạng lưới tàu điện ngầm Kiev được Liên Xô thiết kế và xây dựng trong giai đoạn cao trào của Chiến tranh Lạnh (Cold War) khi hai siêu cường Mỹ và Liên Xô liên tục đe dọa xóa sổ nhau bằng vũ khí hạt nhân. Do đó, một chức năng khác của công trình là nó cũng có thể được tận dụng làm hầm trú ẩn hạt nhân. Mỗi khi có tín hiệu báo động nguy cơ bị tấn công, một cánh cửa lớn bằng thép (chống cháy nổ) sẽ tự động hạ xuống, đóng kín đường hầm ở cuối thang cuốn và tạo thành một boongke vô cùng chắc chắn.
Ga Arsenalna xứng đáng là một kỳ công kỹ thuật lẫn nghệ thuật khi có phần vòm được ốp toàn đá cẩm thạch, tường lát gạch men trắng cùng những chiếc đèn chùm lộng lẫy,... Khu vực tiền sảnh trước kia từng trưng bày một bức điêu khắc rất lớn mô tả cuộc biểu tình thuộc phong trào công nhân diễn ra tại xưởng vũ khí Arsenalna – một trong những nhà máy lâu đời và nổi tiếng nhất Kiev (được xây dựng từ năm 1764), tuy nhiên nó đã bị dỡ bỏ trong thập niên 1990 sau khi Liên Xô sụp đổ. Hiện tại, ga Arsenalna vẫn còn lưu giữ bức phù điêu và tượng trang trí do hai nhà điêu khắc nổi tiếng I. Makogon (1907 – 2001) và A. Nimenko (1925 – 2006) đồng thực hiện.
Các quốc gia thuộc Liên Xô có khá nhiều hệ thống metro được xây dựng ở rất sâu bên dưới lòng đất. Tư duy quy hoạch này cũng chịu ảnh hưởng một phần bởi nỗi lo thường trực về nguy cơ xung đột hạt nhân (với Mỹ và NATO) trong thời Chiến tranh Lạnh. Bên cạnh Arsenalna tại Kiev, thành phố Saint Petersburg (Nga) cũng có ga Admiralteyskaya nằm sâu 86m bên dưới lòng đất cùng một hệ thống thang cuốn thuộc loại dài nhất thế giới (130 m); hay thủ đô Moscow (Nga) có ga Park Pobedy sâu 84 m,... Điểm độc đáo là tất cả đều được trang hoàng hết sức đẹp mắt.
Một số nguồn tin cho biết thủ đô Bình Dưỡng của CHDCND Triều Tiên mới là nơi có ga metro sâu nhất thế giới – theo ước tính có thể lên đến 110m (tức sâu hơn Arsenalna), hành khách phải di chuyển tới sân ga bằng thang cuốn trong hơn 4 phút. Tuy nhiên, Sách kỷ lục Guiness vẫn ghi nhận Arsenalna ở Kiev là ga metro sâu nhất thế giới. |
Chú thích:
1. Thủ đô Kiev của Ukraine sở hữu một mạng lưới metro khá hoàn chỉnh, bao gồm ba tuyến (line) với tổng chiều dài hơn 40 dặm (64 km) và 52 ga, bên cạnh hai tuyến nữa đang được lên kế hoạch xây dựng. Tính đến năm 2016, hệ thống này đã phục vụ gần nửa tỷ lượt khách với dịch vụ rất tốt và giá vé phải chăng – trung bình chỉ khoảng 5 hryvnia (tiền Ukraine), tương đương 0,19 USD một lượt đi.
Hải Đăng dịch
Theo Amusing Planet, Perceptive Travel
Hải Đăng dịch