Trong cuốn sách này, đằng sau mỗi dòng chữ hiện ra một nhà dân tộc học, và đằng sau nhà dân tộc học là một con người, nhà văn và nghệ sĩ. Do đó không có gì ngạc nhiên khi chúng ta được đọc một cuốn sách vừa là tự truyện vừa là du khảo triết học.

Nhiệt đới buồn
Phiên bản tiếng Việt “Nhiệt đới buồn” do Ngô Bình Lâm dịch, Nguyên Ngọc hiệu đính, NXB Tri thức ấn hành năm 2021. Ảnh: Netabooks.vn

Nếu những dòng chữ được viết ở bìa bốn cuốn sách do nhà xuất bản Plon ấn hành năm 1956 là đáng tin thì Claude Lévi-Strauss, khi viết Nhiệt đới buồn, đã muốn kết nối lại với truyền thống du khảo triết học “được phản ánh trong văn chương từ thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XIX, nghĩa là dòng văn học đã ra đời trước khi văn chương tràn ngập một bên là các văn bản khoa học khô khan và khó hiểu và phía bên kia là những thể loại sáng tác có sở thích neo bám vào những câu chuyện giật gân. Những thứ văn học này đã làm chúng ta quên mất rằng, khi du hành vòng quanh thế giới, đó là để chúng ta tìm lại chính mình”.

Tác phẩm này không tự giới hạn mình trong một thể loại nhất định mà ngược lại, nó vay mượn từ rất nhiều thể loại những phẩm chất ưu việt nhất của chúng. Đây hiển nhiên là một tác phẩm văn học xuất sắc - ban giám khảo giải thưởng văn chương danh giá Goncourt từng than thở rằng họ không thể trao giải thưởng cho Lévi-Strauss vì Nhiệt đới buồn thuộc thể loại phi hư cấu.

Cuốn sách được tổ chức theo một cấu trúc chặt chẽ, các đoạn văn chỉ bị tách ra, xen vào giữa bởi những thăng hoa bất chợt: mẩu ký ức đầy cảm xúc, một bức tranh phong cảnh, những suy tư cá nhân, những nhận định triết học, những lời nhắc nhở về lịch sử, những quan sát mang tính học thuật… Đằng sau mỗi dòng chữ hiện ra một nhà dân tộc học, và đằng sau nhà dân tộc học là một con người, nhà văn và nghệ sĩ. Do đó không có gì ngạc nhiên khi chúng ta được đọc một cuốn sách vừa là tự truyện vừa là du khảo triết học.

Nếu như người ta đi khắp thế gian chỉ để tìm thấy mình thì Claude Lévi-Strauss, bằng việc trở thành nhà dân tộc học, đã tìm thấy mình. Những sở thích hay thị hiếu cá nhân đã đưa ông đến với niềm đam mê địa chất học cũng như sự ngưỡng mộ đối với phân tâm học và chủ nghĩa Marx. Giống như địa chất học, phân tâm học và chủ nghĩa Marx, dân tộc học liên kết chặt chẽ với nỗ lực hiểu biết cái nào là kết quả duy nhất và phương pháp quy giảm một loại thực tế này thành một loại thực tế khác thực chất hơn, căn bản hơn và đồng thời cũng sâu sắc hơn. Đối với Claude Lévi-Strauss, mục tiêu tối cao của nghiên cứu là một dạng chủ nghĩa siêu duy lý, tôn trọng hiện thực nhưng bắt buộc phải khoan phá nó để khám phá ra ý nghĩa tiềm ẩn chứa đựng trong đó.

Trong Nhiệt đới buồn, Lévi-Strauss cho thấy, trên hành trình tạo lập hệ thống quan điểm cá nhân, dân tộc học đã áp đặt lên ông những phản ứng như thế nào với các ngành khoa học khác. Lịch sử đối với một nhà dân tộc học, tương tự như đối với nhà địa chất học hay phân tâm học, sẽ rất khác với lịch sử của nhà sử học, bởi vì nó “tìm cách phóng chiếu vào thời gian, tương tự như việc trình bày một bức tranh sống động” các tính chất cơ bản của vũ trụ hoặc con người.

Dân tộc học, như quan niệm mà Claude Lévi-Strauss trình bày ở phần cuối của cuốn sách, không phải là đối tượng của triết học hay xã hội học, nhưng nó sẽ phục vụ cho việc tạo nền móng vững chắc cho cả xã hội học và triết học. Bởi vì tác giả của Nhiệt đới buồn luôn gắn bó với cái cụ thể và cái thực, đồng thời là người biết cách nhìn mọi thứ từ một tầm rất cao. Ông coi cái gọi là nền văn minh hiện đại chỉ càng làm con người đối lập với thiên nhiên, dẫn đến sự tan rã của xã hội loài người. Bằng các thành tựu nghiên cứu nhân chủng học của mình, ông ca ngợi các xã hội “bán khai” đã biết cách sống hòa hợp và cùng trường tồn với thiên nhiên.

Lévi-Strauss cho rằng một trong những đóng góp lớn lao của dân tộc học đó là chiếu rọi ánh sáng “vào những vực thẳm tăm tối”, đem tới những nỗ lực để giải phóng bản thân khỏi những nỗi lo lắng đến từ thế giới siêu nhiên, thế giới bên kia. Tuy nhiên, sự tiến hóa về phương diện tôn giáo lại dẫn dắt chúng ta đi theo chiều ngược lại.

Ông xếp ba tôn giáo cổ điển lớn theo thứ tự ngược lại với các mốc thời gian xuất hiện của chúng trong lịch sử. Phật giáo tương ứng với cách hoàn thiện hiệu quả nhất của tâm linh con người. Cơ đốc giáo, tiếp theo, làm sống lại đồng thời cả những hy vọng và những mối đe dọa của thế giới bên kia. Đáng ra tôn giáo này đã có thể phát triển nếu tiệm cận với Phật giáo. Nhưng ngược lại, nó đã bị ô nhiễm bởi cái thứ ba, bởi vì, do tiếp xúc với thế giới Hồi giáo, nó đã bị Hồi giáo hóa.

Ông cho rằng, tôn giáo của Mohamet đánh dấu một bước thụt lùi của nhân loại trong nỗ lực giải phóng con người khỏi nỗi sợ hãi về siêu nhiên, bởi vì nó xiềng xích vĩnh viễn cái thế giới mong manh tạm thời này với thế giới bên kia và thực hành một sự “trẻ thơ hóa” có hệ thống toàn xã hội.

Những nhận định cá nhân có phần cực đoan của tác giả về Hồi giáo: sự đơn giản giả tạo, những nghịch lý, sự thiếu vắng ý thức, sự thiếu độ lượng và tiến trình Hồi giáo hóa châu Âu - là những nhận định gây tranh cãi, tuy nhiên nếu áp dụng nó để nhìn nhận lại mối quan hệ lịch sử giữa phương Tây và thế giới Hồi giáo thì chúng ta thấy chúng hầu hết là xác đáng.

Dân tộc học, bằng cách hướng cái nhìn của chúng ta tới những nhóm người vẫn còn đang ở bên lề của sự tiến hóa tôn giáo, sẽ giúp chúng ta giải phóng bản thân khỏi những định kiến của những cái nhìn áp đặt mang tính thực dân. Bằng việc quan sát, nghiên cứu lối sống của các xã hội người da đỏ Caduveo, Bororo, Nambikwara và Tupi-Kawahib, Lévi-Strauss củng cố rõ nét hơn ý tưởng tổng quát mà ông có về xã hội.

Theo ông, mỗi nền văn minh có những cách phản ứng đặc biệt và riêng khác đối với những vấn đề nảy sinh ở từng nhóm người khác nhau. Mỗi đơn vị xã hội sẽ có một phong cách, dựa trên việc kết hợp theo những cách khác nhau các yếu tố tự nhiên và văn hóa, chúng sẽ có một độ “lệch chuẩn” nhiều hay ít so với mô hình phổ quát mà nhà dân tộc học đưa ra và mô tả. Những điều này sẽ được phản ánh trong các lĩnh vực: nghệ thuật, thể chế, thần thoại và phong tục của xã hội đó.

Phương pháp phân tích cấu trúc của Lévi-Strauss có tham vọng như chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa để tìm đến một nền tảng chung cho toàn nhân loại. Có thể nói tóm tắt rằng theo lý thuyết của ông, nếu đi đến tận cùng thì xã hội và những biểu hiện khác nhau của nó đều có thể rút gọn thành những mảng đối lập phân đôi, một trong những thành tựu nổi bật nhất của ngành nhân chủng học cấu trúc mang tên Lévi-Strauss.

Lévi-Strauss đã có lần nói rằng nhiệm vụ chính của khoa học không phải là tìm ra câu trả lời đúng mà là đặt ra những câu hỏi đúng. Chính vì lý do này mà chúng ta vẫn cần đọc lại Lévi-Strauss, nhất là cuốn Nhiệt đới buồn. Tác phẩm du khảo triết học thấm đẫm chất văn chương của ông nhắc chúng ta về nguyên tắc đầu tiên của Nhân học: Sự thống nhất của con người. Và quả thật việc tìm kiếm những bất biến nơi con người trong xã hội, đã và sẽ luôn luôn là một nhiệm vụ hàng đầu của ngành Nhân học.