Từ các hoạt động khoa học do cô Lê Thị Hảo dẫn dắt, học trò Trường THCS Quảng Phú thuộc miền duyên hải tỉnh Quảng Bình không chỉ thu hoạch những hiểu biết, kỹ năng mới mà còn làm ra các sản phẩm truyền thông đầy cảm hứng về đề tài môi trường và biến đổi khí hậu.

Từ khi về trường năm 2015, cô Lê Thị Hảo đã dẫn dắt học sinh tham gia nhiều cuộc thi khoa học kỹ thuật với chủ đề môi trường và biến đổi khí hậu | Ảnh: NVCC
Từ khi về trường năm 2015, cô Lê Thị Hảo đã dẫn dắt học sinh tham gia nhiều cuộc thi khoa học kỹ thuật với định hướng môi trường và biến đổi khí hậu | Ảnh: quangbinh.tintuc.vn

Người ta nói “thắt đau khúc ruột” thật đúng với miền Trung lắm thiên tai. Hằng năm, dải đất dài mà hẹp này bị bão lũ bủa vây, với những mất mát không thể bù đắp. Cô Lê Thị Hảo ở Trường THCS Quảng Phú (xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) nghĩ rằng mình phải làm gì đó để giúp các em học sinh hiểu rằng “biến đổi khí hậu” là một nguy cơ hiện hữu và con người có thể đẩy mạnh hoặc giảm nhẹ nó bằng chính những hành động của mình.

Từ suy nghĩ đó, cô giáo Tổng phụ trách Đội kiêm giáo viên Lịch sử này đã tổ chức một loạt hoạt động nghiên cứu hướng về chủ đề môi trường và biến đổi khí hậu cho học sinh.Mặc dù không phải là lĩnh vực chuyên môn của mình nhưng là người có "óc tò mò khoa học", cô Hảo đã tự đọc rất nhiều tài liệu để xây cho mình một nền tảng hiểu biết khoa học căn bản liên quan đến biến đổi khí hậu.

Để tránh ảnh hưởng đến giờ học chính khóa, cô thường bắt đầu đề tài của mình từ cuối năm học trước. Cô hướng dẫn học sinh dành thời gian hè để tham khảo các thông tin liên quan từ sách báo, thư viện, Internet nhưng tuyệt đối không “làm thay hay làm hộ” các em. Đến khi vào năm học, “với sự sẵn sàng về nền tảng kiến thức, các em có thể triển khai rất nhanh chỉ trong vòng 1-2 tháng là xong”, cô kể.

Với học sinh các lớp đầu cấp, cô chủ yếu kỳ vọng các em tham gia hoạt động nghiên cứu trong vai trò quan sát để rồi làm ra các sản phẩm truyền thông. Đó có thể là một câu chuyện, một bài hát hay một bức tranh gắn với chủ đề môi trường mà các em đang khám phá. “Với lứa tuổi nhỏ này, các em chưa thể tự làm những thực nghiệm phức tạp mà sẽ tiếp nhận các kết quả nghiên cứu và chuyển hóa chúng thành một hình thức truyền thông phù hợp với sở thích của mình”, cô Hảo cho biết.

Điều này rất đúng với sản phẩm gần đây nhất của Tạ Nguyễn Bảo Long (lớp 7E) và Nguyễn Ngọc Thảo Ly (lớp 6A) trong cuộc thi “Nhà khoa học nhí đi tìm không khí sạch” do Live&Learn và Viện Goethe tổ chức. Hai em không chỉ sử dụng thành thạo các máy đo chất lượng không khí mà Ban tổ chức cung cấp để tìm hiểu những địa điểm nào trong nhà và ngoài trời bị ô nhiễm, mà còn tự sáng tác và thể hiện một bản Rap sử dụng cả tiếng Anh và tiếng Việt để khắc họa bức tranh nóng lên toàn cầu.

Bài hát nhắc đến những núi rác ngày càng khổng lồ và những cánh rừng bị tàn phá, khi con người nghĩ rằng “Nhưng mà dù gì cũng là sự phát triển, Chắc là cũng chẳng tổn hại gì đâu”. Tuy nhiên, trên thực tế, hậu quả của chúng rất rõ ràng - từ “Hiệu ứng nhà kính khiến nhiệt tăng dồi dào” đến thủng tầng ozone làm cho “các vấn đề sức khỏe tăng cao” và bụi không bị ngăn cản, lan tỏa khắp nơi khiến mọi người đối mặt với nguy cơ “Tắc nghẽn phổi là từ đây chứ đâu”. Và từ đó, các em kêu gọi các hành động bảo vệ Trái đất - bắt đầu từ những hành động rất nhỏ bé mà chính bản thân các em và gia đình có thể can dự vào, như “Thiết bị điện tắt đi khi you don’t use it / Năng lượng mặt trời còn Nhiệt điện thì reduce / It is enough yet? look like it isn’t! / Bếp than, bếp củi ta bớt đi dần / Đừng hút thuốc lá lúc ta tan tầm / Hãy cho đồi trọc được phủ một màu xanh "

Em Tạ Nguyễn Bảo Long đo chỉ số chất lượng không khí ở nhiều  địa điểm khác nhau. Ảnh: NVC
Em Tạ Nguyễn Bảo Long đo chỉ số chất lượng không khí ở nhiều địa điểm khác nhau. Ảnh: NVCC

Bản Rap của Bảo Long đã được VTV2 ngỏ lời sử dụng trong một phóng sự ngắn về hoạt động khoa học của học sinh. Việc tham gia cuộc thi không khí sạch đã giúp em thay đổi rất lớn. “Em thấy rằng truyền thông về không khí sạch là một hoạt động có ích cho xã hội và thế giới xung quanh,” Bảo Long nói. “Nó khiến em cảm thấy mình hữu ích hơn và giúp lòng mình nhẹ nhàng, vui vẻ hơn. Nó cũng khiến em trưởng thành hơn về kỹ năng giao tiếp xã hội để truyền thông, hoặc là các kỹ năng nghiên cứu – nghiên cứu thì rất khó, nhưng nó là một điều phải làm nên mình phải cố gắng thôi.”

Chính vì hiểu được nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu là do con người, cậu học sinh này đã quyết định không sử dụng đồ ăn nhanh đựng trong hộp xốp, chuyển sang dùng hộp thủy tinh và thường xuyên đi bộ.

Trong khi đó, ở một dự án khác do chính mình thực hiện có tên gọi “Thu gom rơm, rạ làm nguyên liệu cải tiến bề mặt ruộng muối giúp bà con tăng năng suất muối”, cô Lê Thị Hảo đã dùng những kiến thức khoa học đơn giản để giải thích cho các em về hiện tượng khi rơm rạ được đốt ngoài đồng, chúng xả ra các loại khói độc hại như CO2, SO2, CH4…, tạo hiệu ứng nhà kính gây biến đổi khí hậu. Trong khi đó, nếu được đốt ở môi trường yếm khí thì không những không tạo ra khí độc hại mà còn hình thành nên than sinh học màu đen, có thể dùng để quét lên bề mặt các ô ruộng muối làm tăng khả năng hấp thụ ánh sáng và nhiệt, từ đó tăng 20-30% năng suất muối.

Mặc dù không tự mình tiến hành các bước nghiên cứu như thầy cô nhưng học sinh của cô Hảo đã lắng nghe, quan sát để khi về nhà có thể kể lại cho cha mẹ - những người vẫn đang đốt rơm rạ trên cánh đống của mình - về sáng kiến này.

Hai học sinh Dương Ngọc Anh và Phạm Thị Mai Phương với sáng kiến “Hệ thống cảnh báo lở đất sớm”. Ảnh: NVCC
Hai học sinh Dương Ngọc Anh và Phạm Thị Mai Phương với sáng kiến “Hệ thống cảnh báo lở đất sớm”. Ảnh: NVCC

Nhưng không chỉ đóng khuôn các em trong vai trò ‘tiếp nhận’ những kết quả nghiên cứu, cô Hảo còn cố gắng tổ chức những đề tài cho phép học sinh lớn hơn ở lớp 8-9 tham gia sâu, như đề tài “Xây dựng hệ thống cảnh báo lở đất sớm”, gồm các cảm biến lắp ở những nơi có nguy cơ sạt lở như sườn đồi, ven sông, sau đó gửi tín hiệu tự động về điện thoại của người dùng hoặc kết nối đến số của UBND xã và các cơ quan phòng chống thiên tai ở địa phương mỗi khi có nguy cơ xảy ra.

Ở đề tài này, các em được dự phần đầy đủ các bước của một nghiên cứu kỹ thuật thực thụ - từ tìm kiếm tài liệu, lập kế hoạch, đến thiết kế và chế tạo thiết bị hoàn chỉnh. Đề tài đã đạt giải cấp huyện và cấp tỉnh năm 2018, và đến nay, cô vẫn đang tìm nguồn tài trợ (khoảng 20-30 triệu đồng) để hiện thực hóa hệ thống cảnh báo này.

Theo cô Lê Thị Hảo, tất cả các em từng tham gia dự án đều tỏ ra rất tích cực. Sự hào hứng của các em không chỉ đến từ việc được dự phần vào một hoạt động sáng tạo, mà còn được khám phá những tiềm năng mới của bản thân. Dương Ngọc Anh và Phạm Thị Mai Phương, hai thành viên trong nhóm xây dựng hệt thống cảnh báo lở đất sớm, giờ đã học lớp 11 nhưng vẫn luôn nhớ đến quãng thời gian nghiên cứu là một “trải nghiệm đáng nhớ”, mang đến cho các em nhiều “bí kíp” kĩ thuật thú vị.

Một tiết chào cờ/hoạt động giáo dục kỹ năng sống về tái chế thời trang từ rác thải của liên đội Trường THCS Quảng Phú, tháng 11.2021 | Ảnh: NVCC
Một tiết chào cờ/hoạt động giáo dục kỹ năng sống về tái chế thời trang từ rác thải của liên đội Trường THCS Quảng Phú, tháng 11/2021 | Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, giống như hầu hết những ngôi trường khác ở vùng nông thôn, các dự án của cô Hảo thường vấp phải khó khăn về nguồn lực. Cô Hảo cho rằng, ở các hoạt động truyền thông khoa học, hầu như học sinh nào cũng có thể tham gia vì chúng khá đơn giản và không đòi hỏi nhiều nguồn lực. Thêm vào đó, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, các thầy cô cũng có thể lồng ghép những chủ đề về môi trường, thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu vào những tiết chào cờ, tiết giáo dục kĩ năng sống để biến chúng thành một nhận thức thường xuyên, liên tục cho hơn 640 học sinh của trường.

Nhưng với các dự án và cuộc thi khoa học kỹ thuật thì khác. Do nguồn kinh phí hạn hẹp, cô buộc phải chọn một vài bạn học sinh giỏi, có khả năng phối hợp với giáo viên để tham gia. Ở một miền quê còn nhiều khó khăn, không ít học sinh của cô vẫn chưa có điều kiện tiếp xúc với các loại phương tiện, máy móc, thiết bị điện tử. Không hiếm khi cô Hảo phải cho các em mượn điện thoại, máy tính của mình để tìm kiếm thông tin online.

Nhưng khó khăn không cản bước cô trò của miền quê Quảng Phú. Cô Hảo rất tự hào khi thấy nhiều học sinh của mình có năng lực thuyết trình bằng tiếng Anh và khả năng tư duy nhạy bén. Thậm chí, một số em còn chủ động tìm hiểu các ý tưởng về môi trường khác để đề xuất lên giáo viên. Những nhóm học sinh mà cô dẫn dắt cũng thường xuyên xếp thứ hạng cao trong các cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh. Cô chia sẻ rằng nếu có kinh phí, cô sẽ đưa các hoạt động hiện nay thành hình thức câu lạc bộ để chúng được diễn ra thường xuyên và cho phép nhiều học sinh tham gia hơn.

Bài Rap “Green Age” do Tạ Nguyễn Bảo Long sáng tác và thể hiện.