Sau khi Liên Xô bắt kịp Mỹ chế tạo thành công bom nguyên tử, Edward Teller – một trong những thành viên chủ chốt làm việc cho dự án Manhattan – đã thuyết thuyết phục Tổng thống Mỹ Harry Truman phát triển bom H mạnh hơn hàng nghìn lần so với bom nguyên tử để vượt qua Liên Xô trong cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân.

Teller năm 1958 khi đang là Giám đốc Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore. Ảnh: Wikipedia.
Teller năm 1958 khi đang là Giám đốc Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore. Ảnh: Wikipedia.

Lewis Strauss, người từng giữ chức Chủ tịch Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Mỹ, cho biết các nhà bác học có thể chia thành ba nhóm chính: nhóm thứ nhất chỉ chuyên tâm nghiên cứu khoa học thuần túy, nhóm thứ hai chú ý tới các ứng dụng của khoa học, nhóm còn lại quan tâm đến ảnh hưởng của khoa học trên phương diện chính trị. Tuy nhiên, có những nhà bác học hội tụ đủ cả ba yếu tố trên, điển hình là Edward Teller – người được mệnh danh là cha đẻ của bom H (bom nhiệt hạch).

Edward Teller (1908 – 2003) sinh ra tại thành phố Budapest, Hungary, trong một gia đình người Do Thái giàu có. Sau cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, đất nước Hungary bị chia cắt và nền kinh tế sụp đổ. Do đó sau khi học xong trung học, Teller đã rời quê hương sang Đức và đăng ký vào Viện Kỹ thuật của thành phố Karlsruhe. Ông tốt nghiệp với tấm bằng kỹ sư hóa học rồi tới Đại học Leipzig (Đức) làm luận án tiến sĩ chuyên ngành hóa lý. Đề tài ông lựa chọn liên quan đến việc khảo cứu ion của phân tử hydro, đặt nền móng cho lý thuyết quỹ đạo phân tử được sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay.

Sau khi nhận bằng tiến sĩ năm 1930, Teller trở thành giảng viên dạy môn vật lý tại trường Đại học Goettingen. Năm 1933, Adolf Hitler lên nắm chính quyền và đẩy mạnh Chủ nghĩa bài Do Thái, Teller buộc phải chạy trốn cùng vợ sang nước Anh để thoát khỏi chế độ Đức Quốc xã. Năm 1935, ông sang Mỹ làm việc với tư cách là giáo sư vật lý của trường Đại học George Washington và trở thành công dân Mỹ sáu năm sau đó.

Năm 1939, Teller lái xe chở hai nhà khoa học nổi tiếng khác là Leo Szilard và Eugene Wigner đến gặp Albert Einstein. Họ cùng nhau viết một lá thư gửi cho Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt, cảnh báo nguy cơ Đức Quốc xã có thể phát triển vũ khí nguyên tử và đề xuất rằng Mỹ nên khởi động chương trình hạt nhân của riêng mình. Điều này đã thúc đẩy Roosevelt thành lập dự án Manhattan năm 1942 nhằm chế tạo bom nguyên tử.

Sau cuộc gặp Einstein, Teller tham gia vào nhóm nghiên cứu của Enrico Fermi tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân thuộc Đại học Chicago. Ở đó, họ đã thực hiện thành công phản ứng dây chuyền phân hạch đầu tiên trên thế giới.

Năm 1943, Chính phủ Mỹ bí mật thành lập Phòng Thí nghiệm Los Alamos trong khuôn khổ của dự án Manhattan. Teller đồng ý tham gia dự án này và trở thành phó giám đốc của phòng thí nghiệm. Tháng 7/1945, nhóm nghiên cứu chế tạo thành công quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới tên là Gadget và cho nổ thử nghiệm nó tại một sa mạc gần Alamogordo, New Mexico, Mỹ.

Trong lúc quả bom nguyên tử Gadget được chế tạo, Teller nảy sinh ý tưởng về loại bom H có sức công phá mạnh mẽ hơn nhờ vào phản ứng nhiệt hạch. Năng lượng của bom nguyên tử bắt nguồn từ phản ứng phân hạch của các nguyên tử lớn, nặng, chủ yếu là uranium hoặc plutonium. Ngược lại, cơ chế hoạt động của bom hydro dựa vào sự hợp nhất của các nguyên tử nhẹ, chủ yếu là đồng vị của hydro để trở thành helium. Điều này cũng xảy ra trong lõi của các ngôi sao với áp suất và nhiệt độ cực lớn, bao gồm Mặt trời. Teller tin rằng một vụ nổ bom nguyên tử có thể tạo ra điều kiện gần giống với lõi ngôi sao để kích hoạt phản ứng tổng hợp hạt nhân hydro nặng (deuterium) và giải phóng một năng lượng khổng lồ.

Tuy nhiên, khi Mỹ thả hai quả bom nguyên tử với biệt danh “Little Boy” và “Fat Man” xuống các thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản, phần lớn các nhà khoa học làm việc trong chương trình Manhattan cảm thấy lương tâm bị cắn dứt nên không muốn tiếp tục công việc phát triển các loại vũ khí nguyên tử khác, cũng như không quan tâm đến ý tưởng của Teller.

Cho đến khi Liên Xô thử nghiệm thành công quả bom nguyên tử đầu tiên vào tháng 9/1949, Teller đề xuất dự án chế tạo bom H với sức công phá gấp hàng nghìn lần bom nguyên tử để giúp Mỹ đi trước Liên Xô trong cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân. Nhưng dự án này đã bị đa số các nhà khoa học thuộc Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Mỹ bỏ phiếu phản đối, bao gồm chủ tịch Robert Oppenheimer. Các lý do được đưa ra là tính khả thi của bom H không cao, bom nguyên tử là đủ để tiêu diệt các mục tiêu quân sự, việc chế tạo một loại vũ khí có thể giết chết hàng triệu người là sai trái về mặt đạo đức.

Mọi chuyện thay đổi vào tháng 1/1950, khi một vụ gián điệp nguyên tử bị phát giác làm rung chuyển dư luận thời bấy giờ. Thủ phạm là Klaus Fuchs – một nhà khoa học gốc Đức quốc tịch Anh làm việc tại Phòng Thí nghiệm Los Alamos – đã thú nhận trao các tài liệu nguyên tử cho gián điệp của Liên Xô, bao gồm tài liệu liên quan đến phản ứng nhiệt hạch để phát triển bom H. Sự việc khiến các nhà lãnh đạo nước Mỹ tỏ ra lo ngại. Chỉ bốn ngày sau khi Fuchs nhận tội, Tổng thống Mỹ Harry Truman ra lệnh cho Ủy ban Năng lượng Nguyên tử cùng Bộ Quốc phòng bắt tay nghiên cứu, chế tạo bom H, đồng thời thành lập Phòng Thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore với sự tham gia của Teller để thực hiện công việc này.

Năm 1952, Teller và các cộng sự chế tạo thành công quả bom H đầu tiên mang tên Ivy Mike. Quả bom này có sức công phá tương đương 10,4 triệu tấn thuốc nổ TNT, mạnh gấp 700 lần quả bom thả xuống Hiroshima. Vụ nổ trong cuộc thử nghiệm bom Ivy Mike tại quần đảo Marshall trên Thái Bình Dương lớn đến mức phá hủy hoàn toàn đảo Elugelab và tạo ra một đám mây hình nấm cao 48 km.

Trong thời gian làm việc tại Phòng Thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore từ năm 1956 đến năm 1960, Teller nghiên cứu và phát triển các đầu đạn nhiệt hạch nhỏ, đủ nhẹ để tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm có thể mang theo.

Mặc dù đóng góp nhiều công sức trong việc chế tạo vũ khí hạt nhân, nhưng Teller là một người không muốn chứng kiến những cuộc chiến tranh thảm khốc. “Thế giới này rất nhỏ bé nên hòa bình là điều vô cùng cần thiết. Vũ khí hạt nhân, trong một thế giới hòa bình, sẽ có tầm quan trọng hạn chế”, Teller chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với CNN.

Teller đã xuất bản hàng chục cuốn sách về nhiều chủ đề khác nhau từ chính sách năng lượng cho đến các vấn đề quốc phòng. Năm 2003, ông được trao tặng Huân chương Tự do của Tổng thống – danh hiệu dân sự cao nhất của Mỹ – trong một buổi lễ đặc biệt được tổ chức bởi Tổng thống George W. Bush tại Nhà Trắng.

“Trong suốt cuộc đời, tôi đã phải đối mặt với nhiều quyết định khó khăn và tôi thường xuyên nghi ngờ liệu mình có hành động đúng đắn hay không. Vì vậy, Huân chương Tự do của Tổng thống là điều hạnh phúc lớn nhất đối với tôi”, Teller nói.