Cái thời chưa bị đời đánh cho vỡ mặt, và chế độ chủ quan hơi quá cao, tôi hay tự nghĩ ra thứ người ta đương nhiên phải cần, phải hiểu, phải làm được, và ít có khi nào hỏi người khác thật ra họ cần gì, muốn gì.

Và vì mình hay ho quá, nên tự nghĩ ra xong tự ép người ta phải muốn thứ mình muốn, phải làm thứ mình yêu cầu, phải phát triển theo ý mình đưa ra.

Và đời chưa bao giờ vận hành theo ý của ai trên đời này hết. Hên thì suôn sẻ vài lần. Đến khi cạn hên thì mọi thứ nó chả có cái nồi nào úp được cái vun nào.

Hồi xưa, có anh đối tác ở Dehli - Ấn Độ, được thăng chức từ phòng tài chính lên giám đốc. Quản trị dự án thì quá đỉnh, hết sức chi tiết, giám sát chi phí thì khỏi con ruồi nào bay qua nổi. Khi sang thăm thị trường, thấy mọi người đang quá căng thẳng với chi tiết xây dựng của chi nhánh đang xây, tôi hỏi, khách hàng của mình ở đây là ai, họ muốn gì, thói quen tiêu dùng của họ ra sao, và tại sao chúng ta đang hình như quá tập trung vào thứ mình muốn chứ không phải là cái họ muốn? Bệnh này là bệnh chủ quan rất nhiều người mắc phải. Ego mà. Tôi nghĩ vậy, thấy vậy, muốn vậy, suy ra mấy người cũng phải giống vậy. Tôi hỏi, nghe câu này chưa? All dressed up and nowhere to go – Diện cho dữ rồi không có chỗ nào để đi. Tôi trích câu này trong một bài hát, trong đó có đoạn vầy:

She’s all dressed up in her best hat and gloves
She’s all dressed up
Watching and waiting, but nobody comes
Some days sure are lonely days
And time can move so slow
When you’re all dressed up
With nowhere to go
Người đẹp đội cái nón đẹp nhất và mang đôi găng tay đẹp nhất
Người đẹp diện hết sức
Nhìn và chờ, nhưng chẳng ai đến
Có những ngày cô đơn thế
Thời gian trôi qua thật chậm
Khi người đẹp diện hết cỡ
Nhưng không có nơi để đến.

Cảm giác mà cái chi nhánh thật hoàn hảo khai trương nhưng không có khách hàng là như thế. Cho nên, tôi nói, làm ơn bớt căng thẳng những chuyện chi tiết hoàn hảo linh tinh đi và tập trung vào những người mà bạn sẽ phục vụ. Hãy suy nghĩ, sống, thở như họ và hãy làm những thứ sẽ mang lại cho họ niềm vui, trải nghiệm đẹp, ký ức tuyệt vời. Còn mọi thứ trên đời này đều phải cải tiến liên tục chứ có phải làm một phát là phải hoàn hảo hết đâu. Nếu không, lại all dressed up and nowhere to go.

Tháng trước, gặp một bạn giám đốc nhân sự người Nam Phi làm cho tập đoàn lớn lắm trong chuyến châu Âu. Bạn nói đang đau đầu vì nhân sự nghỉ nhiều quá, toàn lo đi tuyển không mệt muốn chết. Tuyển xong huấn luyện xong vào làm lại nghỉ. Cô hỏi, Phi có nguồn nhân sự nào ở các nước châu Á giúp được cho tôi không. Mình hỏi, tại sao họ nghỉ? Bạn có làm exit interview – phỏng vấn trước khi nghỉ việc hay làm động tác nào để hiểu tại sao họ nghỉ không? Bạn có bao giờ hỏi nhân sự hiện có của mình họ có những điều gì có thể là nguyên nhân khiến nhân viên nghỉ nhiều vậy không? Cô nói, thì do áp lực công việc thôi. Tôi hỏi, áp lực công việc đối với họ nghĩa là gì? Và theo họ thì chúng ta có thể làm gì để họ cảm thấy giải tỏa áp lực đó cho bản thân? Ta có hỏi họ bao giờ chưa? Ta có thấu cảm người đối diện? Bạn nhìn tôi, ừa, để tôi về tìm hiểu chuyện này ngọn nguồn rồi tìm giải pháp. Thật ra chúng tôi đã quá chủ quan!

Bệnh chủ quan khó chữa, vì ai cũng có ego – tự cao, ai cũng nghĩ mình giỏi, ai cũng nghĩ mình hiểu và chẳng chịu mở miệng ra mà hỏi. Tôi chắc với bạn luôn, là 10 người bạn nghĩ là bạn hiểu thì hết 10 người đang có những suy nghĩ hoàn toàn khác với những gì bạn nghĩ. Cho nên, cứ phải hỏi, biết kỹ năng đặt câu hỏi, học kỹ năng đọc ngôn ngữ cơ thể. Và làm gì, cũng phải tìm hiểu và hỏi cho kỹ đối tượng của mình trước khi đưa ra giải pháp cho họ. Giải pháp là cho họ, có phải cho bạn đâu mà ở đó chủ quan? Nhớ câu này, và giữ nó làm thần chú mỗi khi bạn áp cái gì đó cho ai, All dressed up and nowhere to go.