Trong lịch sử phát triển của ngành bưu chính, con người đã thử nghiệm mọi phương thức vận chuyển, bao gồm cả tên lửa để đưa thư. Tuy nhiên, chi phí đưa thư bằng tên lửa quá cao nên phương pháp này không còn được áp dụng cho đến ngày nay.

Vào ngày 8/6/1959, tàu ngầm USS Barbero của Hải quân Mỹ phóng tên lửa hành trình SSM-N-8A Regulus mang theo 3.000 lá thư. Ảnh: Amusingplanet.
Vào ngày 8/6/1959, tàu ngầm USS Barbero của Hải quân Mỹ phóng tên lửa hành trình SSM-N-8A Regulus mang theo 3.000 lá thư. Ảnh: Amusingplanet.

Trong những ngày đầu của dịch vụ bưu chính, thư được vận chuyển thông qua người đi bộ hoặc xe ngựa. Thời gian vận chuyển thư mất khoảng vài ngày hoặc vài tuần, tùy thuộc khoảng cách đưa thư. Khi các phương tiện vận chuyển mới ra đời [xe đạp, xe máy, ô tô, máy bay,…] giúp rút ngắn thời gian di chuyển, những lá thư bắt đầu đến tay người nhận ở xa trong thời gian ngắn hơn và hệ thống bưu chính hoạt động trở nên hiệu quả hơn.

Heinrich yon Kleist, nhà thơ và nhà viết kịch người Đức, là người đầu tiên đề xuất ý tưởng đưa thư bằng tên lửa trong một bài báo xuất bản năm 1810. Vào thời điểm đó, tên lửa vẫn còn khá đơn giản. Chúng cấu tạo gồm thuốc súng và một lớp vỏ bọc bên ngoài. Người ta thường sử dụng tên lửa như pháo trên chiến trường. Kleist tính toán rằng, một tên lửa có thể vận chuyển một lá thư từ thành phố Berlin đến Breslau [cách nhau 290 km] trong nửa ngày, chỉ bằng 1/10 so với lượng thời gian đưa thư bằng ngựa.

Nhà phát minh người Anh William Congreve đã thử nghiệm ý tưởng của Kleist trên hòn đảo nhỏ Tonga cách nước Đức nửa vòng Trái đất bằng tên lửa do ông tự thiết kế. Tuy nhiên, các tên lửa này bay thiếu chính xác và hoạt động kém hiệu quả nên ý tưởng sử dụng chúng làm phương tiện vận chuyển thư nhanh chóng bị gạt bỏ.

Tháng 6/1928, nhà vật lý người Đức Hermann Julius Oberth khơi dậy lại chủ đề này trong một bài thuyết trình tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Khoa học Hàng không ở Danzig. Ông đề xuất việc phát triển các tên lửa nhỏ có thể mang theo những lá thư di chuyển trên quãng đường từ 1.000km đến 2.000km. Bài thuyết trình của giáo sư Oberth thu hút sự quan tâm của nhiều học giả trên thế giới, trong đó có kỹ sư trẻ người Áo Friedrich Schmiedl.

Schmiedl sống trên dãy núi Alps ở Áo nên ông hiểu rất rõ sự vất vả của những người vận chuyển thư giữa các ngôi làng miền núi. Họ mất khoảng 8 giờ để đi bộ từ ngôi làng này sang làng khác, trong khi tên lửa bay chỉ trong chốc lát. Sau nhiều lần thử nghiệm vận chuyển thư bằng khinh khí cầu không thành công, ông chuyển sang sử dụng tên lửa nhiên liệu rắn. Năm 1931, ông chuyển thành công 102 lá thư bằng tên lửa đến một ngôi làng cách địa điểm phóng 5 km. Tên lửa này được điều khiển từ xa và hạ cánh bằng dù. Ông tiếp tục thử nhiệm thêm một lần nữa và gửi thành công 333 lá thư. Cuối cùng, ý tưởng đưa thư bằng tên lửa cũng được chứng minh là khả thi trong điều kiện thực tế.

Schmiedl đã truyền cảm hứng cho các nhà khoa học tại một số quốc gia khác như Đức, Anh, Hà Lan, Mỹ, Ấn Độ và Australia. Họ thực hiện các thí nghiệm tương tự với mức độ thành công khác nhau. Năm 1934, trong một nỗ lực chứng minh cho người Anh thấy tính khả thi của hệ thống đưa thư bằng tên lửa, doanh nhân người Đức Gerhard Zucker phóng một tên lửa mang theo 4.800 bức thư đến Scotland từ bờ biển nước Anh. Trước sự quan sát của nhiều nhân viên Chính phủ Anh, tên lửa đã phát nổ, khiến những lá thư bốc cháy và rơi xuống bãi biển. Sau thử nghiệm thất bại, Zucker trở về Đức và bị chính quyền ở đây bắt giữ do nghi ngờ ông làm gián điệp và hợp tác với Anh.

Tuy nhiên, thử nghiệm lại thành công lớn ở Ấn Độ, nơi kỹ sư hàng không Stephen Smith dần hoàn thiện các kỹ thuật vận chuyển thư bằng tên lửa. Từ năm 1934 đến năm 1944, Smith thực hiện thành công 270 lần phóng tên lửa, trong đó ít nhất 80 tên lửa mang theo thư. Ông đã làm nên lịch sử khi dùng tên lửa vận chuyển kiện hàng thực phẩm đầu tiên bao gồm gạo, lúa mì, đồ gia vị và thuốc lá đến khu vực đổ nát do động đất Quetta [hiện nay thuộc Pakistan], ngang qua một con sông. Tiếp đó, Smith buộc một con gà trống và một con gà mái vào tên lửa rồi phóng qua bờ sông bên kia. Cả hai con vật đều sống sót sau chuyến đi và được đem tặng cho một sở thú tư nhân ở Calcutta.

Đến cuối những năm 1950, cuộc đua vào vũ trụ vừa mới bắt đầu và quân đội Mỹ đang chế tạo các tên lửa có thể vươn tới khắp thế giới, thậm chí tới Mặt trăng. Giống như nhiều quốc gia khác, Mỹ cũng có ý định thử nghiệm dịch dụ vận chuyển thư bằng tên lửa.

Vào ngày 8/6/1959, tàu ngầm USS Barbero của Hải quân Mỹ phóng tên lửa hành trình SSM-N-8A Regulus [hoạt động nhờ động cơ tuabin phản lực] hướng tới một căn cứ hải quân ở Mayport, bang Florida, cách đó khoảng 1.100 km. Tên lửa không mang theo đầu đạn hạt nhân nặng 1.800 kg như thường lệ mà thay vào đó là hai thùng kim loại chứa 3.000 bản sao lá thư của Bộ trưởng Bộ Bưu điện Mỹ Arthur Summerfield gửi đến Tổng thống Dwight D. Eisenhower, Phó Tổng thống Richard Nixon, đại diện cá nhân của Quốc hội, các thành viên của Tòa án Tối cao,…

Nội dung thư có ghi: “Những tiến bộ lớn trong công nghệ tên lửa dẫn đường sẽ được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như vận chuyển thư. Bộ Bưu điện sẽ tiếp tục hợp tác với Bộ Quốc phòng để đạt được mục tiêu này.”

Kết quả thử nghiệm, tên lửa hành trình SSM-N-8A Regulus bay đến đích sau 22 phút và những lá thư vẫn còn nguyên vẹn. Summerfield hào hứng tuyên bố rằng: “Trước khi con người tới Mặt trăng, thư sẽ được gửi từ New York đến California, đến Anh, đến Ấn Độ hay Australia bằng tên lửa dẫn đường chỉ trong vài giờ.”

Tuy nhiên điều này đã không xảy ra, và đây là lần chuyển thư bằng tên lửa cuối cùng của Mỹ. Nguyên nhân là do chi phí đưa thư bằng tên lửa quá cao. Tên lửa hành trình đã tiêu tốn của Chính phủ Mỹ 1 triệu USD, nhưng chỉ mang lại doanh thu 240 USD từ việc bán tem bưu chính. Trong khi đó, máy bay đã có khả năng chuyển phát thư trên toàn thế giới chỉ trong một đêm với chi phí thấp.

Ngoài ra, hầu hết các bức thư sau khi hạ cánh cùng tên lửa tiếp tục phải được gửi bằng dịch vụ thư thông thường tại một bưu điện gần đó, do 3.000 người nhận không ngồi tại khu căn cứ hải quân ở Florida để chờ thư. Vì vậy, những bức thư từ tàu ngầm USS Barbero cuối cùng phải mất 8 ngày để đến tay người nhận, một tốc độ quá chậm so với “tốc độ tên lửa”.

Dù không khả thi về mặt tài chính và hậu cần để gửi thư bằng tên lửa, nhưng thử nghiệm của Hải quân Mỹ vẫn mang một ý nghĩa quan trọng. “Trong bối cảnh Chiến tranh lạnh, cuộc thử nghiệm cho thấy tên lửa hành trình của quân đội Mỹ đạt độ chính xác rất cao, thậm chí có thể dùng cho dịch vụ bưu chính”, Nancy A. Pope, người phụ trách Bảo tàng Bưu chính Quốc gia Mỹ, viết trên trang web của cơ quan này.

Kể từ đó đến này, các quốc gia trên thế giới không có thêm bất kỳ thử nghiệm đưa thư bằng tên lửa nào nữa.