Đến giữa thế kỷ 19, thành phố công nghiệp Chicago – một trong những biểu tượng thịnh vượng của nước Mỹ – bắt đầu bước vào giai đoạn bùng nổ kinh tế, nhưng lại phải đương đầu với rất nhiều thách thức.

Giống như cư dân của nhiều đô thị đang mở rộng khi ấy, người Chicago thường xem dòng sông là cống thoát nước và rác thải (chưa qua xử lý) lộ thiên, mang theo vô số loại mầm bệnh cùng các tác nhân gây ô nhiễm. Chất thải sau đó sẽ trôi dạt vào lòng hồ Michigan – nguồn cấp nước sinh hoạt chính của thành phố. Vì thế, kỹ sư Ellis Sylvester Chesbrough (1813 – 1886), được sự ủy quyền của nhà chức trách Chicago, đã thiết kế và giám sát hoạt động xây dựng một hầm dẫn nước ngầm sâu 18 m bên dưới mặt hồ với cửa hầm mở cách bờ hồ khoảng hai dặm (3,2 km) – để lấy nước sông từ xa và bỏ qua khu vực ô nhiễm.

Hội đồng quản trị Cơ quan Vệ sinh Môi trường Chicago chụp hình sau khi cho phá con đập cuối cùng giữ nước sông Chicago khỏi kênh SSC, sáng ngày 2/1/1900. Ảnh: Metropolitan Water Reclamation District.

Trước đó, Chesbrough còn có một ý tưởng táo bạo hơn nhiều: đảo chiều dòng chảy sông Chicago. Tại phía Tây của dòng sông có một kết cấu đá núi mang tên Chicago Portage – đóng vai trò giống như bức tường tự nhiên ngăn cách lưu vực thoát nước của Ngũ Đại Hồ (Great Lakes) và sông Mississippi. Nước mưa từ phía Tây đường ranh giới này thường sẽ chảy vào sông Des Plaines, rồi tiếp tục di chuyển về hướng Nam và hội tụ với sông Kankakee để tạo thành sông Illinois – một nhánh của sông Mississippi. Trong khi đó, nước mưa từ phía Đông đường ranh giới lại chảy vào Ngũ Đại Hồ. Sau rất nhiều lần khảo sát và tính toán, Chesbrough tin rằng việc đào một con kênh xuyên qua Chicago Portage – với độ sâu lớn hơn mực nước của cả sông Chicago lẫn hồ Michigan – sẽ khiến dòng nước ô nhiễm chảy ngược ra khỏi hồ do tác dụng của trọng lực. Ban đầu, ông đề xuất nạo vét và khơi sâu hai con kênh Illinois, Michigan để tăng cường sức tải cho sông Chicago, nhưng sau đó nhận thấy cần phải đào một con kênh lớn hơn do dân số tăng trưởng quá nhanh. Tuy nhiên, cuộc Nội chiến (1861 – 1865) và trận đại hỏa hoạn năm 1871 đã tàn phá Chicago khiến công việc xây dựng không thể được bắt đầu mãi đến tận năm 1892 – sáu năm sau khi Chesbrough qua đời.

Luật sư Walter E. Beebe, được ủy quyền bởi những chủ trang trại từ thung lũng Illinois, đang điều tra tình trạng xói lở và tràn bờ dọc sông Illinois River. Ảnh chụp năm 1910/Nguồn: CityFiles Press.
Sông Chicago ngày nay rất sạch và thơ mộng. Ảnh: Wikimedia.

Năm 1990, con kênh dài 28 dặm (45 km) xuyên qua Chicago Portage, nhập với sông Chicago và chảy đến sông Des Plaines được hoàn thành. Ban đầu nó mang tên Chicago Drainage Canal hay CDC (dịch nghĩa là kênh đào thoát nước của Chicago) nhưng sau được đổi thành Chicago Sanitary and Ship Canal hay CSSC (con kênh được sử dụng để đảm bảo vệ sinh môi trường và cho tàu bè qua lại) bởi nó còn đóng vai trò như một thủy lộ kết nối Ngũ Đại Hồ với hệ thống sông Mississippi. Kênh ngày càng sâu về hướng Tây khiến nước từ sông Chicago chảy ngược sang sông Des Plaines. Trong những năm tiếp theo, người ta còn xây dựng thêm hai con kênh: North Shore (hoàn thành năm 1910) và Calumet-Saganashkee (1922) – nhằm giúp sông Chicago tăng cường lưu lượng.

Trước khi bị thay đổi dòng chảy, các nhánh Bắc và Nam của sông Chicago hội tụ tại Wolf Point tạo thành luồng chính chảy về phía Đông và đổ vào Hồ Michigan. Còn ngày nay, luồng chính lại chảy từ Hồ Michigan về phía Tây đến Wolf Point, nơi nó hội tụ với nhánh Bắc của sông Chicago để tạo thành nhánh Nam, sau đó tiếp tục chảy về phía Tây Nam và đổ vào kênh CSSC. Năm 1999, dự án được Hiệp hội Kỹ sư Xây dựng Hoa Kỳ (ASCE) bầu chọn là “Tượng đài Kỹ thuật Xây dựng Thiên niên kỷ” bởi quy mô cùng tác động to lớn của nó.

Nhưng bên cạnh lợi ích, việc thay đổi dòng chảy của sông cũng gây ra một số hệ quả môi trường. Người chịu ảnh hưởng trực tiếp và trước nhất là các cộng đồng tại hạ nguồn. Lượng nước từ Hồ Michigan đổ sang đã làm sông Illinois phình to gấp đôi, gây xói lở và tràn bờ – đe dọa vùng đất nông nghiệp cùng môi trường sống của nhiều loài động vật hoang dã xung quanh. Năm 1905, khoảng 300 chủ trang trại từ thung lũng Illinois đã khởi kiện Sanitary District of Chicago hay SDC (Cơ quan Vệ sinh Môi trường Chicago).

Bên cạnh đó, dự án còn bị cho là đã góp phần làm gia tăng tình trạng ô nhiễm tại sông Mississippi – vốn là nguồn cấp nước sinh hoạt cho thành phố St. Louis thuộc tiểu bang Missouri. Năm 1900, người dân Missouri đệ đơn kiện SDC song bị bác bởi không thể cung cấp bằng chứng cho thấy nguồn gốc ô nhiễm của sông Mississippi đến từ Chicago, trong khi bản thân họ cũng đang xả thải ra sông mỗi ngày. Chưa hết, việc kết nối hai hệ sinh thái nước ngọt lớn nhất thế giới – Ngũ Đại Hồ và lưu vực sông Mississippi – còn mở đường cho nhiều loại động vật xâm lấn, chẳng hạn loài cá chép châu Á – hiện đang đe dọa tính đa dạng sinh học của Ngũ Đại Hồ và gây thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm cho các bang trong vùng.

Sang thập niên 1920, cũng như nhiều đô thị hiện đại khác, Chicago bắt đầu áp dụng những giải pháp xử lý nước thải song với tiến độ chậm chạp cùng công nghệ hết sức sơ sài. Các dòng sông chỉ thật sự bắt đầu hồi sinh khi đạo luật Clean Water Act (làm sạch nước) được Quốc hội thông qua năm 1972. Thậm chí mãi đến tận năm 1980, nước sông Chicago hãy còn rất bẩn và đầy rác. Nhưng nhờ những nỗ lực của cựu thị trưởng Richard M. Daley (1942 -) trong thập niên 1990 mà dòng sông ngày nay đã sạch hơn rất nhiều để cá có thể tung tăng bơi lội với số loài tăng trưởng gấp 10 lần (hơn 70 loài).

Theo Amusing Planet