Sự kết hợp tài năng của Bill Gates và Paul Allen đã tạo nên những kiệt tác công nghệ, nhưng rồi chính tài năng và cá tính của họ lại đưa đến sự tan vỡ.

Trong cuộc đời không quá dài của mình, Paul Allen - người cùng với Bill Gates đồng sáng lập hãng Microsoft - đã có một di sản phi thường. Là nhà lập trình thiên tài trong thời đại sơ khai của máy tính cá nhân, tầm nhìn rất xa của ông về tương lai máy tính (mỗi người đều có một máy tính nhỏ, tốc độ xử lý cực mạnh, và kết nối…) vẫn đúng đến thời điểm hiện tại. Trong cuốn hồi ký “Idea Man” (Người hùng ý tưởng), Paul Allen (1953 - 2018) đã thuật lại cuộc đời đầy phong phú: mê máy tính, điên cuồng viết code, đầy viễn ảnh về tương lai công nghệ; đầu tư cho các dự án công nghệ đột phá như SpaceShipOne (máy bay tư nhân bay sát rìa vũ trụ - được coi mở ra triển vọng của ngày du lịch vũ trụ) cũng như dự án Bản đồ gene, Bản đồ thần kinh….

“Idea Man” của Paul Allen được xuất bản lần đầu vào năm 2011 và nằm trong danh sách bán chạy của The New York Times. Ảnh: INT

Rút lui khỏi vị trí “sếp” Microsoft vào đúng năm 30 tuổi - nhà tỉ phú trẻ độc thân còn trở thành nhà sưu tập cuồng nhiệt và hào phóng về Jimi Hendrix. Cùng với việc trả hàng triệu đô-la để giúp gia đình Hendrix giữ lại bản quyền khi suýt bị lừa, ông còn xây một bảo tàng lưu giữ những kỷ vật của tay guitar huyền thoại (trong đó có cây guitar trứ danh chơi ở Woodstock). Ông thích kết giao với giới nghệ sĩ, từng mời Paul McCartney, Bono, Mick Jagger… đến du thuyền riêng thu âm, thậm chí biểu diễn cùng họ. (Nhà sản xuất âm nhạc gạo cội Quincy Jones chứng nhận: Paul có thể chơi guitar “như Jimi Hendrix”. Có thể xem tài chơi guitar của Paul Allen trong lần chơi nhạc cùng Ringo Starr, Kenny Wayne Shepherd và Joe Walsh trên Youtube - https://youtu.be/L_r6bgPQfj4). Ông cũng du lịch khắp thế giới, quen biết các nhân vật nổi tiếng như George Bush, Steven Spielberg…

Trong ngành công nghệ, mối quan hệ của những cặp đôi như Bill Gates - Paul Allen của Microsoft hay Steve Jobs - Steve Wozniak (cũng như của Bill Gates và Steve Jobs) đã tạo nên những giai thoại ly kỳ, hấp dẫn không kém câu chuyện của những “cặp đôi hoàn hảo” trong thế giới âm nhạc như John Lennon - Paul McCartney hay Roger Waters - David Gilmour. Điểm chung của các cặp đôi này là sự kết hợp tài năng của họ đều tạo nên những kiệt tác, nhưng rồi chính tài năng và cá tính của họ lại đưa đến sự tan vỡ.

Bức ảnh nổi tiếng về Paul và Bill thời còn học cùng nhau tại Lakeside School, Seattle. Ảnh: INT

Các câu chuyện về Bill Gates xuất hiện xuyên suốt 13 chương đầu trong tổng số 22 chương của hồi ký - và trong các câu chuyện đó, Paul Allen nhiều lúc không giấu sự bực bội, thậm chí châm chọc, cay cú. Tuy nhiên, ngay từ đầu, Paul Allen nhận định về vai trò của Bill Gates trong cuộc đời mình: “chỉ có một nhân tố bất di bất dịch trong cuộc đời tôi, đó là chàng sinh viên Harvard tên Bill Gates”.

Paul Allen kể lại kỷ niệm lần đầu với gặp Bill Gates trong cuốn hồi ký: khi đó, Bill Gates còn là một học sinh lớp 8 gầy nhom, mặt lấm tấm tàn nhang đang cố chen vào đám đông xung quanh máy Teletype một cách lóng ngóng và căng thẳng. Có một bức ảnh nổi tiếng về “Paul và Bill trẻ” được chụp sau cuộc gặp đó không lâu: Paul ngồi trên chiếc ghế cứng gõ máy Teletype, “cậu nhóc” Bill đứng cạnh, chăm chú nhìn “ông anh”. Ấn tượng về Bill đối với Paul Allen trong buổi đầu gặp gỡ là thích ganh đua; muốn thể hiện trí thông minh.

Tình bạn của Paul Allen và Bill Gate tuyệt đẹp cho đến những ngày Microsoft còn là công ty khởi nghiệp. Hai người cùng sử dụng thiết bị đầu cuối Teletype của Lakeside School để phát triển kỹ năng lập trình, và tìm lỗi trong phần mềm của Computer Center Corporation để đổi lấy thêm thời gian sử dụng máy tính; lập trình dựa trên bộ xử lý Intel 8008… Và ở tuổi 21, khoảng thời gian mà Paul Allen viết trong hồi ký là “cuộc đời tôi lâm vào ngõ cụt”, ông thuyết phục Gates bỏ Harvard để thành lập Microsoft (dù trước đó Bill từng thuyết phục Paul bỏ học để lập công ty, nhưng rồi chính Bill lại đổi ý để tiếp tục học).

Tự nhận mình là người nổi trội nhất về ý tưởng (idea man), nhưng Paul Allen thừa nhận, Bill Gates mới là người lựa chọn các ý tưởng; và nhờ Bill luôn chọn đúng nên họ tránh được sai lầm, rút ngắn thời gian đến thành công. “Bất kỳ công ty nào cũng đều có những thời khắc quyết định... Ý tưởng kế tiếp của tôi: Micro-Soft, tượng trưng cho microprocessor (vi xử lý) và software (phần mềm). Micro-Soft, vừa đơn giản vừa súc tích. Nó truyền tải vừa vặn phương châm kinh doanh của chúng tôi,” ý tưởng thành lập Microsoft được Paul Allen kể trong hồi ký.

Và ngay từ lúc đó, Bill Gates, từ một nhà lập trình tuyệt vời, bắt đầu thể hiện khí chất ông chủ. Paul đinh ninh rằng quan hệ cộng sự sẽ chia theo tỷ lệ 50-50. Nhưng Bill lại có ý kiến “nên chia 60-40” vì Paul Allen đã có tiền lương ở nơi khác. Song ngay cả khi Paul Allen dành toàn bộ thời gian cho Microsoft thì việc “phân ngôi” chưa dừng lại - không lâu sau đó Bill Gates đòi chia theo tỉ lệ 64-36.

Tình bằng hữu phai nhạt, Paul Allen dần nhận ra một “Bill thật”: “Sau này, khi mối quan hệ của chúng tôi thay đổi... Tôi cố gắng đặt mình vào vị trí của cậu và tái hiện suy nghĩ đó, tôi kết luận rằng nó rất đơn giản: Phần lớn nhất mà mình có thể lấy là bao nhiêu? Điều này cũng bộc lộ những khác biệt giữa con trai của một thủ thư và con trai của một luật sư”.

Có một huyền thoại hay được gắn với Bill Gates, rằng nguyên tắc tuyển nhân sự của Bill Gates là “hãy tìm người lười nhất, anh ta sẽ tìm ra cách ngắn nhất để hoàn thành công việc”. Sự thực, dưới tay Bill Gates, nhân viên Microsoft vừa chịu áp lực công việc khủng khiếp vừa có số giờ làm việc “trâu bò”. Paul Allen kể: “Microsoft là một môi trường cực kỳ căng thẳng vì Bill luôn thúc ép mọi người làm việc quá sức như ép chính bản thân cậu ấy vậy. Cậu ấy biến thành đốc công đi rình rập bãi đậu xe vào cuối tuần để xem ai đi làm”. Hoặc có lần Bill Gates chất vấn một nhân viên “tại sao lại muốn nghỉ phép” sau khi đã làm việc 81 giờ trong 4 ngày để hoàn thành “deadline”. Bởi theo Paul, Bill Gates “thực sự không thể hiểu” nghỉ phép là gì!

Đỉnh điểm của sự rạn nứt giữa hai người hùng công nghệ khi Paul Allen tình cờ nghe được cuộc trò chuyện giữa Bill và Steve Ballmer (người sau này “kế vị” Bill Gates) về kế hoạch giảm bớt vai trò của mình ở công ty. Khi đó, Paul đã xông vào và quát: “Không thể tin được! Cuối cùng, tôi đã nhìn rõ bộ mặt thật của các cậu!”

Bị chèn ép trong công việc, gần như bị “đá” khỏi công ty, song Paul Allen chưa bao giờ tuyệt giao với Bill Gates. Có thời điểm, Bill Gates đề nghị đầu tư vào công ty mới của Paul Allen (nhưng Paul từ chối).

Và vào quãng thời gian phải chống chọi với bệnh tật, Paul Allen lại có thêm một cơ hội để thấy một “Bill thật” khác nữa - đó là người quan tâm, thường xuyên đến thăm ông. Paul Allen viết những dòng cuối về Bill Gates trong cuốn hồi ký của mình: “Tại thời điểm khó khăn này, một trong những người thường xuyên đến thăm tôi là Bill Gates. Cậu ấy là một người bạn tuyệt vời, rất chu đáo và săn sóc. Tôi nhớ đến mối quan hệ phức tạp của chúng tôi, chúng tôi luôn ủng hộ lẫn nhau ngay cả khi không nói chuyện. Có lẽ, chúng tôi sẽ mãi gắn kết với nhau cho tới cuối đời”.

Bill Gates đúng là như vậy: một thiên tài máy tính, một ông chủ tàn nhẫn đã “không từ thủ đoạn nào” để tiêu diệt đối thủ cạnh tranh (như cách Bill đã dùng lợi thế thống trị thị trường của Windows để tiêu diệt Netscape) nhưng cũng là một nhà tỉ phú cam kết dành phần lớn tài sản của mình để làm từ thiện.

Tuy nhiên, “Idea Man” không chỉ hấp dẫn ở những đoạn viết về Bill Gates. Cuốn hồi ký lôi cuốn chủ yếu ở chỗ nó cho người đọc được “sống cùng” thời đại máy tính thuở sơ khai - khi dữ liệu còn được lưu trữ trên băng từ đục lỗ, máy tính cá nhân sử dụng đĩa mềm 8 inches, hệ điều hành MS-DOS… - và lý giải tường tận nhiều quyết định lớn của những “người hùng khởi nghiệp” trong lĩnh vực công nghệ thông tin, từ góc nhìn của chính người trong cuộc.