Các nghiên cứu mới đã hé lộ một bức tranh phong phú hơn, phức tạp hơn về vai trò của phụ nữ Hy Lạp cổ đại với tư cách là những người vợ, nữ tư tế, hoặc thậm chí là các học giả nổi tiếng.

Trong nhiều thế kỷ, niềm tin của chúng ta về vai trò của các bé gái và phụ nữ ở Hy Lạp cổ đại chủ yếu xoay quanh việc cuộc sống của họ bị giới hạn và che đậy như thế nào. Phụ nữ không được tiếp cận với không gian công cộng (public sphere) – nơi mọi người có thể tụ họp với nhau để xác định và thảo luận một cách tự do về các vấn đề xã hội. Họ cũng bị tước đoạt quyền công dân, không có địa vị pháp lý hoặc chính trị.

Hình ảnh một người phụ nữ Hy Lạp trên bức phù điêu có niên đại vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên. Ảnh: Bridgeman

Quan niệm trên bắt nguồn từ các tác phẩm của những học giả Hy Lạp nổi tiếng bao gồm Xenophon, Plato và Thucydides. Ví dụ, trong cuốn sách Politics (Chính trị) có niên đại vào thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên, Aristotle từng tuyên bố rằng: “giữa hai giới tính, phụ nữ thấp kém hơn so với nam giới. Nam giới là những người thống trị và phụ nữ phải phục tùng theo”. Nhiều văn bản trong số này bắt nguồn từ thành phố Athens, nơi hiện tượng bất bình đẳng giới xảy ra nghiêm trọng nhất. Phụ nữ tại các thành phố khác như Sparta có nhiều quyền tự do hơn, khi họ được khuyến khích tập thể dục và rèn luyện tương tự nam giới.

Những chiếc bình loutrophoros dùng trong lễ cưới của phụ nữ Hy Lạp có niên đại năm 340-330 trước Công nguyên. Ảnh: National Geographic

Trên thực tế, vai trò của phụ nữ trong xã hội Hy Lạp cổ đại đa dạng và phức tạp hơn nhiều. Ngoài sự khác biệt giữa các khu vực sinh sống, vai trò của người phụ nữ cũng có sự khác biệt giữa các tầng lớp xã hội. Phụ nữ nghèo làm việc như những người thợ giặt, thợ dệt, nhân viên bán hàng, vú nuôi và nữ hộ sinh. Trên đồ gốm trang trí, người Hy Lạp cổ đại thậm chí còn phác họa cảnh tượng phụ nữ thuộc tầng lớp nô lệ làm việc ở chợ và đi lấy nước.

Tuy nhiên trong lĩnh vực tôn giáo, các học giả nhận thấy giới tính nữ chiếm một vị trí vô cùng quan trọng. Tại những ngôi đền, người dân Hy Lạp thờ cúng các vị nữ thần quyền năng, chẳng hạn như Athena (nữ thần chiến tranh và trí tuệ) hoặc Artemis (nữ thần săn bắn, đại diện cho thiên nhiên hoang dã). Giới khoa học cũng phát hiện cuộc sống của các nữ tư tế khá tự do và được mọi người tôn trọng.

“Tôn giáo là lĩnh vực duy nhất mà phụ nữ Hy Lạp đảm nhận các vai trò bình đẳng và có thể so sánh với nam giới”, Joan Breton Connelly, nhà khảo cổ học tại Đại học New York (Mỹ), nhận định.

Thiếu nữ và cô dâu

Cuộc sống của hầu hết phụ nữ Hy Lạp thường xoay quanh ba giai đoạn: kore (thiếu nữ), nymphe (làm dâu cho đến khi sinh đứa con đầu lòng) và gyne (phụ nữ). Khi kết hôn và chính thức chuyển từ nhà cha mẹ đẻ sang nhà chồng, hầu hết cô dâu đều mang theo của hồi môn và người chồng không có quyền đụng đến những tài sản này. Nếu cuộc hôn nhân thất bại, của hồi môn sẽ chuyển về tay cha mẹ đẻ của cô dâu.

Vào ngày cưới, cô dâu sẽ tắm trong một bồn tắm chứa nước tinh khiết để làm sạch bản thân. Dụng cụ chứa nước tắm là loutrophoros – một chiếc bình thuôn dài với hai tay cầm và phần cổ hẹp. Hình trang trí trên chiếc bình là cảnh vật trong lễ cưới. Các nhà khảo cổ học cũng phát hiện những chiếc bình loutrophoros đóng vai trò là đồ cúng dường trong nhiều ngôi đền khác nhau ở Athens.

Những người phục vụ lễ cưới [thường là nữ] sẽ mặc trang phục và đội vương miện cho cô dâu. Địa điểm diễn ra lễ thành hôn là nhà của cô dâu. Sau đám cưới, quyền giám hộ và bảo vệ cô dâu chính thức được chuyển giao từ gia đình cô dâu cho chú rể. Cặp đôi mới cưới sẽ đi tới ngôi nhà mới của họ cùng đoàn người rước dâu. Lễ kỷ niệm tiếp tục diễn ra vào ngày hôm sau, khi cô dâu tiếp tục nhận quà từ gia đình và bạn bè.

Nơi ở và vai trò của phụ nữ trong gia đình

Trong nhà, phụ nữ Hy Lạp cổ đại sống ở một căn phòng riêng gọi là gynaeceum. Chúng ta có thể bắt gặp hình ảnh của gynaeceum trên những tấm bia mộ và đồ gốm sứ. Phụ nữ thường phụ trách công việc gia đình, và họ rất thông thạo công việc kéo sợi, dệt vải.

Một trong những người dệt vải nổi tiếng nhất trong thần thoại Hy Lạp là Penelope – một hình mẫu về tình mẫu tử và lòng chung thủy. Cô là vợ của Odysseus, vị vua xứ Ithaco. Trong khi chồng cô đi vắng suốt 20 năm để tham chiến tại thành Troy và lang bạt khắp nơi, Penelope đã phải đối mặt với những kẻ cầu hôn tham lam đang tìm cách mượn tay cô để kiểm soát Ithaca. Tuy nhiên, cô đã khước từ mọi lời dụ dỗ để chờ chồng về và đợi con trưởng thành.

Các nhà khảo cổ cũng phát hiện một số lượng lớn epinetra – miếng bảo vệ đùi được phụ nữ Hy Lạp sử dụng khi làm việc với len, loại sợi tự nhiên có nguồn gốc từ lông động vật như cừu, dê, thỏ, lạc đà. Phụ nữ sẽ đặt miếng gỗ hoặc mảnh gốm có dạng một nửa hình trụ (cấu trúc hình bán nguyệt) trên một chân để tránh làm bẩn quần áo khi họ chải len. Epinetra với các họa tiết đẹp mắt là món quà cưới phổ biến, trong đó nổi bật nhất là hình trang trí về nữ thần tình yêu và sắc đẹp Aphrodite.

Phụ nữ Hy Lạp chịu trách nhiệm chăm sóc và dạy dỗ các con (cả bé trai và bé gái), mặc dù các bé trai khi tới một độ tuổi nhất định sẽ theo học một nhà sư phạm để nâng cao kiến thức. Trong khi đó, các bé gái thường học chơi đàn lia, một loại nhạc cụ thuộc bộ dây có vẻ bề ngoài giống đàn hạc.

Những người phụ nữ Hy Lạp cũng đóng vai trò quan trọng trong các nghi lễ an táng cho các thành viên trong gia đình. Họ xử lý thi thể bằng cách xức dầu thơm và mặc quần áo cho người quá cố. Họ cũng trực tiếp góp mặt trong lễ tiễn đưa người thân đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Một số phụ nữ Hy Lạp được học hành đầy đủ đã có những đóng góp đáng chú ý trong lĩnh vực nghệ thuật và khoa học. Ví dụ, vào năm 350 trước Công nguyên, nữ sinh Axiothea ở thành phố Phlius đã trở thành học trò của Plato và có những nghiên cứu nổi bật liên quan đến triết học (một số nguồn tin cho rằng cô ấy đã cải trang thành nam giới để làm điều này). Vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, nữ tư tế Themistoclea (hoặc Aristoclea) đã trở thành một nhà triết học nổi tiếng. Bà từng là giáo viên của nhà toán học Pythagoras – người nổi tiếng với định lý cùng tên về mối quan hệ giữa ba cạnh trong tam giác vuông.

Cho đến nay, các học giả ngày càng phát hiện thêm nhiều bằng chứng cho thấy sự phức tạp trong cuộc sống hằng ngày của phụ nữ Hy Lạp. Các khám phá mới – thông qua các tài liệu ghi chép và hiện vật khảo cổ – đã cung cấp một bức tranh hoàn chỉnh hơn về nền văn hóa Hy Lạp cổ đại, nơi mà vai trò của người phụ nữ phong phú và đa dạng hơn so với những gì chúng ta biết đến trước đây.

(Theo National Geographic)