Theo GS Philip G. Altbach - Giám đốc sáng lập Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế (CIHE) thuộc Boston College, giáo dục khai phóng ngày nay có thể hiểu như kiềng ba chân, với ba trụ cột bao gồm 1) một chương trình có tính liên ngành, 2) các môn giáo dục đại cương, và 3) chú trọng xây dựng kĩ năng mềm như tư duy phản biện, giao tiếp, giải quyết tình huống, khả năng sáng tạo. Dù giáo dục khai phóng về cơ bản bắt nguồn từ các truyền thống Tây phương, các nền văn minh châu Á cũng không thiếu các nhà tư tưởng, nhà hiền triết đề cao việc có một nền tảng kiến thức rộng rãi.
Hiện nay có những nhầm lẫn giữa các thuật ngữ cũng như định kiến với các đại học khai phóng. Nhiều người cho rằng “liberal arts” là chỉ các môn nghệ thuật, xã hội, và nhân văn.
Hiệp hội Các trường Cao đẳng và Đại học của Mỹ (AACU) đã nhiều lần lên tiếng đính chính những nhầm lẫn này như sau:
Liberal education: Giáo dục Khai phóng - một cách tiếp cận nhấn mạnh kiến thức sâu rộng về thế giới rộng lớn hơn (ví dụ: khoa học, văn hóa, và xã hội) cũng như kiến thức chuyên sâu trong một lĩnh vực cụ thể mà người học theo đuổi. Giáo dục khai phóng giúp người học phát triển a) ý thức trách nhiệm xã hội, b) các kỹ năng có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực chẳng hạn như kỹ năng giao tiếp, phân tích và giải quyết vấn đề, c) và khả năng ứng dụng kiến thức và kỹ năng trong môi trường thực tế. Nói cách khác, giáo dục khai phóng chuẩn bị cho người học khả năng đối phó với sự phức tạp, đa dạng và thay đổi.
Liberal arts: từ chỉ chung các ngành/môn học cụ thể (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, nghệ thuật) nhằm phát triển những năng lực trí tuệ của con người
Liberal arts college: Trường Đại học Khai phóng - một cơ sở giáo dục đại học - thường là trường nội trú cỡ nhỏ - tạo điều kiện tương tác chặt chẽ giữa giảng viên và sinh viên, và có chương trình giảng dạy dựa trên tư tưởng khai phóng.
General education: Giáo dục Đại cương - một phần của chương trình giáo dục khai phóng mà tất cả các sinh viên cùng theo học những môn cơ bản trong 1-2 năm đầu tiên. Giáo dục Đại cương tạo điều kiện cho sinh viên tiếp xúc rộng rãi với nhiều lĩnh vực, tạo tiền đề để phát triển các năng lực trí tuệ, công dân và thực tiễn cần thiết.
Như vậy, một trường đại học khai phóng có thể đào tạo bằng cử nhân Triết học, Tâm lý học, Toán học, và một trường đại học dù không dán nhãn “khai phóng” vẫn hoàn toàn có thể theo đuổi triết lý giáo dục khai phóng.
Nguồn tham khảo
Godwin, K. A., & Altbach, P. G. (2016). A Historical and Global Perspective on Liberal Arts Education: What Was, What Is, and What Will Be. International Journal of Chinese Education, 5(1), 5–22. https://doi.org/10.1163/22125868-12340057
Association of American Colleges and Universities. (2014). What is a 21st Century Liberal Education?