Các nhà khoa học cho biết sẽ tiến hành thêm các nghiên cứu để xem xét liệu quá trình phơi nhiễm thủy ngân có ảnh hưởng đến sức khoẻ của người Maya cổ đại hay không.
Thủy ngân là một kim loại nặng độc hại. Khi bị phát tán ra ngoài môi trường, nó tích tụ, xâm nhập vào chuỗi thức ăn, cuối cùng đe dọa sức khỏe con người và hệ sinh thái. Vào thế kỷ trước, các hoạt động của con người đã làm tăng nồng độ thủy ngân trong khí quyển lên 300-500% so với mức tự nhiên.
Song, không phải đến gần đây chúng ta mới đối diện với thực trạng ô nhiễm thuỷ ngân. Tại một số nơi trên thế giới, trong suốt hàng ngàn năm, quá trình sinh sống của con người đã dẫn đến việc thủy ngân đi vào khắp các ngõ ngách, gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, đất đai.
Một khu vực có lịch sử sử dụng thủy ngân đặc biệt lâu đời (nhưng ít được ghi chép lại) là Mexico và Trung Mỹ. Các xã hội Trung Bộ châu Mỹ (Mesoamerican) thuở sơ khai như Olmec đã khai thác và sử dụng thủy ngân ở miền nam Mexico ngay từ năm 2000 trước Công nguyên.
Trong nghiên cứu mới vừa được
công bố trên tạp chí Frontiers in Environmental Science, các nhà khoa học tại Đại học Công giáo Úc, Đại học Cincinnati, Đại học Texas tại Austin v.v. đã cùng nhau xem xét cách người Maya sử dụng thủy ngân, bí ẩn về nguồn gốc của chất này và hệ quả môi trường của việc sử dụng thủy ngân trong quá khứ.
Ô nhiễm nặng
Trong hơn một thế kỷ qua, các nhà khoa học đã tìm thấy thủy ngân tại các địa điểm khảo cổ ở Mexico và Trung Mỹ. Dạng phổ biến nhất được ghi nhận là chu sa (sulfide thủy ngân, hay HgS), một khoáng chất màu đỏ tươi. Người Maya cổ đại thường sử dụng chu sa cho các mục đích trang trí, thủ công và thực hành nghi lễ.
Các nhà khoa học hầu như không tìm thấy thuỷ ngân lỏng (dạng nguyên tố). Theo nhóm nghiên cứu, thuỷ ngân lỏng chỉ xuất hiện bảy lần tại các địa điểm khai quật ở khu vực Trung Bộ châu Mỹ. Điều đó không có nghĩa là người xưa ít sử dụng thuỷ ngân lỏng, chỉ là sau hơn 1.000 năm, nó có thể đã bay hơi hoặc rò rỉ vào môi trường sống theo thời gian.
Hầu hết các khu định cư của người Maya đều ở rất xa các khu vực dự trữ thuỷ ngân lỏng đã biết ở Mexico và Honduras, và có lẽ cả Guatemala và Belize. Điều này có nghĩa là việc sản xuất, buôn bán và sử dụng thủy ngân sẽ mang lại nguồn lợi lớn. Một trong những điều mà nhóm nghiên cứu băn khoăn, đó là người xưa đã vận chuyển lẫn quản lý thủy ngân lỏng độc hại như thế nào?
Trong hai thập kỷ qua, các nhà khoa học làm việc trong các dự án khảo cổ học Maya đã kiểm tra các đặc tính hóa học của các đồ tạo tác, đất và trầm tích, để hiểu rõ hơn về các hoạt động trong quá khứ của con người.
Họ tiến hành kiểm tra phần đất khai quật ở các khu vực này với mong muốn hiểu hơn về mức độ thủy ngân được sử dụng trong thời Maya. Dữ liệu tổng hợp cho thấy 7/10 di chỉ của người Mayacó mức thủy ngân bằng hoặc vượt tiêu chuẩn hiện đại về độc tính môi trường.
Những vị trí có mức thủy ngân cao thường là nơi người Maya làm nhà, bao gồm cả các khoảng sân, có niên đại Hậu cổ điển (600-900 CN). Thủy ngân cũng xâm nhập vào những nguồn nước uống, chẳng hạn như các hồ chứa trung tâm ở Tikal (Guatemala).
Quặng chu sa đỏ có thể là thủ phạm gây ô nhiễm thủy ngân, và thủy ngân lỏng cũng có khả năng là là một nguồn ô nhiễm dai dẳng khác ở một số địa điểm, chẳng hạn như Lamanai ở Belize ngày nay.
Tại một số di chỉ, nồng độ thủy ngân tăng cao có thể là sự kết hợp của hoạt động sống thời hiện đại lẫn cổ đại. Ví dụ, nhóm nghiên cứu không rõ thủy ngân được phát hiện tại khu định cư Maya trên đảo Marco Gonzalez (cũng ở Belize) là từ thời nào - cổ đại hay hiện đại.
Gợi mở những câu hỏi
Công trình này đã hé lộ một lịch sử thú vị về việc sử dụng thủy ngân của người Maya và phản biện ý kiến cho rằng các xã hội tiền công nghiệp không có những tác động đáng kể lên môi trường - như cách mà xã hội ngày này đang làm.
Nhưng vẫn còn nhiều điều chúng ta chưa biết. Người Maya lấy thủy ngân ở đâu và bằng cách nào? Ai đã khai thác, buôn bán và vận chuyển nó - nhất là khi họ phải đi bộ hàng trăm km trên khắp Trung Mỹ?
Ngoài ra, có một câu hỏi quan trọng: liệu việc phơi nhiễm thủy ngân có ảnh hưởng gì đến người Maya hay không. Hiện tại, các nhà địa hóa và khảo cổ học đang tiếp tục truy tìm nguồn gốc của thủy ngân tại các di chỉ, và nếu có thể, xem xét kỹ lưỡng các di tích khảo cổ và hài cốt để tìm các dấu hiệu cho thấy hệ quả của việc phơi nhiễm thủy ngân trong quá khứ.
Nỗ lực tìm ra manh mối cho thấy quá trình sử dụng thuỷ ngân thời cổ đại rất quan trọng, bởi nó giúp ta hiểu được mối liên hệ giữa thuỷ ngân trong quá khứ với tình hình ô nhiễm thuỷ ngân trong môi trường hiện nay. Chúng ta cũng cần tìm hiểu thêm thuỷ ngân thường tồn tại dưới những dạng nào trong môi trường nếu muốn hiểu rõ về các phương thức rò rỉ, thâm nhập của nó; từ đó đưa ra những biện pháp (phòng ngừa) nếu có để giảm thiểu tình hình ô nhiễm thuỷ ngân.
Nguồn: