Cách đây chưa đến chục năm, ý tưởng về việc một sinh viên Ấn Độ có thể học cả vật lý và điện ảnh trong 4 năm đại học tưởng chừng như rất phi lý. Tình hình giờ đây đã khác hẳn.

Từ lâu, các cuộc tranh luận về mục đích của giáo dục đại học đã bị phân cực giữa việc đào tạo nghề nghiệp cụ thể và việc cung cấp nền tảng kiến ​​thức tổng quát hay còn gọi là giáo dục khai phóng. Ngoại trừ ở Mỹ, nơi có bề dày truyền thống giáo dục khai phóng không chỉ ở các trường khai phóng mà còn ở các đại học nghiên cứu, các chương trình giảng dạy theo chuyên ngành với định hướng nghề nghiệp đã trở thành tiêu chuẩn ở đa số phần còn lại của thế giới.

Hiện nay, giáo dục khai phóng đang tái khẳng định sức hút với các nền giáo dục tự đặt ra sứ mệnh không chỉ “cung cấp nhân lực” có kiến thức chuyên môn mà còn đào tạo những con người toàn diện với kiến thức rộng và kỹ năng mềm để sẵn sàng thích nghi với một nền kinh tế phức tạp và đầy những biến động của thế kỉ 21. Ấn Độ cũng không nằm ngoài xu thế đó.

Sinh viên Đại học Ashoka (Thành phố Giáo dục Rajiv Gandhi thuộc thành phố Sonipat, bang Haryana), trường đại học khai phóng đầu tiên ở Ấn Độ, trong một giờ học vũ đạo. Nguồn: indiatodayimages.com

Ấn Độ luôn tự hào là nơi ra đời viện đại học Nalanda (thế kỷ 5 - 12) - một trong những đại học cổ nhất thế giới. Ở thời kì phát triển rực rỡ của mình, Nalanda quy tụ học giả thuộc nhiều lĩnh vực từ khắp các nước lân cận đến sinh sống, học tập, và nghe thuyết giảng Phật Pháp tại trường. Viện là một điển hình của triết lý khai phóng, nhấn mạnh vào định nghĩa giáo dục như một quá trình tiếp thu kiến thức để giải phóng con người khỏi dốt nát và lệ thuộc.

Ngày nay, theo thống kê của Ủy ban Tài trợ đại học (Vụ Đại học Ấn Độ), nước này hiện có gần 1.100 đại học, với tổng cộng 52.000 trường cao đẳng và đại học trực thuộc. Nắm bắt sự bùng nổ của Internet, Ấn Độ trở thành một trong những quốc gia cung cấp tài năng công nghệ, kỹ thuật, IT hàng đầu cho thế giới. Trong bối cảnh như thế, sinh viên Ấn Độ nói chung sẽ mặc định theo đuổi các ngành hẹp tách biệt với nhau tương đối cứng nhắc, trong đó y học, khoa học, kỹ thuật, thương mại thường được đánh giá cao hơn khối ngành nghệ thuật, xã hội, và nhân văn.

Bởi vậy, mới chỉ chưa đến 10 năm trước, ý tưởng về việc một sinh viên Ấn Độ có thể học cả vật lý và phim ảnh trong 4 năm đại học tưởng chừng như rất phi lý. Thời điểm đó, một khung chương trình giảng dạy đa ngành, pha trộn giữa các môn khoa học và xã hội, kết hợp linh hoạt các chuyên ngành chính - phụ, cho phép thoải mái thay đổi chuyên ngành hầu như không tồn tại ở Ấn Độ.

Tình trạng này kéo dài đến năm 2014, khi Đại học Ashoka của tư nhân ra đời, đặt tên theo tên Ashoka đại đế - vị vua thứ ba của đế quốc Maurya. Với tham vọng đào tạo ra những người đoạt giải Nobel tương lai cho Ấn Độ, ban đầu, các nhà sáng lập trường chủ trương thành lập một viện kỹ thuật và công nghệ có thể sánh ngang các đại học hàng đầu trong lĩnh vực này như MIT. Tuy nhiên, sau đó, Ashoka mở rộng trọng tâm sang cách tiếp cận khai phóng, cung cấp giáo dục tổng quát về cả khoa học cơ bản và khoa học xã hội và nhân văn. Với quyết định này, Đại học Ashoka mong muốn thay đổi suy nghĩ của sinh viên và phụ huynh Ấn Độ xem giáo dục như đích đến, thay vì chỉ đơn thuần là bước đệm để kiếm việc làm.

Hiện Đại học Ashoka có quy mô 2.400 sinh viên, tất cả nhập học mà không bị trói buộc với chuyên ngành nào. Trong năm đầu tiên, sinh viên sẽ được tiếp xúc với hàng loạt các môn học trước khi lựa chọn 1-2 chuyên ngành họ muốn theo đuổi. Cụ thể, chương trình cử nhân 3 năm ở Đại học Ashoka gồm: 9 môn học đại cương (tổng 36 tín chỉ); 12 môn học chuyên ngành (tổng 48 tín chỉ); 2 môn ngoại khóa (4 tín chỉ); các môn học khác: tự chọn, chuyên ngành phụ… (12 tín chỉ)

Khởi đi từ Đại học Ashoka, đến nay, số lượng các trường khai phóng ngày một tăng lên, chủ yếu là các trường tư nhân chất lượng cao như Đại học Azim Premji, Đại học O.P. Jindal, Đại học Quốc tế Simbiosis. Các trường đại học khai phóng ở Ấn Độ thường cung cấp chương trình 3 năm, một số trường cho sinh viên tùy chọn học thêm một năm để lấy bằng Honors. Quá trình nhập học thường bao gồm hồ sơ học tập và ngoại khóa, phỏng vấn cá nhân, bài luận nhập học, và kiểm tra đầu vào khác với các bài kiểm tra chuẩn hóa gắt gao ở các chương trình thông thường của Ấn Độ.

Sự sinh sôi của các mô hình giáo dục thay thế này có lẽ được thúc đẩy bởi quá trình thay đổi nhận thức và gia tăng của cải của người Ấn Độ. Với mức học phí mỗi năm dao động từ 400.000 – 1.000.000 rupee (tương đương với 117-224 triệu đồng), chưa kể các chi phí khác, thường chỉ các gia đình khá giả mới có khả năng chi trả. Các trường đại học khai phóng ở Ấn lúc đầu gần như trở thành nơi dành riêng cho con nhà giàu, những đứa trẻ không có áp lực phải kiếm được một việc làm có thu nhập khả dĩ ngay sau khi tốt nghiệp để mưu sinh.

Một rào cản khác cho sự mở rộng mô hình này là triển vọng nghề nghiệp. Các nhà tuyển dụng vẫn chưa sẵn sàng công nhận bằng cấp và kĩ năng từ một sinh viên tốt nghiệp chương trình khai phóng. Tuy nhiên, lối suy nghĩ này đang dần thay đổi. Các phương tiện truyền thông và một số tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp Ấn Độ như tỷ phú Anand Mahindra đã đứng ra ủng hộ giáo dục khai phóng. Cùng với đó, nhiều đại học tư đã nắm bắt xu thế mở các trường khai phóng trực thuộc với mức học phí tương đương các chương trình đại học thường, cung cấp nhiều lựa chọn hơn cho sinh viên đến từ nhiều bối cảnh kinh tế - xã hội khác nhau.

Trao đổi với chúng tôi, GS Padmakumar Nair - hiệu trưởng trường khai phóng trực thuộc Đại học Kỹ thuật và Công nghệ Thapar, bang Punjab, cho biết: “Trường khai phóng được thành lập vì tập đoàn chủ quản Thapar nhìn thấy được tiềm năng của giáo dục khai phóng trong công cuộc canh tân đất nước”. Đến nay, trường đã tuyển sinh được ba khóa với hơn 160 sinh viên. Với lợi thế được thành lập dựa trên nguồn lực của trường kỹ thuật lâu đời, trường khai phóng có thế mạnh về khoa học và công nghệ với những ngành “hot” như khoa học nhận thức.

Tuy nhiên, bước ngoặt lớn nhất phải kể đến khi Ấn Độ chính thức khởi động Chính sách Giáo dục Quốc gia (NEP) 2020 thay thế chính sách cũ ra đời từ năm 1986 và được sửa đổi năm 1992.

Năm 2014, thủ tướng Narendra Modi lên nắm chính quyền. Ngay lập tức trong tháng 1/2015, chính phủ Modi thành lập một ủy ban để bắt đầu quá trình tham vấn cho Chính sách Giáo dục Quốc gia mới, thay cho phiên bản đã cũ từ năm 1986. Đây là văn bản quan trọng hàng đầu trong việc định hướng chính sách giáo dục của Ấn Độ ở nhiều cấp độ để phát huy tổng lực tiềm năng quốc gia, với tầm nhìn đến năm 2040. Dự thảo NEP dài 500 trang tỏ ra rất tham vọng về việc thúc đẩy giáo dục khai phóng trong nước. Dự thảo đề xuất thành lập các trường đại học giáo dục khai phóng công lập bằng cách lập mới hoặc cơ cấu lại các cơ sở đào tạo đại học hiện có. Các trường đại học đa ngành thiên về kỹ thuật, công nghệ sẽ được yêu cầu tích hợp chương trình giảng dạy với các môn xã hội và nhân văn theo mô hình giáo dục khai phóng ở các trường Ivy Leagues của Mỹ. Bên cạnh đó, Dự thảo còn đề xuất thành lập một hiệp hội bảo trợ có tên là Viện Giáo dục khai phóng/ Viện Các trường đại học nghiên cứu đa ngành, tương đương với các viện công nghệ (IIT), viện quản lý (IIM) - những cái nôi đào tạo nhân lực chất lượng cao cho Ấn Độ.

Dự thảo NEP được đệ trình vào năm 2019 và đến khi được thông qua vào năm 2020 thì chỉ còn chưa đầy 70 trang. Tuy nhiên NEP 2020 vẫn thể hiện rõ tầm nhìn tích hợp giáo dục khai phóng vào toàn bộ nền giáo dục đại học. Theo đó, giáo dục đại học Ấn Độ sẽ dịch chuyển sang hướng đa ngành, linh hoạt, và tập trung vào phát triển kĩ năng với mục tiêu cao nhất là thành lập các đại học đa ngành lớn bằng cách mở rộng hoặc sáp nhập các cơ sở đại học đơn ngành hiện tại. Các đại học đa ngành sẽ là bàn đạp để sinh viên được tiếp xúc với nhiều môn học cơ bản trong một cơ sở đại học. NEP 2020 chính thức xác nhận quan điểm của chính phủ rằng giáo dục khai phóng bám gốc trong lịch sử lâu đời của Ấn Độ, và cần được khôi phục cho thế kỉ 21. Nói một cách khác, động thái này của chính phủ Ấn Độ khẳng định rằng hai xu hướng giáo dục khai phóng và giáo dục chuyên môn dạy nghề tưởng chừng như đối lập lại hoàn toàn có thể dung hòa trong chương trình giảng dạy để đào tạo những cá nhân toàn diện.