Vào thời trung cổ, mèo là thú cưng trong các gia đình và là vật tượng trưng cho địa vị của chủ nhân. Tuy nhiên, trong đời sống tôn giáo, chúng lại bị nghi ngờ vì có mối liên hệ với ma quỷ, phù thuỷ.

Vua mèo (1540), Scheibler’sches Wappenbuch – BSB Cod.icon. 312c
Vua mèo (1540 - Đức). Nguồn: Scheibler’sches Wappenbuch – BSB Cod.icon. 312c

Thời trung cổ, mèo phải chịu nhiều tiếng xấu vì bị cho rằng liên quan đến tà giáo và phù thuỷ. Nhưng bất chấp mối liên hệ của chúng với thế giới siêu nhiên, các tài liệu chép tay đã phác thảo nên những hình ảnh vui tươi trong đời sống nhộn nhịp đầy sắc màu của loài mèo.

Từ những miêu tả (thường rất vui nhộn) này, chúng ta có thể nhận ra nhiều điều về thái độ của người xưa đối với mèo – nhất là khi chúng đóng vai trò trung tâm của cuộc sống thường nhật.

Thời trung cổ, đàn ông và phụ nữ thường được “định danh" bởi những con vật mà họ nuôi. Chẳng hạn, những con khỉ cưng được coi là dấu hiệu cho thấy chủ sở hữu của chúng vô cùng giàu có, bởi vì chúng được nhập khẩu từ những vùng đất xa xôi. Thú cưng trở thành một phần bản sắc cá nhân của giới quý tộc. Việc nuôi thú cưng bằng thức ăn đắt đỏ chất lượng cao là một cách để những người giàu có “khoe khéo" địa vị của mình.

Không có gì lạ khi những người đàn ông và phụ nữ có địa vị cao ở thời Trung cổ thường thuê thợ vẽ chân dung của mình cùng với thú cưng, phổ biến nhất là mèo và chó, để biểu thị địa vị của họ.

Người ta thường thấy hình ảnh của những con mèo trong các đại lễ và các không gian trong nhà, điều này cho thấy chúng là thú cưng trong gia đình.

Trong tác phẩm Last Supper (Bữa ăn tối cuối cùng - 1320) của Pietro Lorenzetti, một chú mèo ngồi bên đống lửa trong khi một chú chó nhỏ liếm đĩa thức ăn thừa trên mặt đất. Mèo và chó không đóng vai trò kể chuyện, mà thay vào đó, báo hiệu cho người xem rằng đây là không gian trong nhà.

Tác phẩm
Tác phẩm Last Supper của Pietro Lorenzetti. Nguồn: Wikimedia

Tương tự như vậy, trong bức tiểu hoạ từ cuốn Sách cầu nguyện Rothschild (một loại sách cầu nguyện phổ biến ở thời trung cổ, phân chia các thời điểm trong ngày bằng những lời cầu nguyện cụ thể), một người đàn ông và một người phụ nữ xuất hiện trong khung cảnh gia đình ấm cúng, ở góc dưới bên trái có chú mèo - trông có vẻ được chăm sóc chu đáo. Một lần nữa, chú mèo không phải là nhân vật trung tâm của bức tranh hay tiêu điểm của bố cục, nhưng nó là một phần làm nên bối cảnh trong nhà thời trung cổ.

d
Bức tiểu hoạ trong Sách cầu nguyện Rothschild. Nguồn: London British Library

Cũng giống như thời hiện đại, các gia đình thời trung cổ đã đặt tên cho mèo cưng của họ. Chẳng hạn, một con mèo sống vào thế kỷ 13 ở Tu viện Beaulieu được gọi là “Mite” - theo dòng chữ mực xanh xuất hiện phía trên bức vẽ nguệch ngoạc ở bên lề một bản thảo thời trung cổ.

f
Một chú mèo tên là Mite, sống ở Tu viện Beaulieu (Hampshire) vào khoảng năm 1270. Nguồn:Medieval Badger

Mèo hiện diện trong nhà ở và tu viện

Mèo sống trong các hộ gia đình thời trung cổ thường được chăm sóc cẩn thận. Vào đầu thế kỷ 13, trong một số sổ sách ghi chép tiền nong có đề cập đến việc trang viên ở Cuxham (Oxfordshire) mua pho mát cho một con mèo, điều này cho thấy rằng chúng không phải tự kiếm ăn.

Trên thực tế, nữ hoàng Pháp thế kỷ 14, Isabeau xứ Bavaria, đã chi rất nhiều tiền để mua phụ kiện cho thú cưng của mình. Năm 1387, bà đặt may một chiếc cổ áo thêu ngọc trai với khóa cài bằng vàng cho chú sóc cưng. Năm 1406, bà đã mua vải màu xanh lá cây sáng làm trang phục khoác ngoài đặc biệt cho chú mèo của mình.

Mèo cũng là bạn đồng hành của các học giả, và không khó để tìm thấy những tác phẩm ca tụng mèo trong thế kỷ 16. Trong một bài thơ, mèo được miêu tả là người bạn đồng hành thân thiết nhất và là ánh sáng soi tỏ của một học giả. Những tác phẩm tán dương như thế này cho thấy sự gắn bó tình cảm mạnh mẽ với những chú mèo cưng và biểu hiện rằng mèo không chỉ giúp chủ nhân của chúng vui lên mà còn giúp trí óc họ nguôi ngoai khỏi công việc đọc và viết đầy khó nhọc.

St Matthew and his cat, Bruges, c. 1500. [Rouen bibliotheque municipale. Manuscript 3028, Folio 63r]
Thánh Matthew và chú mèo của ngài, Bruges (1500). Nguồn: Rouen bibliotheque municipale. Manuscript 3028, Folio 63r

Mèo còn được tìm thấy như một hình tượng trong không gian tôn giáo thời trung cổ. Ví dụ, có rất nhiều bản thảo thời trung cổ minh hoạ các nữ tu với mèo và mèo thường xuất hiện dưới dạng hình vẽ nguệch ngoạc bên lề các cuốn sách cầu nguyện.

Một nữ tu đang quay sợi
Một nữ tu đang quay sợi trong khi chú mèo cưng chơi với trục chỉ. Nguồn: Stowe manuscript 17, folio 34r

Mèo trong hình dạng nữ tu. Nguồn: State Library Victoria, 096 R66HF, folio 99r
Mèo trong hình dạng nữ tu. Nguồn: State Library Victoria, 096 R66HF, folio 99r

Nhưng cũng có nhiều quan điểm chỉ trích việc nuôi mèo trong các bài thuyết giáo thời trung cổ. Nhà thuyết giáo người Anh thế kỷ 14 John Bromyard coi chúng là những “phụ kiện” vô dụng và thừa thãi của người giàu trong khi người nghèo thì phải vật lộn với cái đói.

Mèo cũng được xem là có mối liên hệ với ma quỷ. Mọi người đề cao khả năng rình mò âm thầm và ranh mãnh của chúng khi săn chuột - nhưng đây lại không phải là phẩm chất lý tưởng để làm một người bạn đồng hành. Điều này dẫn đến việc một số lượng lớn mèo bị giết - góp phần thúc đẩy dịch hạch và các bệnh dịch khác.

Việc mèo có liên hệ với ma quỷ khiến nhiều người nghĩ rằng mèo không xứng đáng xuất hiện trong không gian linh thiêng của các nhà dòng. Tuy nhiên, các nhà sử học vẫn chưa ghi nhận có bất kỳ quy tắc chính thức nào yêu cầu các thành viên trong cộng đồng tôn giáo không được phép nuôi mèo - và những lời chỉ trích liên tục của các nhà thuyết giáo cho thấy rằng mèo vẫn là vật nuôi phổ biến.

Ngay cả khi là đối tượng gây tranh cãi trong các cộng đồng tôn giáo, rõ ràng mèo vẫn được chăm sóc cẩn thận - chúng ta có thể nhận thấy điều này qua các bức tranh sinh động mô tả tu viện.

Mèo cũng có cuộc sống thoải mái trong các gia đình giàu có thời trung cổ. Và những tác phẩm nghệ thuật lẫn các bản thảo trong quá khứ đều cho thấy rằng, mối quan hệ giữa tổ tiên chúng ta với những chú mèo không quá khác biệt so với cách chúng ta đối xử với mèo trong thời hiện đại.

Nguồn: