Mèo là loài động vật được tôn kính và đóng vai trò quan trọng trong văn hóa và lịch sử của người Ai Cập cổ đại. Cho đến nay, các đền thờ tại Ai Cập vẫn còn lưu giữ nhiều bức tượng điêu khắc và tác phẩm nghệ thuật về những vị thần có hình dáng giống như mèo.

Cùng với chữ tượng hình, kim tự tháp và các họa tiết trang trí dạng hình học, mèo là đặc điểm nổi bật trong nghệ thuật Ai Cập cổ đại, phản ánh địa vị và tầm quan trọng của loài động vật này đối với những người dân sống dọc sông Nile. Những con vật ban đầu được xem là kẻ săn mồi hữu ích, và theo thời gian chúng dần trở thành biểu tượng của thần thánh và sự bảo vệ.

Trong phần lớn lịch sử của nền văn minh, người Ai Cập cổ đại coi mèo là những người bạn đồng hành cùng có lợi. “Mèo xua đuổi các động vật nguy hiểm có nọc độc như rắn và bọ cạp. Chúng cũng tiêu diệt chuột và các loài gặm nhấm phá hoại mùa màng, từ đó giúp người nông dân đảm bảo an ninh lương thực”, Julia Troche, nhà Ai Cập học tại Đại học Bang Missouri (Mỹ), cho biết. “Đổi lại, con người sẽ cung cấp cho mèo nguồn thức ăn dư thừa, nơi ở và bảo vệ chúng tránh khỏi những kẻ săn mồi to lớn khác trong tự nhiên”.

Bức bích họa miêu tả một nữ tu sĩ người Ai Cập đang dâng thức ăn cho xác ướp của một con mèo đặt trên bàn thờ. Ảnh: John Reinhard Weguelin

Một số điều chúng ta biết về vai trò của mèo trong xã hội Ai Cập cổ đại đến từ những cảnh sinh hoạt hằng ngày được miêu tả trong các bức tranh trên tường của các ngôi mộ. “Trong các bức vẽ này, mèo thường nằm hoặc ngồi dưới ghế, đuổi theo những con chim và chơi đùa”, Troche nói. “Nổi bật nhất là bức tranh trong lăng mộ của Nebamun – một vị quan trong thời kỳ Tân Vương quốc ở Ai Cập cổ đại. Nó diễn tả khung cảnh một con mèo đi cùng Nebamun khi ông đang đứng trên một chiếc thuyền sậy để câu cá và săn chim. Con mèo đã vồ được ba con chim, trong đó một con nó ngoạm ở miệng và hai con còn lại nó kẹp chặt bằng móng vuốt”.

Người Ai Cập cổ đại tin rằng các vị thần của họ có thể mang nhiều hình dạng khác nhau, bao gồm cả mèo. Tín ngưỡng tôn thờ các vị thần động vật có nguồn gốc sâu xa, bắt nguồn từ lịch sử lâu đời của người dân Ai Cập. Khi sống trong vùng đất Thung lũng sông Nile màu mỡ, họ đã hiểu biết rất rõ về các loài động vật bản địa. Sau đó, họ đã chuyển những động vật này và các đặc điểm của chúng sang cõi thần thánh. Vì vậy vào thời điểm ban đầu của các triều đại Ai Cập, các vị thần đã mang hình dạng động vật.

Bức tranh trong lăng mộ của Nebamun cho thấy ông đang đứng trên một chiếc thuyền sậy để săn chim. Ở bên trái, con mèo của ông đã vồ được ba con chim. Ảnh: Werner Forman

Vị thần mèo đầu tiên là Mafdet, một nữ thần có nguồn gốc từ Vương triều thứ nhất của Ai Cập trong khoảng thời gian từ năm 3.400 trước Công nguyên (TCN) đến năm 3.000 TCN. Nữ thần này giúp bảo vệ người dân tránh khỏi vết cắn chứa nọc độc, đặc biệt là vết cắn của rắn và bọ cạp.

Nữ thần nổi tiếng hơn Bastet đã thay thế Mafdet với tư cách là người bảo vệ Hạ Ai Cập, các Pharaoh và thần Mặt trời Ra. Bastet mang hình dạng một người phụ nữ và đầu của một con mèo. Nữ thần Bastet cũng được liên kết với nữ giới và khả năng sinh sản. “Mối liên hệ này có thể xuất phát từ thực tế là mèo sinh nhiều con trong một lứa”, Troche nhận định.

Ở độ tuổi sinh sản, cả nam giới và nữ giới Ai Cập đeo những chiếc bùa hộ mệnh có hình ảnh của thần mèo Bastet với hy vọng được nữ thần che chở. Ngày nay, ngôi đền thờ thần mèo Bastet vẫn còn tồn tại ở thành phố cổ Bubastis, Ai Cập.

Một tác phẩm điêu khắc nữ thần Bastet nửa người nửa mèo. Ảnh: Wikimedia

Hình tượng hai nữ thần Mafdet và Bastet có thể bắt nguồn từ truyền thuyết về một con mèo rừng tên là Mau [hoặc Muit]. Nó đã bảo vệ một trong những cây sự sống Persea linh thiêng tránh khỏi sự tấn công của rắn thần Apophis [hiện thân của bóng tối và sự hỗn loạn]. Sau nhiều trận chiến, cuối cùng con mèo đã đánh bại Apophis và chặt đầu rắn thần bằng một nhát dao. Những bức tranh mô tả trận chiến này xuất hiện một cách phổ biến trong các đền thờ và lăng mộ của người Ai Cập.

Tuy nhiên, theo thời gian, các vị thần mèo một lần nữa đã có sự thay đổi. Vào thời điểm Hạ Ai Cập và Thượng Ai Cập thống nhất vào khoảng năm 3000 TCN, Bastet dần được thay thế bởi một nữ thần khác tên là Sekhmet. Hình dạng của Sekhmet hung dữ hơn nhiều so với Bastet. Nữ thần này có phần đầu giống như sư tử, thay vì một con mèo đơn thuần. Sekhmet là vị thần yêu thích nhất của pharaoh Amenhotep III, người đã cho chạm khắc hàng trăm bức tượng đá nữ thần để bảo vệ lăng mộ của mình. Lăng mộ này được xây dựng tại thành phố Thebes vào thế kỷ 14 trước Công nguyên.

Tại Ai Cập cổ đại, việc làm hại một con mèo đồng nghĩa với việc làm hại một vị thần, và điều này hoàn toàn bị ngăn cấm. Trong một số giai đoạn lịch sử, những người giết chết một con mèo [dù họ có cố tình hay không] bị trừng phạt bằng cái chết. Các hoạt động buôn bán và xuất khẩu mèo sang các nước khác là bất hợp pháp.

“Pharaoh và những người thuộc tầng lớp quý tộc mặc trang phục và đeo trang sức làm bằng vàng cho mèo, thậm chí họ còn chia sẻ thức ăn cho mèo từ đĩa của mình”, Monique Skidmore, giáo sư nhân chủng học tại Đại học Deakin (Úc), cho biết. “Mặc dù các thành viên thuộc tầng lớp thấp hơn không đủ điều kiện trang trí cho mèo bằng kim loại quý, nhưng họ đã chế tạo và đeo đồ trang sức của riêng mình có hình dạng giống như mèo”.

Nếu một ngôi nhà bốc cháy, người Ai Cập ưu tiên giải cứu những con mèo của họ và sau đó quay lại lấy các vật dụng cá nhân khác. Khi một con mèo nuôi trong nhà qua đời, chủ nhân của nó sẽ bước vào thời kỳ để tang. Tất cả các thành viên trong gia đình đều cạo lông mày như một dấu hiệu của sự thương tiếc sâu sắc. Đa số những con mèo đã chết được đưa đến thành phố Bubastis, nơi người ta chôn cất chúng trong những chiếc bình linh thiêng. Khi lông mày của mọi người mọc trở lại, thời kỳ để tang coi như đã hoàn tất.

Một số con mèo cũng được ướp xác và chôn cùng chủ nhân sau khi chết với mong muốn chúng có thể đoàn tụ với chủ nhân trong kiếp sau. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng người Ai Cập cổ đại ướp xác mèo như một lễ vật, với hy vọng nhận được sự ưu ái của các vị thần mèo mà chúng đại diện. Năm 1888, một nông dân Ai Cập phát hiện một ngôi mộ lớn chứa hơn 80.000 xác ướp mèo trưởng thành và mèo con gần thị trấn Beni Hasan. Kể từ đó, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy nhiều nghĩa trang mèo khác. Gần đây nhất là vào năm 2018, họ phát hiện thêm hàng chục xác ướp mèo và 100 bức tượng nữ thần Bastet trong một ngôi mộ 4.500 năm tuổi ở Saqqara.

Đến cuối thời kỳ Ptolemaic vào thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, tín ngưỡng tôn thờ các vị thần động vật không còn được ưa chuộng. Trong giai đoạn cai trị của người La Mã và sự mở rộng của Cơ đốc giáo vào Ai Cập, các vị thần động vật – bao gồm các vị thần mèo – dần bị lãng quên. Ngày nay, những khám phá khảo cổ mới về các bức tượng điêu khắc và tranh vẽ về nữ thần mèo của Ai Cập cổ đại là lời nhắc nhở về thời kỳ kéo dài ba thiên niên kỷ, trong đó sức mạnh và vẻ bề ngoài duyên dáng của một số loài động vật được tôn thờ.

Theo Ancient Origins, History