Tọa lạc giữa rừng container ở cảng Antwerp thuộc Vương quốc Bỉ1 là tòa giáo đường St. Laurence cổ kính – thứ duy nhất còn sót lại của ngôi làng Wilmarsdonk trước khi bị xóa bỏ vào năm 1960 để nhường chỗ cho tham vọng kinh tế.
Cái tên Wilmarsdonk đã xuất hiện lần đầu vào năm 1155. Trong thời Trung cổ, nơi này vốn là vùng đất tiến biển được giao cho Tu viện St Michaels quản lý, trước khi phát triển thành một ngôi làng ở phía Bắc Antwerp. Qua thời gian, nguy cơ nước biển xâm thực cũng dần được giải quyết nhờ nỗ lực xây dựng các con đê và cống. Về mặt địa lý thì Wilmarsdonk thuộc về Flanders2, một khu vực bao gồm các vùng đất thấp (Low Countries)3 với nền nông nghiệp phì nhiêu và dân cư tập trung đông đúc.
Nhà thờ St. Laurence của ngôi làng cổ Wilmarsdonk đứng giữa một rừng container của thương cảng Antwerp bận rộn. Ảnh: Erik AJV/Shutterstock.com
Làng Wilmarsdonk trước khi bị phá dỡ. Ảnh: Wikimedia Commons
Vùng đất Antwerp trên bản đồ thế kỷ 17.
Làng Wilmarsdonk bị phá dỡ để mở rộng Cảng Antwerp.
Nhà thờ năm 1965, sau khi toàn bộ ngôi làng bị phá dỡ.
Antwerp đã có một thương cảng nhỏ ngay từ thế kỷ 12. Tuy nhiên, diện mạo của cảng Antwerp như hiện tại chỉ thật sự bắt đầu hình thành sau quyết định xây dựng âu thuyền (lock) đầu tiên của Napoléon Bonaparte (1769 – 1821) vào năm 1811, tiếp đến là các âu thuyền thứ hai, thứ ba,… để ngăn thủy triều và tạo điều kiện cho việc bốc dỡ hàng hóa. Năm 1843, tuyến đường sắt xuyên biên giới Bỉ – Đức đã kết nối Antwerp với cảng Cologne. Năm 1859, âu thuyền Kattendij được đưa vào sử dụng theo một kế hoạch mở rộng cảng; đến năm 1870, thêm tám ụ tàu mới được xây dựng, đưa năng lực xử lý hàng hóa tăng lên gấp sáu lần. Năm 1879, mạng lưới đường sắt đến vùng Ruhr4 được hoàn tất và kết nối Antwerp với trung tâm công nghiệp quan trọng nhất nước Đức.
Cảng Antwerp đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc trong thập niên 1870. Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ hai (1871 – 1914)5 và các kỹ thuật vận tải mới cũng góp phần kết nối cảng với thị trường châu Á và châu Phi. Vị trí độc đáo – nằm cách đất liền chỉ 80 km, rất gần trung tâm sản xuất và thị trường tiêu thụ khổng lồ của châu Âu – cũng là một lợi thế quan trọng, giúp Antwerp tăng trưởng mạnh mẽ vào đầu thế kỷ 20. Thêm nhiều âu thuyền và ụ tàu mới được xây dựng; đến năm 1929, cảng đã đạt diện tích khoảng 300 ha với tổng chiều dài các bến tàu lên đến 36 km và xử lý hơn 26 triệu tấn hàng hóa.
Năm 1956, Chính phủ Bỉ công bố một chương trình hiện đại hóa lớn, ưu tiên xây dựng các khu liên hợp công nghiệp và thương cảng mới, làm biến mất hầu hết những ngôi làng bên bờ sông Scheldt. Đầu tiên là Lillo, nơi có khoảng 40 dân cư và một pháo đài quân sự từ thế kỷ 16 do William the Silent (1533 – 1584)6 xây dựng để bảo vệ Antwerp. Tiếp đến là Oorderen và Oosterweel. Tại Oosterweel, người ta đã cố gắng giữ lại nhà thờ giáo hạt ở nguyên vị trí cũ; và đối với Oorderen là gian nhà kho nhỏ – hiện đang được trưng bày trong bảo tàng văn hóa dân gian ngoài trời Bokrijk cách đó gần 100 km. Wilmarsdonk là ngôi làng sau cùng bị phá dỡ, và nhà thờ được bảo tồn vì là kiến trúc cổ và mang nhiều ý nghĩa nhất. Cách làm này thật sự đã gây ấn tượng và được không ít nơi tham khảo.
Hiện tại, bất cứ ai đến với Antwerp đều có thể dễ dàng nhìn thấy nhà thờ St. Laurence đứng uy nghiêm ngay giữa trung tâm của một thương cảng sầm uất bậc nhất châu Âu. Hình ảnh đó thường được xem như là một biểu tượng gắn kết quá khứ với hiện tại và tương lai của sự tiến bộ không ngừng.
Theo Amusing Planet
Hải Đăng