Sự khác biệt về văn hoá và việc khó tiếp cận tài liệu đã khiến các dịch giả Trung Quốc vào những năm 1930 gặp khó khăn khi dịch tên món ăn trong các tác phẩm của Jane Austen.

Các tác phẩm của Jane Austen đã sớm nổi tiếng toàn cầu từ thế kỷ XIX, nhưng phải đến năm 1935, tác phẩm Kiêu hãnh và Định kiến của bà mới được dịch và xuất bản ở Trung Quốc (có đến hai bản dịch được phát hành vào năm này). Ngày nay, các tiểu thuyết của bà càng nổi tiếng và trở nên quen thuộc với đông đảo độc giả Trung Quốc; thậm chí, chỉ riêng Kiêu hãnh và Định kiến đã có đến 60 bản dịch khác nhau.

f
Elizabeth Bennet và George Wickham trong tác phẩm Kiêu hãnh và Định kiến trò chuyện về món tráng miệng. Nguồn: Thư viện Anh

Dịch sách là một công việc thú vị, đòi hỏi dịch giả vừa phải bám sát ngôn từ trong văn bản gốc, vừa phải diễn đạt trôi chảy và đầy đủ thông tin. Một trong những thách thức lớn nhất nhưng cũng đầy thú vị đối với các dịch giả khi dịch sách của nhà văn Austen, là làm thế nào để mô tả các món ăn của nước Anh thế kỷ 19 trong các cảnh yến tiệc - những cảnh giúp hé lộ nét tính cách của nhân vật thông qua các tương tác xã hội.

Làm thế nào để giúp độc giả Trung Quốc đầu tiên đọc tác phẩm của Austen vào những năm 1930 hiểu được món bánh nướng nhỏ cho tiệc tối (rout-cake) là gì và tại sao bà Elton trong tác phẩm Emma của Jane Austen lại coi những chiếc bánh không ngon là dấu hiệu của một chủ nhà kém cỏi? Mọi thứ khi ấy chưa toàn cầu hóa như bây giờ, và việc tiếp cận thông tin không dễ dàng như bây giờ.

Thích thú trước việc này, các nhà khoa học tại ĐH Stirling và ĐH Đại học Salford (Vương quốc Anh) đã phân tích một phần các bản dịch tiếng Trung cho tác phẩm của Austen từ năm 1935 trở đi, nhằm đánh giá các dịch giả sẽ truyền tải văn hóa ẩm thực trong thời đại của Austen như thế nào.

Các loại bánh

Trong Kiêu hãnh và Định kiến, bà Bennett đã đề cập việc Charlotte Lucas thường phụ mẹ nấu món "bánh nướng nhân trái cây" (mince pie) - như một cách ám chỉ sự khác biệt trong cách nuôi dạy con của bà với cách nuôi dạy con [Charlotte Lucas] của người hàng xóm. Rất khó để mô tả ngắn gọn một món bánh ngọt có nhân trái cây, thịt hoặc rau sang tiếng Trung Quốc vì không thể dùng từ "bĭng" trong tiếng Trung Quốc (từ để chỉ những món làm từ bột mì giống như bánh mì dẹt, bánh quy hoặc bánh kếp) để chỉ loại bánh đặc biệt này.

Bánh nướng nhân trái cây ("mince pie" ở Anh, “mincemeat pie” ở Mỹ và “fruit mince pie” ở Úc và New Zealand), là loại bánh ngọt có nguồn gốc từ Anh với nhân hỗn hợp trái cây (táo, cam quýt, nho khô v.v.), thịt bò và gia vị (quế, gừng, hạt tiêu, nhục đậu khấu, rượu mạnh). Đây là món bánh truyền thống vào dịp Giáng sinh ở hầu hết các nước nói tiếng Anh. Món bánh trở nên phổ biến từ thế kỷ 13, khi những người lính thập tự chinh trở về châu Âu và mang theo công thức nấu ăn của các vùng Trung Đông, mà điển hình là món bánh nhân thịt, trái cây và gia vị. Mặc dù những chiếc bánh nướng trước đây thường có nhân thịt, nhưng đến thế kỷ 18, các đầu bếp đã điều chỉnh công thức, khiến bánh ngọt hơn và có nhiều vị trái cây hơn.

Các dịch giả tiếng Trung đã chuyển tải “mince pie” theo nhiều cách khác nhau, gồm “bít-tết”, “bánh bao hấp” và “bánh nhân thịt” - có thể xem đây vừa là lỗi dịch thuật, vừa là một chiến lược nhằm sử dụng các từ gần gũi với người Trung Quốc.

Hai bản dịch thời chiến, được thực hiện trong thời kỳ Nhật Bản xâm lược Trung Quốc từ năm 1937 đến năm 1945, đã dịch “mince pie” là “bít tết” và “bánh bao hấp”, nhưng chúng ta có thể du di trong trường hợp này, bởi lúc bấy giờ người dịch có lẽ khó tiếp cận các tài liệu chuyên ngành, từ điển đa dạng.

Giáng sinh thường xuyên được nhắc đến trong tác phẩm Thuyết phục. Austen mô tả các bữa ăn Giáng sinh đầu thế kỷ 19 là dịp có “những chiếc bánh lạnh và thịt đông (brawn), với những cậu bé đang vui đùa huyên náo”. Thịt đông thường được làm từ thịt thủ và nước hầm xương heo, ướp gia vị, đun sôi, sau đó để nguội.

Một lần nữa, suốt nhiều thập kỷ, các dịch giả Trung Quốc đã phải vật lộn để truyền đạt khái niệm này. Có người đã chọn "nhiều loại bánh Giáng sinh và thực phẩm khác", một số người thì dịch thành "thịt heo" / "thịt heo muối", trong khi có người lại dịch thành "màu nâu" (nhầm lẫn “brawn" và “brown")

Trong những năm qua, thực phẩm phương Tây dần trở nên quen thuộc hơn với người dân Trung Quốc, điều này giúp các dịch giả dễ dàng truyền tải những món ăn lạ hơn.

Những chiếc bánh là minh chứng cho điều này. Các loại bánh truyền thống của Trung Quốc rất khác với bánh phương Tây, Người Trung Quốc có “yuè bĭng” (bánh trung thu) và “xĭ bĭng” (bánh hạnh phúc). Bánh hạnh phúc thường được sử dụng như một bản dịch thuần Trung Quốc để chuyển ngữ bánh cưới trong tác phẩm của Jane Austen.

“Bánh hạnh phúc” là loại bánh nhỏ, tròn, được làm từ bột mì, hạt mè và đường trắng. Chúng có họa tiết tượng trưng cho sự hạnh phúc và được trang trí bằng lụa đỏ. Loại bánh này được sử dụng trong đám cưới suốt 2.000 năm qua, song gần đây người trẻ Trung Quốc đã bắt đầu đặt bánh cưới kiểu phương Tây. Nhờ đó, từ “jiéhūn dễāo ” (bánh cưới) đã xuất hiện và được sử dụng trong các bản dịch sách gần đây.

Bà Bennet uống trà buổi sáng trong Kiêu hãnh và Định kiến. Thư viện Anh
Bà Bennet trong tác phẩm Kiêu hãnh và Định kiến uống trà sáng. Nguồn: Thư viện Anh

Các chế độ ăn khác nhau

Chế độ ăn của người Anh và người Trung Quốc có những điểm khác biệt rõ rệt, chẳng hạn như mức độ sử dụng phô mai. Austen thường xuyên đề cập đến phô mai, ví dụ như trong tác phẩm Emma, khi ông Elton mô tả một bữa tiệc với “phô mai xanh (Stilton cheese), phô maivùng Bắc Wiltshire, bơ, cần tây, củ cải đường và tất cả các món tráng miệng”. Những món ăn tưởng chừng đơn giản, nhưng những khác biệt trong văn hóa đã biến nó trở thành thách thức lớn đối với các dịch giả Trung Quốc

Trái với nước Anh - nơi sản xuất 700 loại phô mai, loại thực phẩm này ít phổ biến hơn ở Trung Quốc giai đoạn đầu thế kỷ XX, do người dân đa phần mắc chứng không dung nạp đường lactose. Phô mai xanh được đặt theo tên của làng Stilton, nơi ngày xưa sản xuất và bán loại phô mai này. Trong một số bản dịch, phô mai xanh chỉ được nhắc đến là phô mai vùng Stilton, chứ không đề cập đến sự khác biệt của nó so với các phô mai thông thường khác.

Một số dịch giả đã cố gắng gợi lên các đặc điểm của loại phô mai xanh “Stilton” (chẳng hạn như kết cấu "khô" của nó) và chuyển ngữ để biến địa danh gốc trở nên gần gũi hơn (ví dụ: "Bắc Wiltshire" (North Wiltshire) trở thành "North Wēněrtè"), nhưng hầu hết độc giả Trung Quốc sẽ không thể hiểu được bối cảnh và đặc điểm của món ăn trong văn bản gốc như một độc giả người Anh.

Mặc dù các dịch giả xứng đáng được ghi nhận vì đã nỗ lực mang đến cho độc giả Trung Quốc không khí xã hội nước Anh thế kỷ XIX, các giải pháp dịch của họ đôi khi không kết nối được văn hóa ẩm thực trong thời đại của Austen với văn hóa Trung Quốc đương đại. Giờ đây, khi việc giao lưu văn hóa ngày càng phổ biến và việc tra cứu thông tin ngày càng dễ dàng, các dịch giả sẽ có nhiều lựa chọn từ ngữ trong quá trình dịch thuật hơn, và độc giả cũng không còn cảm thấy bối cảnh phương Tây trong tác phẩm quá xa lạ.

Nguồn: