Những bài báo, công trình, và sáng tác quan trọng trong lĩnh vực nữ học của bậc nữ lưu có đóng góp to lớn cho các nhận thức và thực hành quyền phụ nữ ở Việt Nam đầu thế kỷ XX, vừa được tập hợp trong cuốn sách "Đạm Phương nữ sử: Vấn đề phụ nữ ở nước ta".

Đạm Phương nữ sử (1881 - 1947), tên thật là Tôn Nữ Đồng Canh, tự Quý Lương, con gái của Nguyễn Phúc Miên Triện, hoàng tử thứ 66 của vua Minh Mạng. “Nữ sử” là từ được học giả Phạm Quỳnh chọn để tôn xưng bà như là một “nhân vật của xứ Huế” trong du ký “Mười ngày ở Huế” (Nam phong, số 10, 4/1918).

Bút hiệu “Đạm Phương nữ sử” cũng được ghi lần đầu trên tạp chí này, dưới bài ký “Tự thuật cảnh Hương giang (Huế) buổi chiều” (Nam phong, số 13, 7/1918). Từ đấy, tên hiệu Đạm Phương nữ sử được biết đến trong báo giới, nhất là khoảng thập niên 20 thế kỷ XX, khi bà thường xuyên đăng đàn trên các báo Lục tỉnh tân văn, Trung Bắc tân văn, Hữu thanh, Thực nghiệp, Tiếng dân, Phụ nữ tân văn,…


Lấy “tân học” Âu Tây phụ trợ cho “cựu học” Á Đông

Điểm nổi bật trong các bài viết của Đạm Phương là vấn đề nữ học, được bà đặt ra lần đầu trong bài “Vấn đề nữ học” trên Nam phong (tháng1/1921). Ba năm sau, bà viết tiếp một bài báo, cũng dưới nhan đề này, đăng trên Trung Bắc tân văn (tháng 3/1924), để đáp lại một số ý kiến bấy giờ bác chuyện giáo dục phụ nữ, đồng thời có bổ sung thêm một số quan điểm mới trong việc giáo dục phụ nữ được bà đề xuất trong bài trước. Đây là hai bài viết thể hiện trực tiếp, rõ rệt, và mạnh mẽ nhất các quan điểm nữ học của bà.

Ngoài ra, Đạm Phương còn có những bài viết trực diện vào vấn đề trinh tiết và tự do hôn nhân, chủ đề phức tạp nhất khi bàn về vấn đề phụ nữ lúc bấy giờ, như: “Chữ trinh” (Hữu thanh, số 17, 01/04/1922); “Cái lòng trinh tiết của người đàn bà” (Trung Bắc tân văn, ngày 09/10/1925), “Bàn về chữ ái tình” (Trung Bắc tân văn, ngày 16/10/1925), “Tự do kết hôn” (Trung Bắc tân văn, ngày 20/12/1924),… Đây là các bài viết có cách tiếp cận khá điềm tĩnh, nêu bật quan điểm lấy “tân học” Âu Tây phụ trợ cho “cựu học” Á Đông để phát triển hoàn thiện người phụ nữ, giúp cho nữ giới có thể độc lập, từ đó bình quyền với nam giới. Nhiều bài báo sau này được bà tu bổ, tập hợp in thành sách.

Bên cạnh báo chí, Đạm Phương còn tham gia tích cực trong các hoạt động cổ võ cho nữ học ở Huế. Tháng 6/1926, bà tham gia vận động thành lập và lãnh đạo Nữ công học hội ở Huế, một tổ chức có tính chất xã hội dân sự đầu tiên của phụ nữ Việt Nam, do phụ nữ chủ trương, vận hành. Hoạt động của hội đạt được nhiều hiệu quả và có tác động xã hội rõ rệt. Chí sĩ Phan Bội Châu từng thăm, diễn thuyết, thậm chí ấn hành sách Nữ quốc dân tu tri của mình ở học hội này.

Có thể nói, vấn đề nữ học là hạt nhân quán xuyến tư tưởng và hành động của Đạm Phương khi đối diện với vấn đề phụ nữ. Từ việc trình bày quan niệm giáo dục, suy nghĩ về các lĩnh vực giáo dục đến thực tiễn hoạt động giáo dục phụ nữ, Đạm Phương có nhiều đóng góp và giữ vị trí nổi bật trong lịch sử tiếp cận vấn đề phụ nữ, nữ tính và nữ quyền ở nước ta ở những bước khởi đầu của nó.

Mới đây, dựa trên tư liệu do gia đình nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, cháu nội của bà Đạm Phương cung cấp, người biên soạn đã tổ chức thành cuốn sách gồm 4 phần: các bài báo về vấn đề phụ nữ; các bài báo xung quanh hoạt động của Nữ công học hội; các sách biên khảo; và trích tuyển các sáng tác về chủ đề phụ nữ của bà Đạm Phương. Sách do NXB Phụ nữ mới ấn hành trong series Phụ nữ tùng thư – Tủ sách Giới và Phát triển.

“… Gây dựng một cái gia đình tốt không gì bằng xây dựng một nền đạo đức luân lý cho phụ nữ thật hoàn toàn. Cái nền đạo đức ấy xưa nay chúng tôi vẫn lấy làm tự phụ, là Đông phương cũng có một phần văn hóa ưu mỹ… Cái văn hóa Tây phương cho chúng ta cái tinh thần tự chủ, cái tư tưởng phát kiến, có cái can đảm quyết nghị, biết điều vệ sinh bảo chủng, ấy toàn là những cái ưu mỹ, rất bổ ích cho cái nền đạo đức Đông phương cần phải bổ cứu thêm vậy.”

(Diễn văn phát biểu tại Lễ Khánh thành Nữ công học hội)

“Than ôi! Cái thói ỷ lại của bọn nữ lưu chúng tôi đã gần như một cái bịnh căn thâm niên rồi, ỷ lại đó tức là cái nguồn gốc nô lệ đó. Nếu muốn kéo lại nữ quyền thì trước hết phải tìm nhân cách cho nữ giới, thì phải tảo trừ cái bệnh nô lệ đó.”

(Phát biểu trong cuộc đón tiếp Viện Nhân dân đại biểu Trung kỳ đến thăm Nữ công học hội)