Năm 1963, Chính phủ Thụy Điển quyết định cả nước sẽ chuyển sang đi bên phải đường. Ngày 03/09/1967 được ấn định là ngày chuyển đổi. Nó còn mang tên Dagen H hoặc H – Day, viết tắt của từ Högertrafikomläggningen trong tiếng Thụy Điển, nghĩa là chuyển hướng giao thông sang bên phải.
Trước đó, ý tưởng này đã bị đám đông phản đối kịch liệt. Cụ thể là trong một cuộc trưng cầu dân ý năm 1955, có đến 83% cử tri bỏ phiếu chống. Tuy nhiên, Chính phủ Thụy Điển vẫn giữ vững lập trường và nỗ lực thúc đẩy nhằm đưa nước này đi theo lộ trình như các láng giềng Bắc Âu.
Phần lớn dân số thế giới đều lái xe ở lề phải đường. Nhưng trong quá khứ, người Hy Lạp và La Mã cổ đại, rồi toàn bộ châu Âu sau này, đều diễu hành hoặc cưỡi ngựa ở lề bên trái. Điều này giúp kỵ sĩ có thể nắm dây cương bằng tay trái và kiếm bằng tay phải. Sang thời cận đại, sự chuyển đổi bắt đầu diễn ra ở Mỹ khi các nghiệp đoàn vận tải sử dụng những toa xe chở hàng lớn do ngựa kéo. Vì toa xe thường không có ghế cho người nài ngựa, họ phải ngồi trên lưng một con (thường là con ở sau cùng bên trái) và cầm roi bằng tay phải để điều khiển cả bầy. Tại vị trí đó, tự nhiên họ sẽ kỳ vọng xe khác vượt mình từ bên trái và lái xe đi bên lề phải để tránh nhau thuận tiện hơn. Vì nhiều nguyên nhân, trong đó có sự bảo thủ và vị trí địa lý tương đối tách biệt khỏi châu Âu, người Anh vẫn duy trì truyền thống đi bên trái đường và áp đặt nó cho các xứ thuộc địa. Nhưng một số nơi, như Canada, sau cùng vẫn quyết định chuyển sang đi bên phải để tiện lưu thông với Mỹ.
Thụy Điển cũng có lý do tương tự. Tất cả các nước láng giềng có chung biên giới với họ, bao gồm Na Uy và Phần Lan, đều lái xe bên phải đường. Và một vấn đề khác quan trọng hơn là an toàn giao thông. Mặc dù người dân lái xe bên trái, nhưng có đến 90% ôtô lưu hành tại Thụy Điển khi đó – do hãng Volvo (nội địa) chế tạo hoặc nhập từ Mỹ – lại được thiết kế với vô lăng nằm bên trái táp lô. Hệ quả là đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đường bộ.
Việc chuẩn bị cho 8 triệu dân trước một sự thay đổi lớn thật sự không hề dễ dàng. Trong nhiều tháng trước ngày H–Day, nhà chức trách đã phải thiết kế lại toàn bộ đèn giao thông, biển báo (khoảng 360.000 biển trên khắp cả nước), vạch kẻ đường, giao lộ, cải tạo cả xe bus (bố trí lại cửa lên xuống) và trạm dừng xe. Cùng với đó là một chiến dịch tuyên truyền lớn để thuyết phục, hòa giải và giáo dục công chúng. Một logo mang hình chữ H cách điệu tinh tế đã xuất hiện trên hầu hết các sản phẩm, từ hộp sữa cho đến nội y của phụ nữ. Bên cạnh các phương tiện quảng cáo truyền thống, nhiều nhân vật nổi tiếng đã liên tục xuất hiện trên truyền hình để nói về Dagen H. Nhà đài thậm chí còn tổ chức hẳn một cuộc thi sáng tác ca khúc để nhắc nhở mọi người về sự thay đổi sắp tới. Bài hát chiến thắng với khúc dạo đầu: “Håll dig till höger, Svensson” (Hãy đi bên phải, Svensson) đã liên tục đứng trong 5 vị trí đầu tiên của top hit.
Không khí của thời khắc chuyển đổi chẳng khác gì lễ hội. Đám đông tụ tập từ đêm hôm trước, họ hát hò, nhảy múa và bắn pháo hoa. Tất cả xe cộ vẫn được giữ ngoài lề đường để công nhân xây dựng làm việc. Đúng 4:50 sáng, một tiếng còi cất lên và loa phóng thanh phát đi bản tin thông báo về sự kiện trọng đại. Người ta tháo gỡ các tấm che biển báo, băng keo dán trên vạch kẻ đường, và những chiếc xe bắt đầu chuyển sang phía đối diện.
Nhờ được lên kế hoạch kỹ lưỡng với lộ trình thận trọng, quá trình chuyển đổi đã diễn ra hết sức tốt đẹp. Ngoài tình trạng ùn tắc không thể tránh khỏi và một vài sự cố nhỏ, không có bất cứ trường hợp tử vong nào. Vài tuần sau, tỷ lệ tệ tai nạn đã giảm hẳn do người dân thận trọng hơn khi phải làm quen với một hệ thống quy tắc giao thông mới. Nhưng khoảng ba năm sau, tình hình tai nạn lại trở nên ngang bằng so với trước kia. Nhìn chung, dự án này đã tiêu tốn của Thụy Điển khoảng 630 triệu kronor (tương đương 2,6 tỷ kronor hay 316 triệu USD hiện hành), nhưng đó chỉ là con số khá khiêm tốn so với quy mô cùng ý nghĩa của nó – nhà sử học kinh tế Lars Magnusson nhận định.
Nếu Dagen H được thực hiện vào thời điểm hiện tại, Chính phủ Thụy Điển gần như sẽ không thể thành công – Peter Kronborg, tác giả cuốn Håll dig till höger Svensson về sự kiện này khẳng định. Công chúng chắc chắn sẽ “nổi điên” nếu các chính trị gia vẫn tiếp tục theo đuổi một ý tưởng bị họ phản đối kịch liệt trong cuộc trưng cầu. Truyền thông khi ấy vẫn chưa đa dạng và quyền lực như bây giờ, chưa kể báo chí cũng thường chỉ đăng những gì các chuyên gia nói với họ. “Nếu những nhà chuyên môn tin rằng sự thay đổi là không quá tốn kém và làm lợi cho tất cả mọi người, giới truyền thông sẽ dễ dàng chấp nhận điều đó và công chúng cũng dần bị thuyết phục,” Lars Magnusson nói. Ngoài ra, mạng lưới đường bộ của Thụy Điển bây giờ cũng phát triển hơn nhiều so với 50 năm trước, với số lượng phương tiện và chiều dài đường xá khổng lồ, khiến chi phí tài chính tăng lên ít nhất 10 lần theo tính toán.
Năm 1997, Chính phủ Thụy Điển lại ban hành và áp dụng một sáng kiến khác mang tên Vision Zero, nhằm loại bỏ tối đa các trường hợp tử vong và thương tật nặng khi tham gia giao thông, nhất là trên đường cao tốc. Kể từ đó, người dân nước này đã thay đổi ưu tiên, từ tốc độ và sự thuận tiện sang an toàn khi lái xe. Bên cạnh giới hạn tốc độ trong đô thị được quy định rất nghiêm ngặt, nhà chức trách đã cho xây dựng thêm nhiều không gian dành riêng cho người đi bộ, và các rào cản phân làn xe hơi với xe đạp. Thụy Điển cũng là nơi tiên phong với hệ thống đường 2 + 1 – đường hai làn biến thành ba làn cứ sau vài trăm mét, cho phép xe muốn đi nhanh vượt phương tiện phía trước di chuyển chậm. Hệ thống này hiện đang được áp dụng rộng rãi trên khắp châu Âu, Canada, Úc, … Ngày nay, Thụy Điển tự hào vì có tỷ lệ tử vong giao thông thuộc hàng thấp nhất thế giới, chẳng hạn năm 2016 chỉ có 270 người chết (dân số hơn 10 triệu người), so với 1.313 của năm 1966 – một năm trước ngày Dagen H.