Các nghiên cứu cho biết, khi ai đó lừa người khác, phá vỡ quy tắc hoặc cư xử tệ bạc, bản năng khiến chúng ta có xu hướng tránh tiếp xúc với họ. Trẻ em cũng vậy, nhưng sự việc sẽ đổi chiều nếu người xấu cho chúng nhiều quà hơn…

Khó từ chối khi phần thưởng tăng cao

Xu hướng tránh xa người xấu có lẽ là sự thích nghi tiến hóa cho phép con người hợp tác để phát triển mạnh mẽ. Theo các nhà khoa học, đó có thể là một trong những nhân tố lớn ảnh hưởng đến sự phát triển vượt trội của loài người so với các loài động vật khác.

Nhiều nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng trẻ sơ sinh trong tháng đầu tiên thường không muốn tiếp xúc với những người “thiếu thiện chí” đối với chúng - ví dụ như ít chia sẻ và giúp đỡ chúng, đồng thời luôn đón nhận những người thiện chí với mình.

Trẻ sẽ chấp nhận người xấu dễ dàng hơn nếu nhờ thế mà được thêm nhiều bánh. Ảnh: Oralanswers
Trẻ sẽ chấp nhận người xấu dễ dàng hơn nếu nhờ thế mà được thêm nhiều bánh. Ảnh: Oralanswers

Nhưng ác cảm đạo đức này mạnh như thế nào và làm sao có thể vượt qua nó? Trong một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Cognition, các nhà nghiên cứu đã có giải đáp cho vấn đề này. Về cơ bản, họ có được kết quả nghiên cứu đó nhờ “hối hộ” những đứa trẻ.

Thí nghiệm dựa trên kết quả nghiên cứu trước đây, rằng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thể hiện sự thiên vị bằng cách nhìn về phía những người có nhiều khả năng sẽ cho chúng thức ăn và đồ chơi. Các nhà khoa học muốn biết liệu trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể bị cám dỗ vào việc tiếp xúc với những người chúng không thích hay không, và điều đó tốn kém bao nhiêu.

Trong thí nghiệm đầu tiên, các nhà nghiên cứu khảo sát 160 đứa trẻ từ 5-8 tuổi. Họ sử dụng hai nhân vật hư cấu, một nhân vật sẽ cho chúng 1 miếng dán hoạt hình, người còn lại cho chúng 2 - 4 - 8 hoặc 16 miếng dán. Tương tự như thí nghiệm với các loài động vật nhỏ, bọn trẻ trong nghiên cứu đã chọn những người cho chúng nhiều miếng dán hơn.

Tiếp theo, bọn trẻ được cho biết rằng người cho chúng 1 miếng dán là người tốt, còn người cho chúng nhiều miếng dán đã đánh một người khác ở sân chơi. Các nhà khoa học thu thập thông tin về phản ứng của trẻ đối với từng trường hợp và kết quả là 80% số trẻ chọn lấy một miếng dán từ người tốt, thay vì chọn người xấu dù chúng sẽ được nhiều miếng dán hơn. Chỉ có 4 đứa trẻ chấp nhận chọn người xấu để được nhiều miếng dán hơn. Tuy nhiên, khi số miếng dán mà người xấu cung cấp là 16, tỷ lệ trẻ chọn người xấu tăng vọt đến 65%.

“Kết quả nghiên cứu này cho thấy khi phần thưởng nhỏ, những đứa trẻ sẽ tránh tiếp xúc với người xấu; tuy nhiên khi phần thưởng tăng cao, chúng sẵn sàng “bắt tay với quỷ dữ”” - nhóm nghiên cứu kết luận.

Trẻ nhũ nhi cũng bị ảnh hưởng

Các nhà nghiên cứu cho rằng, rất có thể những đứa trẻ chọn những người tốt trong thí nghiệm trên thực chất chỉ bởi chúng muốn làm hài lòng họ. Chúng có thể quan tâm đến việc thể hiện cho người lớn trong thử nghiệm biết rằng chúng là những đứa trẻ ngoan, biết phân biệt sự đúng - sai hơn là đưa ra một lựa chọn phù hợp với mong muốn thực sự hay nguyên tắc đạo đức của bản thân.

Những nghiên cứu trước đó cho rằng trẻ em bắt đầu thực sự hiểu và quan tâm đến những gì người khác nghĩ về chúng là thời điểm từ 3-5 tuổi. Vì thế, để hiểu rõ hơn về hành vi của trẻ, các nhà nghiên cứu đã thực hiện một thử nghiệm khác tương tự với một nhóm nhỏ các đối tượng khác - đó là trẻ nhũ nhi.

Các nhà nghiên cứu chọn 80 trẻ sơ sinh - tất cả đều khoảng 1 tuổi - tham gia vào các thử nghiệm sử dụng hai con thỏ bằng rối. Trong số này, một con thỏ được để kèm một miếng bánh quy giòn, trong khi con thỏ còn lại được đặt kèm với hai hoặc tám chiếc bánh quy. Kết quả cũng tương tự như thí nghiệm với trẻ lớn, những đứa trẻ ở lứa tuổi bú mẹ này cũng lập tức lựa chọn con rối có nhiều bánh quy giòn.

Nhưng sau đó, thử nghiệm có thay đổi. Họ cho lũ trẻ nhìn thấy một con cừu bằng rối cố gắng mở hộp để lấy bánh, nhưng thất bại. Sau đó, một trong những con thỏ hoặc sẽ giúp con cừu mở hộp lấy bánh, hoặc đóng sập hộp lại. Rồi con cừu biến mất bên cạnh hộp kín. Tiếp đó, những đứa trẻ lại được cho lựa chọn.

Kết quả, khi lựa chọn giữa một con rối tốt có 1 chiếc bánh và một con rối xấu có 2 chiếc bánh, bọn trẻ “khẳng khái” chọn con tốt. Nhưng một lần nữa, kết quả lại khác đi khi con rối xấu có số phần thưởng nhiều hơn một cách vượt trội. Với 8 chiếc bánh quy, 70% số trẻ trong nghiên cứu có xu hướng chọn những con rối xấu.

Các nhà nghiên cứu cho biết, họ chưa thể lý giải rõ ràng nguyên nhân trẻ em sẵn sàng tiếp xúc với những người xấu cho chúng nhiều phần thưởng hơn, bởi sự cân nhắc về mặt đạo đức hay số bánh được chúng xem như một lời xin lỗi hoặc sự đền đáp.

Nhưng kết quả chung cho thấy con người sẵn sàng trả giá cao để tránh tiếp xúc với những người xấu và hành vi này bắt đầu ngay từ khi chúng ta còn rất nhỏ.