Khuyên nhủ người thừa cân ăn uống lành mạnh chẳng có tác dụng gì vì não họ ghi đè lên quyết định đúng khi thấy đồ ăn.

Mỗi chính phủ đang cố gắng khuyến khích bảo vệ sức khỏe người dân với các các chiến dịch ăn uống lành mạnh, nhưng các nhà nghiên cứu nói rằng loại bỏ cám dỗ có lẽ là giải pháp tốt nhất.

Nghiên cứu của Đại học Cambridge (Anh) công bố trên tạp chí eNeuro và Tạp chí Quốc tế về béo phì cho thấy cả người bình thường và thừa cân đều nhận thức được những loại thực phẩm bổ dưỡng và có khuynh hướng chọn thức ăn lành mạnh khi thực hiện nhiệm vụ giả định trên máy tính.

Nhưng khi đứng trước một bữa tiệc buffet thật, những người thừa cân vẫn chọn ăn thực phẩm không lành mạnh nhiều hơn nhiều so với người gầy.

Khi đứng trước thức ăn, các quyết định chọn thực phẩm lành mạnh của người thừa cân đều không còn sáng suốt và rõ ràng như trong điều kiện giả định - Ảnh: Alamy
Khi đứng trước thức ăn, các quyết định chọn thực phẩm lành mạnh của người thừa cân đều không còn sáng suốt và rõ ràng như trong điều kiện giả định - Ảnh: Alamy

Tiến sĩ Nenad Medic từ Khoa Tâm thần cho biết: “Với những người thừa cân, có khác biệt rõ ràng giữa sự lựa chọn thực phẩm trong giả thuyết và thực phẩm thực sự sẽ ăn. Dù họ biết một vài thứ không lành mạnh và nói rằng không nên chọn chúng nhưng khi nhìn thấy đồ ăn, hành động lại khác hẳn”.

Đây là phát hiện quan trọng cho các chiến dịch sức khỏe cộng đồng bởi nó chỉ ra giáo dục người dân về việc chọn thực phẩm lành mạnh là không đủ.

Những loại thực phẩm kém lành mạnh có khả năng ghi đè lên các quyết định đúng của người ta. Khi ấy, sự lựa chọn thực phẩm không còn là một quyết định hợp lý nữa, nó có thể đi ngược lại với những gì người ta biết và đánh giá”, tiến sĩ Nenad Medic giải thích.

Trong nghiên cứu tiếp theo, các nhà khoa học xem xét cấu trúc não của hơn 200 cá nhân khỏe mạnh bằng cách dùng máy quét MRI. Họ tìm ra một mối liên hệ giữa cấu trúc não và chỉ số BMI (body mass index: chỉ số khối cơ thể, được dùng để đánh giá mức độ gầy hay béo của một người).

Nhóm nghiên cứu phát hiện ở những người có chỉ số BMI cao, khu vực não bộ liên quan đến tư duy hợp lý và ra quyết định - vùng vỏ thùy giữa trán (ventromedial prefrontal cortex) - có ít màu xám hơn.

Giáo sư Paul Fletcher cũng từ Khoa Tâm thần nhận xét: “Điều này cho chúng ta một số manh mối đầu tiên để thấy rằng đối với những người thừa cân, các quyết định hợp lý sẽ không được chuyển toàn bộ thành hành động lựa chọn khi họ đối mặt với thực phẩm thật”.

Ông đưa ra nhận định: “Có lẽ sự khác biệt về cấu trúc não đã làm giảm khả năng chuyển dịch thông tin từ những gì người ta biết sang những gì người ta chọn.

Mặc dù hiện tại, đây mới chỉ là suy đoán và chúng ta thật sự vẫn chưa chắc chắn liệu sự thay đổi ở não này là nguyên nhân hay hậu quả của việc tăng cân, nhưng điều này có thể giải thích tại sao cùng một nhóm người, khi quyết định chọn thực phẩm lành mạnh trong điều kiện thực tế đứng trước chúng lại khó hơn trong điều kiện giả định”.

Giáo sư Theresa Marteau, Giám đốc Đơn vị Hành vi và Nghiên cứu sức khỏe tại Đại học Cambridge, một đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết thêm: “Những phát hiện này chứng minh sức mạnh của môi trường áp đảo ham muốn và ý định của nhiều người trong việc ăn uống lành mạnh.

Nghiên cứu củng cố các bằng chứng cho thấy chính sách giảm béo phì sẽ hiệu quả hơn khi xác định mục tiêu là môi trường thực phẩm hơn chỉ chú trọng vào giáo dục thực phẩm lành mạnh”.