Các nghiên cứu trước đây cho thấy con người thường có xu hướng phá vỡ luật lệ hơn nếu những người xung quanh họ cũng làm như vậy. Chẳng hạn, những người sống gần những người có sở thích vẽ lên tường và hay xả rác thường cũng có xu hướng xả rác bừa bãi. Tuy nhiên, điều chúng ta chưa biết là những thông lệ xã hội như những sai phạm về chính trị, tham nhũng, và gian lận thuế có ảnh hưởng ra sao tới các cá nhân trong xã hội đó.
Để tìm ra câu trả lời, các nhà nghiên cứu đã tiếp cận cơ sở dữ liệu của Ngân hàng Thế giới và tổ chức phi chính phủ Freedom House về tình trạng tham nhũng trong chính phủ, gian lận thuế, và gian lận trong bầu cử trên 159 quốc gia. Sau đó, họ kết hợp những tỉ lệ này với một chỉ số đo lường mức độ phá vỡ luật lệ của các thể chế trên.
Tiếp đó, họ dành ra gần 5 năm để tới 23 trong số các quốc gia trên đo lường mức độ trung thực ở cấp độ cá nhân của người dân. Họ yêu cầu các tình nguyện viên sở tại (độ tuổi đại học) ném xúc xắc rồi thông báo kết quả - nếu con số họ ném được càng cao thì các nhà khoa học càng thưởng cho họ nhiều tiền (những người tham gia biết rằng các nhà khoa học không biết được kết quả ném xúc xắc của họ mà chỉ dựa vào lời thông báo từ họ).
Khi con số ném xúc xắc trung bình của tất cả những tình nguyện viên trong một nước lớn hơn dự tính một cách ngẫu nhiên, các nhà khoa học biết rằng có người nói dối để được nhận thêm tiền. Khi so sánh kết quả của những thí nghiệm này với tỉ lệ phá vỡ luật lệ mang tính hệ thống, họ nhận thấy rằng người dân ở những nước có tỉ lệ phá vỡ luật lệ cao hơn thường có tỉ lệ nói dối cao hơn trong thí nghiệm trên.
Tuy vậy, khi nói dối, họ lại không nói dối ở mức độ cao nhất có thể. Khi ném xúc xắc được số 5, họ sẽ nhận được khoản tiền thưởng cao nhất, nhưng phần đông lại chỉ phóng đại lên một chút xíu, chẳng hạn như 3 hoặc 4. “Ngay cả khi đứng trước những sự cám dỗ về số tiền thưởng, người ta vẫn để ý tới cảm giác trung thực. Đó là lý do vì sao mà họ chỉ nói dối ở mức độ có thể lý giải cho lời nói dối của mình,” Jonathan Schulz, thành viên trong nghiên cứu trên lý giải.
Ông đặt tên hiện tượng này là “lừa dối khả giải” – tức một cách làm lợi cho cá nhân trong khi vẫn giữ được cảm giác rằng mình là người trung thực. Theo Schulz, định nghĩa của mọi người về sự trung thực cũng rất đa dạng và phụ thuộc vào môi trường sống của họ. “Dường như con người đặt ra ngưỡng chuẩn cho sự không trung thực của mình bằng những gì tồn tại xung quanh đời sống thường nhật của họ,” Schulz nói.
Các quốc gia có tỉ lệ lừa dối thấp nhất thường là những quốc gia Tây Âu giàu có như Áo, Hà Lan (Anh có điểm số rất thấp). Ngược lại, Morocco, Tanzania, và Kenya có tỉ lệ lừa dối cao nhất.
Schulz cho rằng từ nghiên cứu này có thể dễ dàng đưa ra kết luận rằng người dân ở một số nước nghèo kém trung thực hơn so với các nước giàu, song theo ông, chỉ nên coi đây là một hiện tượng văn hóa đan xen trong các nền văn hóa: “Ngay cả trong những quốc gia tham nhũng nhất, người dân cũng không hoàn toàn là thiếu trung thực. Họ vẫn quan tâm tới hình ảnh cá nhân, tới việc làm người trung thực”.