Bài viết được đăng tải trên CNN cho biết, từ khi Pizza 4P’s mở nhà máy sản xuất phô-mai ở Đà Lạt, họ không chỉ mở ra cho vùng đất này một ngành công nghiệp giàu tiềm năng, mà còn trao cho các đầu bếp Việt Nam cơ hội sáng tạo nên những món ăn từ nguồn nguyên liệu phô-mai tươi ngon bậc nhất châu Á.
Khi sương mù tan dần trên đỉnh núi, Đà Lạt dần hiện lên với màu xanh bạt ngàn của núi rừng. Nằm trên cao nguyên Lâm Viên, đây là nơi sản xuất nông nghiệp trọng điểm của đất nước, và là điểm đến lý tưởng cho khách du lịch nội địa lẫn quốc tế.
Nhưng Đà Lạt còn nổi tiếng vì một lý do đầy bất ngờ khác – đây là nơi sản xuất phô-mai ngon nhất châu Á, đặc biệt là những loại như phô-mai mozzarella kem, phô-mai burrata và phô-mai camembert
“Le Petit Paris” – Paris thu nhỏ
Vào đầu những năm 1900, với khí hậu mát mẻ, Đà Lạt là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng của những người Pháp đang chiếm đóng Việt Nam. Số lượng người Pháp đến đây ‘tránh nóng’ nhiều đến mức nơi đây được mệnh danh là “Le Petit Paris” – Paris thu nhỏ.
Chúng ta có thể cảm nhận được văn hóa Pháp hiện hữu trên vùng đất này thông qua những công trình kiến trúc, mỹ thuật trang trí thời kỳ thuộc địa, những đại lộ, và đặc biệt là trong ẩm thực. Từ bánh mì baguette đến pate, người Pháp đã nhập khẩu và ‘phủ sóng’ những nguyên liệu ẩm thực quê hương lên nền ẩm thực bản địa – và trong số đó không thể không kể đến phô-mai.
Quá trình làm phô-mai Burrata. Ảnh: Pizza 4P's.
Văn hóa ấy vẫn được lưu giữ và tiếp nối đến ngày nay, tại một nhà máy phô-mai ở ngôi làng nhỏ thuộc huyện Đơn Dương, nằm ở phía Đông Nam Đà Lạt – cách trung tâm thành phố này một giờ lái xe. Nhà máy được thành lập vào năm 2011, bởi Pizza 4P’s – một chuỗi nhà hàng món Ý mang phong cách Nhật đặt tại Việt Nam.
Nơi đây sản xuất một lượng lớn phô-mai Việt Nam để bán cho các khách sạn, nhà hàng và cửa hàng sữa trên toàn khu vực. Với độ cao và khí hậu mát mẻ, vùng đất này là môi trường thuận lợi để bò sữa phát triển nhanh, sản xuất sữa với chất lượng hàng đầu.
Giai đoạn đầu, nhà máy phô-mai ở Đơn Dương chỉ dùng chưa đến 50 lít sữa mỗi ngày. Nhưng hiện tại, với 30 công nhân, họ sử dụng 5.000 lít sữa mỗi ngày để tạo ra 13 loại phô-mai khác nhau, từ phô-mai ricotta đến bocconcini. Tất cả phô-mai tại đây đều có thành phần 100% tự nhiên, không thêm chất phụ gia.
Nguồn cung cấp sữa tươi của họ đến từ những nông dân và các nhà sản xuất khác nhau như Trang trại Sữa Đà Lạt. Tuy nhiên, với nỗ lực cải thiện chất lượng đồng đều, Pizza 4P’s đang tìm cách xây dựng trang trại bò sữa của riêng mình.
Từ trang trại đến bàn ăn trong vòng 24 tiếng
Trong vòng 24 giờ, phô-mai vừa hoàn thành sẽ được đóng gói để chuyển đến các cơ sở Pizza 4P’s ở Sài Gòn, Hà Nội, Nha Trang và Đà Nẵng. Nổi bật trong thực đơn của họ là phô-mai camembert. “Chúng tôi tạo ra phô-mai camembert theo công thức của một thợ phô-mai thủ công được đào tạo tại Pháp” – ông Keinosuke Konuki, quản lý nhà máy phô-mai Pizza 4P’s Đà Lạt, cho biết.
Nhưng Burrata và Mozzarella kem mới là loại phô-mai phổ biến nhất của Pizza 4P’s, đây là hai loại phô-mai được dùng để rưới lên các món pizza của họ. Họ sẽ đặt một viên phô-mai lớn lên giữa chiếc bánh, khách hàng hoặc nhân viên sẽ cắt ra làm đôi, để lộ bên trong là lớp phô-mai kem. Mỗi ngày, nhà máy làm ra từ 1.500 đến 2.000 miếng phô-mai burrata và 2.000 đến 3.000 túi phô-mai mozzarella.
Túi phô-mai Mozzarella này sẽ được đặt lên trên chiếc bánh pizza. Ảnh: CNN.
Mở ra những sự sáng tạo trong ẩm thực
Mặc dù vùng đất này ảnh hưởng sâu đậm văn hóa Pháp, nhưng đại diện Pizza 4P’s nhấn mạnh rằng họ không bắt chước các kỹ thuật làm phô-mai ở Ý và Pháp. “Mặc cho các ảnh hưởng của văn hóa Pháp, chúng tôi phát triển phô-mai theo cách riêng của mình” – Konuki nói.
Chúng tôi làm ra phô-mai ở Việt Nam, vì vậy không thể áp dụng một cách dễ dàng những kỹ thuật châu Âu. Tất cả những gì chúng tôi có thể làm là ‘thử’ và ‘sai’. Điều này tốn rất nhiều thời gian và công sức.”
Peter Cuong Franklin là bếp trưởng, đồng thời là chủ nhà hàng Anan Saigon ở Thành phố Hồ Chí Minh. Là người con của Đà Lạt, ông cho biết bản thân không nhớ rằng nơi đây đã từng phát triển thứ gọi là ngành công nghiệp sản xuất phô-mai hay chưa. “Cho đến những năm gần đây, Đà Lạt mới thực sự là nơi sản xuất phô-mai,” Franklin nói.
Franklin vốn nổi tiếng với việc nâng tầng các món ăn đường phố, đã sử dụng phô-mai mozzarella và scamorza do nhà máy Đơn Dương sản xuất, kết hợp với các loại rau quả trồng ở Đà Lạt, để tạo nên những món ăn của riêng mình.
Rau, cà chua và phomai Burrata đều được trồng và sản xuất tại Đà Lạt.
Có thể nói, từ khi Pizza 4P’s mở nhà máy sản xuất phô-mai ở Đà Lạt, họ không chỉ mở ra cho vùng đất này một ngành công nghiệp giàu tiềm năng, mà còn trao cho các đầu bếp Việt Nam cơ hội sáng tạo nên những món ăn từ nguồn nguyên liệu phô-mai tươi ngon bậc nhất châu Á.