Phát hiện mới đây của các nhà khảo cổ học thuộc Viện Khảo sát Khảo cổ Ấn Độ (ASI) về đài linga lớn nhất và còn nguyên vẹn nhất tại di tích Mỹ Sơn sẽ là cơ sở để phục hồi vị trí cũ cho đài thờ tại tháp A10.
Hôm 27/5, Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar đã
thông báo trên
Twitter về việc các nhà khảo cổ học thuộc Viện Khảo sát Khảo cổ Ấn Độ (ASI) vừa phát hiện ra một đài linga liền khối bằng sa thạch tại di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam). Với kích thước 2,24 x 1,68m, phát hiện tại phế tích tháp A10 này được phía Ấn Độ cho là đài linga lớn nhất và còn nguyên vẹn nhất đến nay ở Mỹ Sơn.
Tuy nhiên, ý kiến của một số chuyên gia trên các diễn đàn chỉ ra rằng, thực chất, các nhà khảo cổ Ấn Độ chỉ phát hiện “lại” phát hiện từ đầu thế kỷ XX của các nhà khảo cổ học Pháp. Đài linga này đã được mô tả lần đầu bởi Henri Parmentier, nhà khảo cổ nổi tiếng của Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO) trong cuộc khảo cổ phát hiện Mỹ Sơn vào năm 1903-1904. Bản vẽ đài linga theo đó cũng được đề cập trong tập Inventaire descriptif des monuments cams de l’Annam (1909) nổi tiếng của Parmentier. Mô tả hiện trường hố đào năm 2020 cũng trùng khớp với một bức ảnh chụp từ cuộc khai quật năm 1928.
Để giải thích, phía Ấn Độ và Ban quản lý Di tích Mỹ Sơn cho rằng, các cuộc khai quật của người Pháp trong năm 1903 - 1904 đã phát hiện sự xáo trộn trong lòng hố thiêng tại đền A10, đài thờ A10 bị sập xuống dưới đáy hố, có thể do nạn săn lùng cổ vật. Đài linga bị lèn chặt với các mảnh đá khác khiến cho việc nâng đài thờ ra khỏi lòng hố là điều không thể với điều kiện kỹ thuật lúc bấy giờ, theo
tường thuật trên báo
Quảng Nam.
Đài linga sau đó bị vùi lấp vào thời điểm Mỹ Sơn hứng chịu các cuộc oanh tạc bởi máy bay B52 trong năm 1969 do bị cho là một căn cứ của quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Một cuộc đánh bom vào tháng 8/1969 đã phá hủy hoàn toàn tháp A1 liền phía Nam tháp A10, làm mất đi một trong những ví dụ tiêu biểu nhất của kiến trúc Chămpa và Đông Nam Á.
Công cuộc khôi phục di tích Mỹ Sơn bắt đầu từ năm 1980 cùng với sự ra
đời của nhóm khảo cổ học Việt Nam – Ba Lan do GS.TS Hoàng Đạo Kính và GS
Kazimierz Kwiatkowski dẫn đầu. Các thiệt hại được đánh giá, tạo cơ sở
cho việc bảo tồn di tích, khởi đầu bằng việc trùng tu nhóm tháp
B, C, D. Công việc được tiếp nối với sự hợp tác của các nhà khảo cổ học
Việt Nam – Italia từ năm 1997 với dự án trùng tu nhóm tháp G trong giai
đoạn 2003-2013. Năm 1999, Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản Thế
giới.
Các nhà khảo cổ Ấn Độ bắt đầu công việc của mình ở Mỹ Sơn từ năm 2016,
sau thỏa thuận được ký giữa chính phủ hai nước vào năm 2014. Dự án kéo
dài trong 5 năm với kinh phí 60 tỷ đồng, trong đó Chính phủ Ấn Độ tài
trợ hơn 50 tỷ. Các chuyên gia từ ASI sẽ thực hiện trùng tu các nhóm tháp
A, H và K. Phát hiện mới đây về đài linga sẽ là cơ sở để phía Ấn Độ
phục hồi vị trí cũ cho đài thờ tháp A10. Các đền tháp còn lại trong
nhóm A dự kiến cũng sẽ được trùng tu trong năm 2021, theo báo Quảng Nam.
Tìm kiếm “liên hệ văn minh”
Tại Ấn Độ, thông báo về phát hiện đài linga một lần nữa thu hút sự chú ý của dư luận với các dự án khảo cổ do chính phủ nước này hiện đang thực hiện tại Đông Nam Á. Các chuyên gia quan hệ quốc tế tại Ấn Độ cho rằng đây là minh chứng tiêu biểu trong nỗ lực ngoại giao nhân dân và thể hiện “quyền lực mềm” của Ấn Độ tại khu vực.
Bài viết của nhà nghiên cứu Sudarshan Ramabadran (Quỹ Quyền lực mềm Ấn Độ) trên tờ
Standpoint India cho rằng “khảo cổ học và bảo tồn nên là trụ cột quan trọng để Ấn Độ có thể thể chế hóa các mối quan hệ văn hóa với các quốc gia láng giềng”. Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar trên
Twitter cũng bình luận, phát hiện tại Mỹ Sơn đã “một lần nữa khẳng định mối liên hệ văn minh” của Ấn Độ tại Việt Nam và cho rằng đây là “một ví dụ văn hóa vĩ đại về sự hợp tác phát triển”.
Tuy vậy, công việc của các nhà khảo cổ Ấn Độ không phải không chịu
sự chỉ trích. Tháng 5/2018, mạng xã hội và báo chí trong nước nêu vấn đề phía Ấn Độ không sử dụng nguyên vật liệu gốc khi trùng tu các khu vực ở Mỹ Sơn và các phương pháp họ sử dụng bị nghi ngờ đã làm biến dạng di tích. Sau đó, đại diện của nhóm khảo cổ ASI và Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam lên tiếng phủ nhận những nghi ngờ này.
Hiện ASI đang thực hiện một số dự án trùng tu tại các di tích trong khu vực Đông Nam Á, bao gồm đền Ta Prohm trong quần thể Angkor Wat (Campuchia, từ 2003); chùa Wat Phou ở Champasak (Lào; từ 2009); và gần đây nhất là di tích Mỹ Sơn (Việt Nam; từ 2016).