Chương trình thạc sĩ Quản lý Văn hóa tại ĐH KHXH &Nhân văn, ĐHQGHN là chương trình đào tạo thứ sáu về ngành học này được mở trên cả nước được kỳ vọng sẽ mở ra hướng ứng dụng, với mục tiêu là “đào tạo nhân lực chất lượng cao, có khả năng nghiên cứu, quản lý, tổ chức, tư vấn và thực thi các vấn đề trong lĩnh vực quản lý văn hóa ở cấp vĩ mô và vi mô.”
Một chương trình mới
Phát biểu tại buổi lễ ra mắt chương trình hôm 1/3, PGS.TS. Vũ Văn Quân, trưởng khoa Lịch sử, cho rằng đây là một bước phát triển tất yếu của Khoa, và Bộ môn Văn hóa học sau hơn 20 năm thành lập. Chương trình Cử nhân ngành Văn hóa học hiện đang là hướng được nhiều sinh viên theo học nhất tại Khoa, với 35 sinh viên – trong khi chương trình Thạc sĩ Lịch sử Văn hóa (là chương trình thạc sĩ duy nhất của bộ môn) cũng đang có 30 học viên theo học hay sắp tốt nghiệp. “Đó là để nói việc xây dựng chương trình Quản lý Văn là có nền tảng và cơ sở”, PGS. Quân nhấn mạnh.
TS. Đỗ Thị Hương Thảo cho biết chương trình sẽ bao gồm 64 tín chỉ, trong đó sẽ có 36 tín chỉ dành cho các môn chuyên ngành, và 20 tín chỉ dành cho luận văn thạc sĩ. Các môn học được thiết kế để bám sát vào các vấn đề quản lý văn hóa, từ các vấn đề “quản lý hoạt động tôn giáo tín ngưỡng”, “quản lý di sản kiến trúc”, “quản lý di sản Hán Nôm”, “công nghiệp văn hóa” hay “văn hóa lãnh đạo” được kỳ vọng sẽ tạo ra một chương trình hiện đại, một môi trường nghiên cứu học tập sáng tạo và phù hợp.
Để nhấn mạnh vào tính liên ngành, chương trình lần này có sự liên kết đào tạo – lần đầu tiên – giữa ba khoa trong trường là Khoa Lịch sử, Khoa Nhân học và Khoa Khoa học Quản lý. Tuy nhiên, điều này không làm giảm tính chất nghiên cứu, mà ngược lại, tập trung vào nghiên cứu để vận dụng giải quyết vấn đề thực tiễn: “Chương trình này, dù có thể giống như một chương trình ứng dụng, nhưng vẫn dựa trên nền tảng hàn lâm,” GS. Nguyễn Quang Ngọc, trưởng bộ môn Văn hóa học và Lịch sử Văn hóa Việt Nam chia sẻ tại buổi ra mắt.
Chỉ tiêu trước mắt trong năm tuyển sinh đầu tiên của chương trình Thạc sĩ sẽ là 20 học viên – và hiện đang có khoảng 15 sinh viên năm cuối hay mới tốt nghiệp tại trường có ý định đăng ký.
Văn hóa là vấn đề phức tạp
Nhưng cũng có thể nhìn thêm một động lực khác thúc đẩy việc xây dựng thêm một chương trình Quản lý Văn hóa: đó là thực trạng yếu kém và đáng lo ngại của hoạt động quản lý văn hóa trong cả nước hiện nay. Việc không xác định được một tư duy quản lý cụ thể và khoa học khiến các hoạt động văn hóa thường xuyên gặp rất nhiều vấn đề bị dư luận phê phán.
Các nhà nghiên cứu và nhà quản lý tham gia lễ ra mắt cũng chia sẻ nhận định đó. Tập trung vào vấn đề về lễ hội, GS. Nguyễn Quang Ngọc nêu lên ví dụ về “phát ấn” đền Trần: “Trên thực tế không có chuyện phát ấn. ‘Khai ấn’ là một chuyện – có thể nói đó là một phong tục đẹp; nhưng ‘khai ấn’ không đồng nghĩa với chuyện ban tước rồi thưởng công, thăng chức v.v… Người ta đã giải thích sai lệch hoàn toàn (…) thành ra mới có những cái vô văn hóa.”
Đó là bởi vì “tư duy quản lý văn hóa của chúng ta ít thay đổi, cho nên [thực hành] quản lý lại ít hiệu quả. Rất nhiều vấn đề phức tạp của đời sống vốn nằm ở văn hóa, chúng ta không tính hết [được].”
GS. Lê Hồng Lý, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa, Viện HL KHXH Việt Nam nhìn vào sâu hơn vấn đề: “Chúng ta nói văn hóa là quan trọng nhưng vẫn coi văn hóa chỉ như là ‘cờ đèn kèn trống’.” Cơ cấu của Bộ Văn hóa, cũng như các cơ sở quản lý và đào tạo văn hóa hiện nay, theo GS. Lý vẫn là sự mô phỏng của cơ chế cũ thời Liên Xô: “Cái nhìn văn hóa của chúng ta vẫn chỉ tập trung vào thượng tầng kiến trúc và hạ tầng cơ sở mà thôi.” Hệ thống này đã trở thành vấn đề sau khi nước ta mở cửa, khi chúng ta tiếp thu thêm các ngành học mới từ các nước phát triển, nhưng lại chưa cập nhật trong cơ chế quản lý. Vấn đề của văn hóa, do đó, là vấn đề nhận thức. “Văn hóa là mọi khía cạnh của cuộc sống”, GS. Lý nhấn mạnh, khiến cho việc quản lý văn hóa, đòi hỏi phải có kiến thức hàn lâm về văn hóa mới có tri thức về quản lý văn hóa.
Trước mắt là thận trọng
Nhưng thực tế là, xét trên nhóm ngành quản lý văn hóa, chương trình thạc sĩ này đi sau nhiều chương trình đại học và cao học đã được tổ chức ở nhiều trường đại học trên cả nước: Đại học Văn hóa TP.HCM, ĐH Hồng Đức hay ĐH Văn hóa, Thể thao Du lịch (Thanh Hóa), Trường Sư phạm Nghệ thuật Trung ương… đều đã tổ chức chương trình này trong nhiều năm. Nhất là chương trình của Đại học Văn hóa Hà Nội – có cơ quan chủ quản là Bộ Văn hóa – được coi là chương trình đã có lịch sử phát triển và đi sát nhất với thực tiễn hoạt động của ngành.
Nhưng đối với Bộ môn, tính nghiên cứu – học thuật là một lợi thế không thể bỏ qua: “Khi xây dựng chương trình này, chúng tôi tự tin rằng, quản lý văn hóa vẫn phải xây dựng trên nền tảng của lịch sử văn hóa Việt Nam và văn hóa học. Mà cái đó, rõ ràng là chúng tôi có thế mạnh.” PGS. Quân giải thích thêm: “Nghiên cứu và ứng dụng là hai mặt của một vấn đề. Nghiên cứu chỉ mà để đấy thì giá trị rất hạn chế - còn ứng dụng bị tách khỏi nghiên cứu thì cũng thiếu căn bản. Cho nên chương trình này là định hướng nghiên cứu, nhưng thực ra lại hướng đến ứng dụng.”
Có thể hiểu ngay vấn đề mà GS. Ngọc và PGS. Quân nêu lên nếu xem xét nội dung chương trình của ĐH KHXH&NV với các chương trình thạc sĩ khác như của Đại học Văn hóa TP.HCM. Chỉ 20 tín chỉ trong chương trình quản lý văn hoá của ĐH Văn hóa TP.HCM được xây dựng cho kiến thức chuyên ngành, so với 36 tín chỉ tại ĐH KHXH&NV. Lựa chọn trong chương trình tại Nhân văn cũng đa dạng và có chiều sâu hơn – các lĩnh vực văn hóa được chia ra nhiều lĩnh vực từ kiến trúc, di sản Hán Nôm, văn hóa dân gian, đến quản lý lễ hội… Các học phần lý thuyết thay vì tập trung vào hoạt động “thực tiễn”: tổ chức sự kiện, quản lý dự án, truyền thông hay quảng cáo…, nhấn mạnh đến các yếu tố như ‘phát triển bền vững’, ‘truyền thông’, ‘cộng đồng’ và ‘công nghiệp văn hóa’ trong nghiên cứu, đưa đến các mục tiêu cho phép người học có thể “phân tích thực trạng và biến đổi các thành tố văn hóa trong quản lý, xác định bất cập và xây dựng được mô hình, giải pháp hữu hiệu và phù hợp thực tiễn xã hội.”
Yêu cầu học thuật cũng rất cần thiết cho công tác quản lý văn hóa thực tiễn, theo đại diện Sở Văn hóa tỉnh Ninh Bình tham dự tại buổi ra mắt: “Khi chúng tôi xây dựng hồ sơ [UNESCO] của di sản Tràng An, chúng tôi cũng chỉ định xây dựng tiêu chí về thiên nhiên. Thế nhưng khi có dữ liệu về văn hóa [các di tích khảo cổ tiền sử phát hiện trong các hang động Tràng An] chúng tôi quyết định xin công nhận trên hai tiêu chí – là có lẽ chỉ vậy mới khiến Tràng An được công nhận là di sản thế giới.”
Việc mở rộng hợp tác với các khoa và viện nghiên cứu khác cũng là biện pháp nhằm mở rộng kỹ năng, và theo đó là lựa chọn, cho các học viên theo học chương trình. Bộ môn cũng chủ động liên kết với các chuyên gia ở nhiều viện nghiên cứu cố vấn hay tham gia giảng dạy trong chương trình, trong khi liên kết với các cơ quan Bộ ban ngành và địa phương để tìm hiểu nhu cầu nhân lực và chuyên môn (chương trình có sự tham gia của Sở Văn hóa tỉnh Ninh Bình và Viện Bảo tồn Di tích). “Chúng tôi đã chuẩn bị rất lâu chuyện làm thế nào để xây dựng được một chương trình đào tạo sau đại học về quản lý văn hóa một cách có hiệu quả nhất,” GS. Ngọc chia sẻ thêm.