Các nhà nghiên cứu vừa công bố phát hiện một loài người cổ đại mới có tên khoa học là Homo luzonensis.

Xương hóa thạch của người Homo luzonensis. Ảnh: Nature
Xương hóa thạch của người Homo luzonensis. Ảnh: Nature

Xương hóa thạch của loài mới lần đầu tiên được tìm thấy tại hang Callao ở Philippines vào năm 2010, nhưng các nhà cổ sinh vật học khi đó cho rằng hóa thạch này có thể là một người Homo sapiens nhỏ bé.

Do không chắc chắn về kết luận của mình, họ tiếp tục tiến hành những cuộc khai quật trên đảo Luzon. Việc tìm thấy thêm các mảnh xương bao gồm răng, một phần xương đùi, một ít xương bàn tay và bàn chân đã cho thấy hóa thạch trước đây thuộc về một giống loài khác.

Theo kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature, các xương hóa thạch có niên đại cách đây 50.000 – 67.000 năm. Chúng có nhiều đặc điểm giải phẫu pha trộn giữa các loài thuộc Tông người (Hominini) nguyên thủy và người hiện đại.

Kích thước xương cho thấy người Homo luzonensis chỉ cao khoảng 0,9 m, thấp hơn người Homo floresiensis [người Hobbit] sống trên đảo Flores ở Indonesia.

Những người thấp bé trên đảo Luzon và Flores có thể là hậu duệ của người Homo erectus. Người Homo erectus di chuyển từ châu Phi đến Đông Nam Á và họ tiến hóa theo chiều hướng thấp bé để thích nghi với cuộc sống trên đảo.