Tháng 10/1947, phi công người Mỹ Charles Edward Chuck Yeager đã tạo nên cột mốc đáng nhớ của lịch sử ngành hàng không khi trở thành người đầu tiên lái một chiếc máy bay thử nghiệm bay vượt qua tốc độ âm thanh, đặt nền móng cho sự ra đời của các chiến đấu cơ siêu thanh sau này.
Ngày nay, máy bay chiến đấu thường đạt vận tốc tối đa nhanh hơn tốc độ âm thanh (1.236 km/h), nhưng đã có lúc các nhà khoa học đặt ra câu hỏi “liệu sự gia tăng lực cản khí động học khi một chiếc máy bay tiến đến ngưỡng vận tốc âm thanh có làm cản trở nó đạt được kỳ tích này hay không?”. Phi công người Mỹ Charles Edward Chuck Yeager đã giúp chúng ta trả lời câu hỏi này, khi anh là người đầu tiên trên thế giới “phá vỡ rào cản âm thanh”.
Yeager sinh ra trong một gia đình nông dân ở Myra, bang West Virginia (Mỹ) vào năm 1923. Sau khi tốt nghiệp trung học, anh tham gia trại huấn luyện quân sự dành cho công dân vào mùa hè ở bang Indiana. Do cảm thấy yêu thích môi trường quân đội nên anh quyết định gia nhập Lực lượng Không quân Mỹ năm 1941.
Ban đầu Yeager không đủ điều kiện để tham gia lớp huấn luyện bay vì còn quá trẻ và thiếu trình độ học vấn. Nhưng cuối cùng anh cũng được nhận vào chương trình đào tạo này khi cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai nổ ra, một phần vì anh có thị lực quá tuyệt vời.
Hai năm sau, Yeager trở thành phi công chính thức và cấp trên điều động anh ra nước ngoài để tham gia chiến đấu vào ngày 23/11/1943. Anh đã chứng tỏ mình là một phi công chiến đấu xuất sắc khi lập được 11,5 chiến công chính thức. Anh nổi tiếng là phi công Mỹ đầu tiên hạ 5 máy bay địch chỉ trong một ngày [vào ngày 12/10/1944]. Sau chiến tranh, anh trở thành phi công chuyên thử nghiệm máy bay tại Căn cứ Không quân Edwards.
Một số tuyên bố về việc phá vỡ rào cản âm thanh đã xuất hiện trong Thế chiến II, nhưng hầu hết đều là do lỗi của thiết bị đo đạc. Mỹ đã chế tạo máy bay Bell X-1 với những thiết kế đặc biệt để thực hiện mục tiêu này. Bell X-1 có bốn động cơ tên lửa, đôi cánh mỏng, phần mũi máy bay được mô phỏng theo hình dáng của một viên đạn. Thân máy bay dài 9,4m và sải cánh rộng 8,5m.
“Bell X-1 về cơ bản giống như một tên lửa. Để hoạt động, nó đốt cháy oxy lỏng và hỗn hợp gồm năm phần cồn với một phần nước”, Yeager trả lời phỏng vấn hãng tin Nova vào năm 1997. “Bạn biết đấy, chúng tôi đã nỗ lực dùng động cơ phản lực để đẩy máy bay di chuyển với vận tốc âm thanh hoặc nhanh hơn”. Yeager đặt biệt danh cho máy bay Bell X-1 là “Glennis quyến rũ” theo tên vợ anh.
Kế hoạch ban đầu của Không quân Mỹ là tuyển chọn một phi công thử nghiệm chưa lập gia đình. Tuy nhiên, Yeager lập luận rằng việc anh có vợ và con trai nhỏ sẽ khiến anh cẩn thận hơn trong chuyến bay để trở về với gia đình, và cuối cùng anh được giao nhiệm vụ. Anh tuyên bố mình không hề cảm thấy lo lắng về những rủi ro có thể xảy ra. “Tôi không hề nghĩ về điều đó. Công việc của tôi là bay”, Yeager nói.
Hai ngày trước chuyến bay dự kiến, Yeager bị gãy hai xương sườn do ngã ngựa. Nhưng với quyết tâm không thể đứng ngoài cuộc, anh đã nhờ một bác sĩ điều trị vết thương cho mình, cũng như chỉ thông báo vụ tai nạn với vợ và người bạn đồng nghiệp Jack Ridley.
Đến ngày diễn ra chuyến bay [ngày 14/10/1947], Yeager đau đớn đến mức không thể tự đóng cửa sập của máy bay Bell X-1. Bạn đồng nghiệp Ridley hỗ trợ anh bằng cách để lại một phần cán chổi bị gãy bên trong buồng lái. Anh có thể dùng cán chổi như một đòn bẩy, giúp đóng cửa dễ dàng hơn.
Cuối cùng, Yeager và chiếc Bell X-1 đã đạt được 20 giây bay siêu thanh. “Không có tiệc buffet, không có sự náo nhiệt, không có những bản tin gây sốc”, Yeager nhớ lại. “Trên hết, không có trở ngại nào là không thể vượt qua, và tôi đã sống sót”.
Tin tức về chuyến bay phá kỷ lục của Yeager không được công bố rộng rãi cho đến tháng 6/1948. Anh đã có một cuộc đời binh nghiệp xuất sắc, trải qua một số chức vụ chỉ huy phi đội và được phong quân hàm Chuẩn tướng vào năm 1969. Anh từng làm Phó Tư lệnh của Lực lượng Không quân số 17 (Seventeenth Air Force). Sau khi nghỉ hưu năm 1975, thỉnh thoảng anh vẫn bay với tư cách là cố vấn cho Không quân Mỹ và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).
Yeager từng tham gia một vai diễn khách mời trong bộ phim The Right Stuff công chiếu năm 1983 [nội dung phim dựa trên một cuốn sách của Tom Wolfe xuất bản năm 1979]. Anh cũng là chuyên gia tư vấn kỹ thuật của ba trò chơi video mô phỏng chuyến bay. Anh vinh dự được ghi tên vào Đại sảnh Danh vọng Hàng không Quốc gia (NAHF) năm 1973.
Ngày nay, máy bay chiến đấu có thể dễ dàng phá vỡ rào cản âm thanh nhờ các thiết kế cải tiến và động cơ mạnh mẽ hơn. Mặc dù nhiều người hy vọng sự ra đời của các máy bay chở khách siêu thanh thương mại vào những năm 1970 – bao gồm Concorde và Tupolev Tu-144 – sẽ dẫn đến giai đoạn phát triển tiếp theo của du lịch hàng không. Tuy nhiên, các nhà sản xuất đã không có kế hoạch chế tạo những mẫu máy bay chở khách siêu thanh mới khi chúng ngừng hoạt động. Một phần là do máy bay siêu thanh chở khách dễ gặp sự cố về động cơ, giảm áp, tạo ra tiếng ồn lớn. Chiếc Concorde thực hiện chuyến bay cuối cùng vào năm 2003.
Các kỷ lục liên tiếp bị phá vỡ kể từ chuyến bay lịch sử của Yeager. Vào ngày 20/11/1953, phi công Scott Crossfield đã đạt vận tốc gấp đôi tốc độ âm thanh trên chiếc D-558-II Skyrocket. Cũng trong năm 1953, Jackie Cochrane trở thành người phụ nữ đầu tiên phá vỡ rào cản âm thanh trong chiếc máy bay Canadianair Sabre [Yeager chính là người đã hỗ trợ cô ấy đạt được kỷ lục này]. Gần đúng 50 năm sau buổi lái thử nghiệm của Yeager, phi công Andy Green của Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh đã lái một chiếc ô tô siêu thanh vượt qua tốc độ âm thanh vào ngày 15/10/1997.
Năm 2012, vận động viên nhảy dù Felix Baumgartner trở thành người đầu tiên phá vỡ rào cản âm thanh trong quá trình rơi tự do. Ông thực hiện cú nhảy từ độ cao 39 km và tiếp đất an toàn gần Roswell, New Mexico, Mỹ. Trong cú nhảy này, Baumgartner đạt vận tốc rơi gấp 1,26 lần tốc độ âm thanh trong khoảng thời gian 4 phút 18 giây. Cùng ngày, Yeager [khi đó 89 tuổi] vẫn đủ sức lái chiếc F-15 Eagle bay nhanh hơn tốc độ âm thanh. Đây là lần cuối cùng Yeager tham gia một chuyến bay chính thức của Không quân Mỹ.