Nghiên cứu về kiến ​​thợ mộc cung cấp ví dụ đầu tiên về việc động vật không phải con người biết cách cắn đứt chân để hạn chế nhiễm trùng.

Nghe giống như một cảnh trong phim của Spielberg: một công nhân bị thương được đồng nghiệp khẩn cấp cắt cụt chân để giúp cô kéo dài sự sống. Nhưng đây không phải là câu chuyện của con người – đó là hành vi được quan sát ở loài kiến.

Việc chăm sóc vết thương cho nhau từng được quan sát ở loài kiến trước đây, nhưng các nhà khoa học cho biết phát hiện này là ví dụ đầu tiên về một loài động vật không phải con người biết cắt đứt chân để ngăn chặn nhiễm trùng lây lan.

Hình minh họa. Nguồn: AP

Viết trên tạp chí Current Biology, Tiến sĩ Erik Frank (Đại học Lausanne), tác giả đầu tiên của nghiên cứu, và các đồng nghiệp báo cáo cách họ gây ra các vết thương trên chân sau bên phải của kiến ​​thợ mộc Florida (Camponotus floridanus), sau đó quan sát phản ứng của các cá thể khác cùng tổ trong một tuần.

Kết quả cho thấy 13 trong số 17 con kiến ​​bị thương ở đùi đã được bạn cùng tổ cắn cụt chân ở vị trí khớp nối với xương hông.

“Những cá thể cùng tổ sẽ bắt đầu liếm vết thương sau đó liên tục cắn vào chân bị thương cho đến khi nó đứt lìa”, nhóm nghiên cứu viết.

Và thật ngạc nhiên, loài côn trùng này dường như có điều chỉnh cách làm, tùy theo vị trí của vết thương, để tối đa hóa khả năng sống sót của con kiến bị thương, Frank cho biết.

Cụ thể, không có trường hợp nào bị cắn cụt chân đối với chín con kiến ​​bị thương ở cẳng chân. Thay vào đó, những con kiến ​​này chỉ được các bạn cùng tổ liếm vết thương.

Nhóm nghiên cứu ghi nhận những kết quả tương tự khi lặp lại thí nghiệm với những con kiến ​​có vết thương nhiễm trùng.

Một loạt thí nghiệm khác cho thấy khi bị cô lập, những con kiến có vết thương nhiễm trùng có nguy cơ chết cao hơn nhiều so với những con kiến ​​có vết thương vô trùng. Tuy nhiên, tỷ lệ sống sót của những con kiến có vết thương nhiễm trùng tăng lên đáng kể nếu chúng được đưa trở lại đàn của mình. Điều này cho thấy việc bạn cùng tổ cắn đứt chân có lợi cho những con kiến bị thương ở đùi.

Frank nói, ban đầu có vẻ vô lý khi việc cắn đứt chân không có tác dụng với vết thương ở cẳng. Tuy nhiên, nghiên cứu kỹ hơn cho thấy vết thương ở đùi, chứ không phải vết thương ở cẳng chân, mới gây tổn hại cho hệ thống bơm một chất giống như máu trong cơ thể kiến. Do đó, khi kiến bị thương ở cẳng chân, nhiễm trùng lan khắp cơ thể nhanh hơn nhiều, và việc cắn đứt chân không giúp cải thiện khả năng sống sót.

Theo Frank, loài kiến ​​thường bị thương trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ với các đàn lân cận và việc chữa lành cho những con ​​bị thương mang lại nhiều lợi ích. “Ở các loài kiến ​​Camponotus, chúng tôi nhận thấy khoảng 10-11% số kiến ra khỏi tổ ​​đi săn mồi hoặc kiếm ăn đều mang theo vết thương từ ngày hôm trước. Vì vậy, những con bị thương vẫn chiếm một phần quan trọng trong đàn”, ông nói.

Nguồn: