Chữ Vạn là một biểu tượng linh thiêng của Ấn Độ giáo, Kỳ Na giáo và Phật giáo trong nhiều thế kỷ, tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc, tốt lành. Tuy nhiên, nó cũng gắn liền với những ký ức đau buồn, liên quan đến tội ác của Đức quốc Xã vào thế kỷ 20.
Chữ Vạn [hoặc hình chữ thập ngoặc] là biểu tượng mà Adolf Hitler đã sử dụng trên lá quốc kỳ của Đức quốc Xã trong cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Nhiều người coi nó là biểu tượng của sự thù hận, cái ác và diệt chủng. Nhưng Adolf Hitler không phải là người đầu tiên sử dụng biểu tượng này. Trên thực tế, nguồn gốc chữ Vạn phức tạp hơn nhiều. Trước Hitler, người cổ đại đã dùng nó như một biểu tượng mang tính tích cực trong suốt hàng nghìn năm, trải dài trên nhiều lục địa và nền văn hóa khác nhau.
Nguồn gốc và sự phổ biến của chữ Vạn
Các nhà khoa học đã phát hiện một bức tượng nhỏ làm bằng ngà voi với các họa tiết giống chữ Vạn lâu đời nhất ở Mezine, Ukraine. Niên đại của bức tượng này lên tới 12.000 năm, theo Ancient Origins. Vinca là một trong những nền văn hóa sớm nhất ở miền Nam châu Âu sử dụng biểu tượng chữ Vạn trong thời kỳ đồ đá mới cách đây khoảng 8.000 năm, tại khu vực ngày nay là Serbia, Croatia, Bosnia và Herzegovina.
Thuật ngữ “chữ Vạn” bắt nguồn từ tiếng Phạn “svastika” với ý nghĩa là “may mắn”, “hạnh phúc”, “tốt lành”. Tuy nhiên, biểu tượng này cũng được biết đến với nhiều tên gọi khác, chẳng hạn như Wan ở Trung Quốc, Manji ở Nhật Bản, Fylfot ở Anh, Hakenkreuz ở Đức, Tetraskelion hoặc Tetragammadion ở Hy Lạp.
Vào năm 1979, P.R.Sarkar – một học giả nghiên cứu về tiếng Phạn – tuyên bố ý nghĩa sâu sắc hơn của “chữ Vạn” là “Chiến thắng vĩnh cửu”. Ông cũng nói rằng giống như bất kỳ biểu tượng nào khác, chữ Vạn có thể mang ý nghĩa tích cực và tiêu cực tùy thuộc vào cách thức người ta vẽ nó.
Trong Ấn Độ giáo, chữ Vạn với hướng các đầu mút xoay về phía bên phải (卐) tượng trưng cho Thần Vishnu và Mặt trời. Trong khi đó, chữ Vạn với hướng các đầu mút xoay về phía bên trái (卍) là biểu tượng cho phép thuật của nữ thần Kali.
Trong Kỳ Na giáo, chữ Vạn tượng trưng cho bốn trạng thái tồn tại: Thiên giới, Con người, Địa ngục và sinh vật thấp kém hơn người (động vật, thực vật,…).
Theo tín ngưỡng Zoroastrian, một trong những tôn giáo lâu đời nhất thế giới, bốn ngạnh của chữ Vạn tượng trưng cho nước, lửa, không khí và đất.
Đối với Phật giáo, chữ Vạn là biểu tượng của sự may mắn, thịnh vượng, phong phú và vĩnh cửu. Biểu tượng này liên quan trực tiếp đến Đức Phật, và chúng ta thường nhìn thấy nó xuất hiện trên các bức tượng, tại vị trí lòng bàn chân và trên trái tim của Ngài. Người ta cũng sử dụng nó để biểu thị dấu chân tốt lành của Đức Phật, gọi là “manji”.
Chữ Vạn cũng xuất hiện trên các bức tường trong hầm mộ của những người theo đạo Cơ đốc tại Rome (Ý). Nó là họa tiết phổ biến trên các ô cửa sổ của nhà thờ đá Lalibela ở Ethiopia và nhiều nhà thờ khác trên khắp thế giới.
Tại Ấn Độ, hình vẽ chữ Vạn xuất hiện một cách phổ biến tại các công trình kiến trúc, xe buýt, taxi, bao bì thực phẩm, bìa sách và các lễ hội. Biểu tượng này đã du nhập vào Trung Quốc từ Ấn Độ cùng với đạo Phật. Nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên từng tuyên bố biểu tượng này là “nguồn gốc của mọi điều may mắn” vào năm 693 và gọi nó là “Wan”. Thuật ngữ “Wan” đồng âm với từ “mười nghìn” hay “vô tận” trong tiếng Trung Quốc. Do đó, người ta tin rằng khi kết hợp biểu tượng chữ Vạn với một điều ước thì điều ước đó sẽ được nhân lên 10.000 lần, theo Bảo tàng châu Á Thái Bình Dương thuộc Đại học Nam California (Mỹ).
Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy biểu tượng chữ Vạn trong các tàn tích của người Hy Lạp và La Mã cổ đại, đặc biệt là thành phố cổ Troy tồn tại cách đây 4.000 năm.
Các tín đồ tôn giáo ở Bắc Âu sử dụng chữ Vạn từ năm 401 sau Công nguyên. Biểu tượng này thường xuất hiện bên cạnh các mô tả về thần Thor (vị thần sấm sét, bầu trời, nông nghiệp) và thần chiến tranh Odin của người Bắc Âu. Ngay cả những người theo đạo Cơ đốc thời kỳ đầu cũng dùng chữ Vạn làm biểu tượng của họ, bao gồm Hiệp sĩ Teuton – một tổ chức quân đội của Đức thời Trung Cổ, những người đã gia nhập đội quân Thập tự chinh với mục tiêu tái kiểm soát vùng Đất Thánh.
Tại châu Mỹ, chữ Vạn hiện diện trong đời sống văn hóa của thổ dân Navajo và Hopi sống ở phía Tây Nam nước Mỹ. Đối với người Navajo, nó đại diện cho hình ảnh khúc gỗ quay tròn – một hình ảnh thiêng liêng được sử dụng trong các nghi lễ chữa bệnh và những bức tranh cát.
Thời kỳ đen tối
Tuy nhiên, mọi chuyện bắt đầu thay đổi vào những năm 1920 khi Adolf Hitler sử dụng chữ Vạn màu đen trên lá cờ của Đức Quốc xã như một biểu tượng để tuyên truyền và dễ nhận biết. Trong cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, lá cờ này gắn liền với chủ nghĩa phát xít và nạn diệt chủng, thể hiện mục tiêu thanh lọc chủng tộc ở châu Âu.
Hitler và Đảng quốc Xã của ông ta tin rằng dòng dõi thuần chủng của người Đức có nguồn gốc từ chủng tộc Aryan thượng đẳng [những người nói hệ ngôn ngữ Ấn-Âu], và các chủng tộc kém ưu việt khác nên bị loại khỏi châu Âu. Đây là nguyên nhân dẫn đến cuộc diệt chủng Holocaust do Đức quốc Xã thực hiện, nhắm vào người Do Thái và các thành phần chống đối.
“Chữ Vạn là một biểu tượng cổ xưa đã bị đánh cắp và xuyên tạc, trở thành biểu tượng đại diện cho tư tưởng và hành động không khoan nhượng, bao gồm sự kỳ thị, phân biệt chủng tộc, áp bức và tội ác chiến tranh”, Steven Heller, tác giả của cuốn sách The Swastika and Symbols of Hate (Chữ Vạn và biểu tượng của sự căm ghét), cho biết.
Nhưng tại sao Hitler lại chọn chữ Vạn làm biểu tượng cho Đức quốc Xã? Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ một sự kiện diễn ra vào năm 1871, khi nhà khảo cổ học người Đức Heinrich Schliemann phát hiện 1.800 họa tiết chữ Vạn trên các mảnh gốm tại thành cổ Troy. Đây là địa điểm người Aryan từng sinh sống, do đó chữ Vạn là biểu tượng đặc trưng của người Aryan.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với cách giải thích này. Trong cuốn sách “The Sign of the Cross: From Golgotha to Genocide”, tác giả Daniel Rancour-Laferriere, một chuyên gia về Cơ đốc giáo, cho rằng Hitler sử dụng chữ Vạn như một biểu tượng của Đức quốc Xã là do ông ta thường xuyên đến Tu viện Benedictine ở Áo vào thời thơ ấu, nơi ông nhiều lần nhìn thấy các họa tiết trang trí chữ Vạn và cảm thấy ấn tượng với nó”.