Mức giá rẻ cùng chi phí thấp có thể sẽ làm hẹp con đường đến thịnh vượng của các nước nghèo.
Nước nghèo thường có mức giá rẻ. Theo số liệu năm 2019, 1 USD có thể mua được lượng hàng hóa nhiều gấp đôi tại Argentina, Morocco, Nam Phi và Thái Lan so với Mỹ; gấp ba ở Việt Nam, Ấn Độ và Ukraine; gấp bốn tại Afghanistan, Uzbekistan và Ai Cập. Đồng nghĩa với giá rẻ là chi phí thấp, và quốc gia có chi phí thấp sẽ trở nên cạnh tranh hơn để bắt kịp những nền kinh tế giàu có. Nhưng thực tế thì nhiều nước nghèo lại đang ngày càng tụt hậu.
Mức giá rẻ cùng chi phí thấp khiến công nghệ trở nên đắt tương đối ở các nước nghèo, từ đó làm hẹp con đường dẫn tới thịnh vượng của họ. Trong hình là lao động vị thành niên tại Madagascar. Ảnh: NPR.
Lập luận các nước nghèo có chi phí thấp là phản trực giác. Nếu nguyên nhân của nghèo là do năng suất thấp thì chẳng phải hàng hóa và dịch vụ của họ sẽ đắt đỏ hơn, bởi việc tạo ra chúng cần thêm thời gian và nỗ lực. Điều đó đúng nếu mức lương ở mọi quốc gia là như nhau. Nhưng thực tế thì lương tại các nước nghèo thấp hơn nhiều so với những quốc gia giàu có. Theo OECD, mức lương trung bình/năm (tính theo giá cố định) của người lao động Mỹ và Thụy Sĩ là trên 60.000 USD; Úc, Đan Mạch, Hà Lan và Đức: trên 50.000 USD; Pháp, Nhật Bản và Thụy Điển: trên 40.000 USD; Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Ý và Ba Lan: trên 30.000 USD; Hy Lạp và Hungary: trên 20.000 USD; Mexico: trên 10.000 USD. Trước sự sai biệt như vậy, nếu nước có năng suất cao trả lương cao hơn, và nước có năng suất thấp trả lương thấp hơn, thì tất cả hàng hóa và dịch vụ ở mọi nơi nên có giá như nhau. Điều này nghe có vẻ logic, nhưng đó lại không phải là thế giới mà chúng ta đang sống: 1 USD sẽ mua được nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn ở nước nghèo so với nước giàu.
Lý giải [kinh tế học] được chấp nhận rộng rãi cho hiện tượng này là: Các quốc gia nghèo nhìn chung thường có năng suất thấp toàn diện, và đặc biệt càng kém trong việc tạo ra những hàng hóa và dịch vụ có khả năng giao dịch quốc tế (internationally tradable goods) - so tương quan với nước năng suất cao. Nhưng làm thế nào để giải thích: Tại sao nước nghèo có mức giá rẻ?
Giá của các hàng hóa và dịch vụ tradable như cà phê, điện thoại di động,... là hầu như tương đương ở mọi quốc gia. Nếu giá sản phẩm nội địa quá cao, chúng ta sẽ nghĩ đến chuyện nhập khẩu. Ngược lại, nếu giá sản phẩm nội địa thấp, chúng ta có thể kiếm được nhiều tiền hơn nhờ xuất khẩu thay vì chỉ tiêu thụ trong nước. Trong khi đó, giá của những sản phẩm và dịch vụ khó hoặc không có khả năng giao dịch quốc tế (non-tradable) - tức chỉ có thể cung cấp cho nội địa - như ly cappuccino, gói thuê bao di động, dịch vụ cắt tóc, ... sẽ rất khác nhau ở từng quốc gia. Nhưng giá tại các nước nghèo thường có xu hướng rẻ hơn, bởi những nền kinh tế này không quá kém năng suất trong việc cung cấp chúng so với các hàng hóa tradable.
Điều này đặt ra câu hỏi: Tại sao nước nghèo lại không năng suất trong việc tạo ra các sản phẩm và dịch vụ tradable? Câu trả lời thuyết phục nhất là: bởi vì năng suất phụ thuộc vào khả năng áp dụng và thích ứng công nghệ - thứ đòi hỏi sự học hỏi. Chi phí của việc này chỉ có thể được hoàn lại sau một thời gian dài đạt lợi nhuận siêu ngạch (excess profit). Trong những lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ non-tradable, người tiên phong ứng dụng công nghệ mới sẽ nắm giữ vị thế độc quyền cho đến khi có kẻ bắt chước thành công. Điều đó giúp họ có được quyền lực định giá (pricing power) để thu lại chi phí đổi mới (innovation cost). Ngược lại, một doanh nghiệp tiên phong với các sản phẩm tradable sẽ phải cạnh tranh ngay từ đầu cùng các đối thủ nước ngoài cũng làm ra thứ tương tự. Không có quyền lực độc quyền, sẽ rất khó thu lại chi phí đổi mới.
Công nghệ là tri thức (knowledge) được sử dụng để làm ra những thứ như thực phẩm, cung cấp dịch vụ giải trí hay cả thực thi công lý, ... Có thể chia công nghệ làm ba dạng: 1) tri thức được tích hợp trong các công cụ; 2) được hệ thống hóa trong những công thức, thuật toán, hướng dẫn sử dụng,... thậm chí cả công thức nấu ăn; và 3) tri thức ngầm hay bí quyết (know-how) trong não bộ của nhóm người có kỹ năng bổ trợ, chẳng hạn bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ gây mê,...
Về mặt nguyên tắc, tri thức đã được hệ thống hóa (loại 2) thường không tốn kém để tái sản xuất, và không bị ràng buộc bởi quyền sở hữu trí tuệ, cho nên chúng có thể di chuyển khắp thế giới nhanh như việc gửi một email. Nhưng các công cụ thì sao? Phần lớn chúng đều được làm tại những nước giàu - nơi nắm giữ tri thức tích hợp (loại 1), và chiếm tới 40% giá trị giao dịch hàng hóa của thế giới. Do các nước nghèo thường có vật giá rẻ, máy móc sẽ trở nên đắt tương đối so với họ. Lấy ví dụ: để mua cùng một chiếc máy, một công ty Ai Cập sẽ cảm thấy nó đắt gấp bốn lần so với một công ty Thụy Sĩ. Hơn nữa, bí quyết (loại 3) chính là chìa khóa để triển khai bất cứ công nghệ nào; thiếu bí quyết, mọi đầu tư cho máy móc, vật liệu, nhân công, ... đều dễ trở thành lãng phí. Không may là bí quyết di chuyển cực kỳ khó khăn từ não bộ sang não bộ. Việc não bộ di chuyển - tức nhân lực di chuyển - có vẻ dễ dàng hơn nhiều, và đó là cơ chế mạnh mẽ của sự lan tỏa công nghệ với bằng chứng từ hiện tượng di cư, kiều dân hay du lịch công tác (business travel). Hãy nhìn vào vai trò quan trọng của các tổ chức cung cấp dịch vụ tri thức kinh doanh (KIBS) chuyên sâu như McKinsey & Company, Accenture, Halliburton hay Schlumberger. Nhưng lại một lần nữa chúng ta thấy rằng: những dịch vụ này sẽ trở nên cực kỳ đắt đỏ với các nước có chi phí thấp. Vì vậy, mức giá rẻ thường khiến nước nghèo khó có được những công nghệ mà họ cần để bắt kịp các nước giàu. Kết quả là họ mãi vẫn nghèo.
Mặc dù vậy, chi phí thấp vẫn còn cơ hội để biến thành lợi thế. Nếu những nước nghèo phát triển đủ năng lực để xuất khẩu dịch vụ KIBS, doanh nghiệp của họ hoàn toàn có thể cạnh tranh toàn cầu như trường hợp của các công ty Ấn Độ: Wipro, Tata Consultancy Services,...
Nguồn: Project Syndicate
Bài viết Can Cheap Countries Catch Up? của tác giả Ricardo Hausmann - cựu Bộ trưởng Kế hoạch Venezuela, cựu Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển liên Châu Mỹ (IADB), giáo sư tại trường Quản lý Nhà nước Kennedy thuộc Đại học Harvard, giám đốc Trung tâm Harvard Growth Lab.