Năm 1986, lò phản ứng tại Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Ukraine phát nổ, gây ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới. Sự kiện này đã làm dấy lên những lo ngại về sự an toàn trong ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân, cũng như làm gián đoạn sự phát triển của ngành này trong nhiều năm.
Quân đội Nga đã tiếp quản Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Cuộc xung đột vẫn đang diễn ra căng thẳng khiến nhiều người lo ngại trận chiến có thể dẫn đến sự xáo trộn của chất thải hạt nhân và phát tán chất phóng xạ nguy hiểm xung quanh khu vực.
“Tôi nghĩ rằng bất kỳ cuộc giao tranh lớn nào ở vùng lân cận nhà máy điện đều có thể gây ra một thảm họa hạt nhân mới”, Malcolm Davis, chuyên gia phân tích cấp cao tại Viện Chính sách Chiến lược Úc, nhận định.
Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl nằm cách thủ đô Kiev của Ukraine khoảng 130km về phía Bắc và biên giới Belarus khoảng 20km về phía Nam, theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới. Pripyat là thành phố gần nhất với nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, nằm cách đó chưa đầy 3km và là nơi ở của gần 50.000 người vào năm 1986.
Cấu tạo của Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl gồm bốn lò phản ứng RBMK-1000 do Liên Xô thiết kế và xây dựng trong những năm 1970 và 1980. Một hồ chứa nhân tạo rộng 22km2 kết nối với sông Pripyat có nhiệm vụ cung cấp nước làm mát cho lò phản ứng.
Lò phản ứng RBMK-1000 sử dụng nhiên liệu uranium (U-235) oxide để đun nóng nước. Luồng hơi nước sinh ra làm quay các turbine của lò phản ứng và tạo ra điện. Trong lần kiểm tra và bảo dưỡng định kỳ vào ngày 26/4/1986, một vụ nổ thảm khốc đã xảy ra tại lò phản ứng số 4, theo Ủy ban Khoa học Liên Hợp Quốc về Tác động Bức xạ Nguyên tử (UNSCEAR). Khi đó, nhóm vận hành nhà máy điện đã tắt một số hệ thống điều khiển quan trọng, đi ngược lại với những quy định an toàn. Điều này làm cho lò phản ứng hoạt động ở mức công suất thấp và không ổn định.
Cơ quan Năng lượng Hạt nhân (NEA) cho biết, vụ nổ tại lò phản ứng số 4 đã làm bùng phát một đám cháy. Các mảnh vụn nhiên liệuphóng xạ và mảnh vỡ của lò phản ứng bắn ra khu vực xung quanh, trong khi ngọn lửa cháy lan sang các tòa nhà lân cận. Khói và bụi độc hại [chứa các sản phẩm phân hạch] thoát ra môi trường và theo gió bay đi xa.
Phần lớn chất phóng xạ thoát ra là các sản phẩm phân hạch của Iot-131, Cesium-134 và Cesium-137. Trong đó, Iot-131 có thời gian bán hủy tương đối ngắn [chỉ khoảng 8 ngày], nhưng nó dễ phát tán trong không khí và có xu hướng khu trú trong tuyến giáp của những người hít phải. Các đồng vị của Cesium có chu kỳ bán rã dài hơn [Cesium-137 có chu kỳ bán rã lên tới 30 năm], trở thành mối nguy hiểm tiềm tàng sau khi chúng thoát ra môi trường.
Trong nhiều ngày tiếp theo, các đội cấp cứu đã cố gắng trong tuyệt vọng để ngăn chặn đám cháy và rò rỉ phóng xạ. Số người chết tăng lên khi các công nhân của nhà máy không thể chống chọi với bệnh nhiễm xạ cấp tính. Tổng cộng 28 trong số các công nhân tại Chernobyl đã chết trong bốn tháng đầu tiên sau vụ tai nạn.
Ngay sau khi vụ rò rỉ phóng xạ Chernobyl xảy ra, cây cối trong khu rừng xung quanh nhà máy đã bị chết do tiếp xúc với nồng độ phóng xạ ở mức cao. Vùng này được biết đến với tên gọi “Khu rừng Đỏ”, bởi vì những cây chết chuyển sang màu đỏ hoe.
Người dân Pripyat bắt đầu sơ tán từ ngày 27/4 - khoảng 36 giờ ngay sau vụ tai nạn. Vào thời điểm đó, nhiều cư dân đã xuất hiện các triệu chứng nôn mửa, đau đầu và những dấu hiệu khác của bệnh nhiễm xạ.
Các cơn gió tại thời điểm xảy ra vụ tai nạn thổi từ phía Nam và phía Đông, vì vậy phần lớn khói bụi phóng xạ di chuyển theo hướng Tây Bắc về phía Belarus và nhiều nước châu Âu khác. Khi bụi phóng xạ bay đến Thụy Điển khoảng ba ngày sau đó, các nhà khoa học có thể phát hiện vị trí xảy ra thảm họa hạt nhân dựa trên hướng gió và cường độ phóng xạ, buộc chính quyền Liên Xô phải thừa nhận và tiết lộ toàn bộ mức độ nghiêm trọng của vụ việc.
Để ngăn cản chất phóng xạ tiếp tục rò rỉ ra bên ngoài, các nhà chức trách đã xây dựng một cấu trúc bê tông khổng lồ nhằm bịt kín lò phản ứng số 4 bị hỏng.
Trong vòng ba tháng sau vụ tai nạn Chernobyl, tổng cộng 31 người đã chết do phơi nhiễm phóng xạ hoặc hứng chịu những tác động trực tiếp khác của thảm họa, theo Ủy ban Điều tiết Hạt nhân Hoa Kỳ (NRC). Từ năm 1991 đến năm 2015, có tới 20.000 trường hợp ung thư tuyến giáp được chẩn đoán ở những quốc gia như Belarus, Ukraine và bốn khu vực của Nga chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Họ đều là những người dưới 18 tuổi vào năm 1986. Con số này cao hơn gần ba lần so với mức trung bình.
Nỗi sợ nhiễm độc phóng xạ đã dẫn đến những sự việc vô cùng đáng tiếc. Ví dụ, một số bác sĩ ở khắp Đông Âu và Liên Xô khuyên phụ nữ mang thai nên phá thai để tránh sinh con bị dị tật bẩm sinh hoặc gặp phải các chứng rối loạn khác, mặc dù mức độ phơi nhiễm phóng xạ mà những phụ nữ này trải qua có thể quá thấp để gây ra bất kỳ vấn đề nào, theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới.
Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl vẫn tiếp tục hoạt động để đáp ứng nhu cầu điện của Ukraine cho đến khi lò phản ứng cuối cùng của nó – lò phản ứng số 3 – đóng cửa vào tháng 12/2000. Các cơ quan chức năng đã thiết lập một “khu vực cấm” xung quanh nhà máy điện rộng khoảng 2600km2 . Người bình thường không được phép vào đó, ngoại trừ các nhà khoa học và quan chức chính phủ. Năm 2011, Ukraine đã mở cửa cho khách du lịch đến tham quan và tận mắt chứng kiến hậu quả của vụ tai nạn.
Ngày nay, khu vực xung quanh nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã dần hồi phục. Có rất nhiều loài động vật hoang dã sống trong những khu rừng gần nhà máy điện, ví dụ như sói, hươu, nai, linh miêu, hải ly, đại bàng, heo rừng, nai sừng tấm, gấu. Tuy nhiên, một số vùng trước đây phơi nhiễm phóng xạ đã xảy ra hiện tượng cây cối chậm phát triển và động vật có hàm lượng Cesium-137 ở mức cao trong cơ thể của chúng.
Thảm họa xảy ra tại Chernobyl đã dẫn đến những thay đổi đáng kể đối với ngành công nghiệp hạt nhân. Ví dụ, giới hạn an toàn trong thiết kế lò phản ứng trên toàn thế giới đã được tăng lên; các lò phản ứng RBMK còn lại đã được sửa đổi để giảm thiểu mức độ rủi ro; nhiều tổ chức quốc tế bao gồm Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Hiệp hội các Nhà khai thác Hạt nhân Thế giới (WANO) được thành lập.... Trên toàn cầu, nhiều chuyên gia vẫn đang tiếp tục nghiên cứu những phương pháp hiệu quả, góp phần ngăn chặn tai nạn hạt nhân có thể xảy ra trong tương lai.
Quốc Hùng
Theo Live Science