Chang hoang dã-Gấu (2020) là cuốn sách thứ hai của Trang Nguyễn và Jeet Zdung, sau Trở về nơi hoang dã (2016). Cả hai, theo tôi, đánh dấu sự xuất hiện quan trọng của một thế hệ lấy thiên nhiên làm trung tâm.


Sách artbook dành cho thiếu nhi Chang hoang dã - Gấu
vừa đạt giải A Giải Sách Quốc gia 2021. Ảnh: MAT

Cặp nhân vật chính trong câu chuyện là Chang, một nhà bảo tồn động vật hoang dã và Sorya, con gấu chó bé nhỏ.

Chang gặp Sorya ở trung tâm cứu hộ gấu của tổ chức Free The Bears ở Vườn Quốc gia Cát Tiên. Lúc đó, Sorya mới được hai tuần tuổi, vừa được giải cứu từ một trại nuôi gấu để lấy mật. Vì còn quá bé và không có mẹ, Sorya không biết cách sinh tồn ở trong rừng. Cô bé gấu này chẳng thể tự tìm thức ăn, nguồn nước và nơi ngủ an toàn. Quyết tâm đưa Sorya trở về với thiên nhiên hoang dã, Chang bắt đầu hành trình làm bạn, làm người đồng hành, người chỉ dẫn Sorya từng bước hồi sinh tập tính giống loài.

Cuốn sách gồm 120 tranh vẽ tay hoàn toàn bằng màu nước của họa sĩ Jeet Zdung. Nguồn: Nxb Kim Đồng
Cuốn sách gồm 120 tranh vẽ tay hoàn toàn bằng màu nước của họa sĩ Jeet Zdung. Nguồn: Nxb Kim Đồng

Trong cái nhìn của Chang, thế giới hoang dã mới là ngôi nhà thực sự của loài gấu. Việc đưa những con gấu từng bị nuôi nhốt trở về ngôi nhà đó, có thể nói, đòi hỏi sự kiên nhẫn và hiểu biết kĩ càng của nhà bảo tồn. Những con gấu khi bị nuôi nhốt lâu năm thì không chỉ chịu đựng nỗi đau tinh thần, thể xác mà còn đánh mất dần bản năng tự nhiên. Sống trong những chiếc chuồng sắt chật hẹp, gấu không thể đứng dậy hay làm bất cứ việc gì, một số thì bị trụi lông hoàn toàn do căng thẳng hoặc do mắc bệnh ngoài da lâu ngày. Khi đưa chúng về trung tâm tâm cứu hộ, mặc dù được chăm sóc, chữa trị và được sinh sống ở khu vực ngoài trời rộng rãi cùng bạn bè, được tự do đi lại tìm kiếm thức ăn, chúng vẫn gặp nhiều khó khăn để có thể sống tự lập. Công việc của Chang dành cho Sorya, vì thế, cũng phải trải qua nhiều bước, từ tìm kiếm khu rừng an toàn và nguyên sinh cho đến những ngày tháng dõi theo mỗi bước chân của Sorya rụt rè đặt lên nơi chốn đáng lẽ mình thuộc về từ lâu. Chang cố giấu thức ăn để Sorya chủ động tìm kiếm. Chang quan sát từ xa cách Sorya bắt cá, phát hiện tổ mối hoặc cắn vỡ quả dừa. Mỗi thay đổi, dù nhỏ, cũng khiến Chang vui, sung sướng rồi vỡ òa cảm xúc khi Sorya bắt đầu làm quen được với một anh bạn gấu chó “xinh trai”. Cuối cùng, sau “những tháng mưa tầm tã, những ngày nắng chói chang”, lang thang cùng nhau, ngủ cùng nhau, Chang quyết định chia tay Sorya, trả người bạn bé nhỏ về với không gian rộng lớn, bình yên giờ đây mở ra trước mắt. Khoảnh khắc rời xa Sorya khiến Chang rơi nước mắt hạnh phúc, bởi hơn ai hết, Chang hiểu rằng Sorya đang trở lại thiên đường của mình. Sorya và loài gấu nói chung, sẽ sống một đời bình thường, ít ra không cần phải chứng minh mình có giá trị gì, khi và chỉ khi con người không còn đặt chúng vào tầm ngắm chiếm đoạt, sở hữu. Động vật hoang dã vốn dĩ thuộc về tự nhiên, tự do và chỉ trong tự do, chúng mới tuyệt đối đẹp và hạnh phúc.

100% lợi nhuận của cuốn sách được Trang Nguyễn được sử dụng cho các dự án bảo tồn động vật hoang dã ở Việt Nam. Nguồn: Nxb Kim Đồng
100% lợi nhuận của cuốn sách được Trang Nguyễn được sử dụng cho các dự án bảo tồn động vật hoang dã ở Việt Nam. Nguồn: Nxb Kim Đồng

Hành trình trở về thế giới hoang dã và tự do của Sorya, tự nó, đối lập hoàn toàn với nạn buôn bán, săn bắt và nuôi nhốt gấu để lấy mật. Hành trình đó cũng phơi bày thực trạng đau lòng về nạn phá rừng, hủy hoại môi trường tự nhiên, những cánh rừng “bị người dân đốt để làm nơi trồng lúa và ngô”, sử dụng để làm thủy điện, lâm tặc chặt phá hoặc bị “san trụi, trở thành công trường để xây dựng khách sạn nghỉ dưỡng, sân golf, sở thú và khu giải trí cho con người”.

Để tìm được không gian hoang dã và nguyên sinh đúng nghĩa, Chang cùng đồng nghiệp còn phải kêu gọi, tập huấn dân bản địa tháo dỡ những cái bẫy thú giăng mắc khắp nơi, “ngay cả những chú sóc, chim, culi,... cũng dính bẫy, bị đem khỏi rừng để bán làm cảnh, trở thành mặt hàng phục vụ sở thích nuôi thú cưng”. Cho đến khi người dân có thể trở thành những thành viên cộng tác với Free The Bears, đi tuần và tháo dỡ bẫy thú thì cánh rừng mới nhộn nhịp âm thanh muôn loài trở lại. Nó đủ an toàn để Sorya sinh sống và nói như các nhà sinh thái học, nó cho phép thiên nhiên, động vật trở thành trung tâm và là chủ thể của núi rừng hoang dã.

Trong khi động vật quí hiếm ngày càng ít đi hoặc tuyệt chủng, hành trình thành công của Sorya tựa như phép màu, không chỉ vì một con gấu chó được sống lại tập tính, mà quan trọng hơn, nó tạo nên cảm hứng, niềm tin lớn về một kết thúc có hậu trong mối quan hệ giữa con người và động vật. Đã đến lúc con người, mà Chang trong cuốn sách là gương mặt tiên phong, cần biết cách ứng xử bằng hữu hơn với loài vật, với thế giới tự nhiên, nơi sự hiện hữu của mỗi loài nói lên phần nào chất lượng nhận thức và hành động của chính con người. Càng thể hiện tình yêu thương và lối sống tôn trọng thế giới hoang dã, con người mới không rơi vào bi kịch đơn độc mãi mãi, nếu một khi hành tinh mất dần đa dạng giống loài.

Hành trình kiên nhẫn và đầy hiểu biết của Chang không phải bỗng chốc mà thành. Cuốn sách cho biết Chang bắt đầu để tâm đến việc giải cứu động vật từ khi mới tám tuổi. Ngày đó, tình cờ chứng kiến cảnh tượng tội nghiệp của con gấu nuôi lấy mật, Chang đã nung nấu suy nghĩ về công việc bảo vệ động vật hoang dã. Nhưng công việc vốn dĩ còn khá xa lạ này quả không dễ tiếp cận. Chang phải tự mình tìm hiểu các tài liệu, nỗ lực học tiếng Anh và liên tục nộp đơn tham gia các tổ chức bảo tồn động vật hoang dã. Những áp lực từ gia đình và định kiến giới (“con gái yếu xìu mà đòi bảo vệ gấu”; “con gái lo học hành rồi lấy chồng đẻ con là được rồi!”) cũng không làm Chang bỏ cuộc. Kiên tâm bền chí, cuối cùng Chang cũng đạt ước mơ của mình với rất nhiều chuyến đi thực hiện công việc bảo tồn trên thế giới và Việt Nam.

Tương tự cuộc đồng hành với Sorya, Chang cảm thấy hạnh phúc khi được tận tay chăm sóc nhiều loài quí hiếm có tên trong Sách Đỏ. Công việc bảo tồn, bởi vậy, không hoa chân múa tay những lời đao to búa lớn, mà luôn nhẫn nại từng ngày giống như người hướng đạo, dẫu đức tính khiêm cung đẹp đẽ ấy dễ bị khuất trong đời sống quá ồn ào, xô bồ hiện nay. Trong mỗi chuyến đi, Chang thường kí họa thiên nhiên, ghi chép cảm xúc và những gì bản thân quan sát được. Nhìn ngắm các bức vẽ này, tôi nghĩ, bạn đọc sẽ nhận ra thiên nhiên tinh khiết luôn là phần tưởng thưởng xứng đáng dành cho Chang sau những ngày gian nan theo đuổi công việc bảo tồn.

“Gấu chó phân bố ở châu Á và là loài gấu nhỏ nhất trên thế giới. Chúng leo cây giỏi và dành nhiều thời gian trên cây nhất trong số 8 loài gấu. Gấu chó ăn tạp, thức ăn của chúng bao gồm trứng, mật ong, hoa quả, chồi cây, rễ cây và động vật như thằn lằn, chim, côn trùng, kiến, mối... Gấu chó cũng thích ăn dừa, chúng dùng móng vuốt để cào, bóc vỏ và dùng hàm răng rất khỏe để cắn vỡ quả dừa [...] Gấu được ví như người làm vườn của những cánh rừng. Gấu ăn trái cây xong sẽ thải ra phân cùng với hạt giống. Bằng cách đó, gấu đi gieo hạt khắp rừng”

(Chang hoang dã-Gấu. Nxb Kim Đồng, H., 2020).