Trước đây, tỷ suất sinh ở các nước bắt đầu giảm khi đạt mức GDP/người vào khoảng 2.700 USD. Nhưng từ năm 1990, tỷ suất sinh bắt đầu giảm khi một nước đạt mức thu nhập khoảng 1.500 USD.

Ngày 24/11, chính phủ Ấn Độ thông tin, tỷ suất sinh của nước này đã giảm xuống còn 2,0 trẻ em trên một phụ nữ. Đây là mức sinh thấp hơn mức sinh thay thế - mức sinh đủ để duy trì dân số ổn định - và đưa Ấn Độ vào nhóm có tỷ suất sinh như các nền kinh tế giàu có hơn.

Thực tế, ở cả bốn nền kinh tế mới nổi, Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, tỷ suất sinh hiện đang ở dưới mức sinh thay thế. Không có gì ngạc nhiên khi các nền kinh tế mới nổi cũng đi theo quỹ đạo nhân khẩu học tương tự như quỹ đạo của các nền kinh tế giàu có - tăng mạnh khi kinh tế bắt đầu phát triển rồi sau đó giảm dần.

Vấn đề là: sự thay đổi quỹ đạo nhân khẩu học ở các nước đang phát triển diễn ra nhanh hơn rất nhiều so với ở các nước phát triển trước đây, có khả năng tác động sâu sắc đến nền kinh tế toàn cầu.

Sự thay đổi này - gọi là "quá trình chuyển đổi nhân khẩu học” - từ lâu đã trở thành một đặc điểm quan trọng của quá trình hiện đại hóa kinh tế.

Trong các xã hội tiền công nghiệp, cả tỷ suất sinh và tử (số sinh và chết hằng năm trên 1.000 người) đều rất cao, và tốc độ tăng dân số nói chung không đồng đều và chậm. Nhưng vào thế kỷ 18, tỷ suất tử ở các khu vực tây bắc Âu bắt đầu giảm mạnh, đánh dấu giai đoạn đầu tiên của quá trình chuyển đổi nhân khẩu học. Tỷ suất tử giảm dẫn đến dân số tăng nhanh. Dân số nước Anh tăng gần gấp đôi từ năm 1760 đến năm 1830. Tuy nhiên sau đó, từ cuối thế kỷ 18, tỷ suất sinh cũng bắt đầu giảm. Đến thế kỷ 20, tỷ suất sinh và tử ở các nước giàu ổn định ở mức thấp, dẫn đến tốc độ tăng dân số chậm hoặc thậm chí dân số giảm dần (nếu không có người nhập cư).

Trong quỹ đạo tăng rồi giảm dân số này, tỷ suất tử giảm là điều dễ giải thích nhất, do kinh tế phát triển kéo theo cải thiện dinh dưỡng, y học và sức khỏe cộng đồng.

Tỷ suất sinh giảm thì có nhiều lý do. Một phần do phản ứng với các động lực kinh tế mới. Chẳng hạn, khi yêu cầu kỹ năng trong xã hội tăng lên, các gia đình có xu hướng có ít con hơn để đầu tư nhiều hơn vào đào tạo mỗi đứa trẻ. Văn hóa cũng là một yếu tố quan trọng. Trong một bài báo gần đây, Enrico Spolaore ở Đại học Tufts và Romain Wacziarg ở Đại học California, Los Angeles, lưu ý rằng ở châu Âu, các tiêu chuẩn "bình thường" mới về tỷ suất sinh lần đầu tiên xuất hiện ở Pháp vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19. Theo báo cáo này, "mốt" sinh ít con bắt nguồn cả từ những thay đổi trong quan điểm liên quan đến chủ nghĩa thế tục và thời kỳ Khai sáng, cũng như việc lan truyền thông tin về kế hoạch hóa gia đình. Khi tỷ suất sinh giảm trên khắp châu Âu, nó có xu hướng giảm nhanh hơn và sớm hơn ở những nơi có quan hệ ngôn ngữ và văn hóa với Pháp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chuyển đổi nhân khẩu học ngày nay đi theo mẫu hình tương tự, theo một bài báo mới khác thực hiện bởi Matthew Delventhal ở Đại học Claremont McKenna, Jesús Fernández-Villaverde ở Đại học Pennsylvania, và Nezih Guner ở Universitat Autònoma de Barcelona. Các tác giả thu thập dữ liệu từ 186 quốc gia và nhận thấy, tất cả, trừ 11 quốc gia, đã trải qua quá trình chuyển đổi sang tỷ suất tử thấp hơn và ổn định hơn nhiều so với thời kỳ tiền công nghiệp. Và khoảng 70 quốc gia bắt đầu chuyển đổi sang tỷ suất sinh thấp từ năm 1960 đến 1990. Chỉ có một quốc gia, Chad, vẫn chưa bắt đầu chuyển đổi tỷ suất sinh. (Ở 80 quốc gia, cả tỷ suất tử và sinh đều đã chuyển sang mức thấp, hay nói cách khác là đã đi đến cuối quá trình chuyển đổi nhân khẩu học.)

Nhưng đáng lo ngại là tốc độ quá trình chuyển đổi nhân khẩu học đã tăng nhanh. Trong khi quá trình chuyển đổi của Anh bắt đầu từ giữa những năm 1790 và hoàn thành vào những năm 1950, thì ở Chile quá trình này diễn ra nhanh chóng từ những năm 1920 đến những năm 1970. Và ở những nước bắt đầu quá trình chuyển đổi (tỷ suất tử bắt đầu giảm) vào cuối thế kỷ 20 hoàn thành quá trình chuyển đổi (tỷ suất sinh giảm) trong chỉvài thập kỷ.

Nhóm Delventhal gọi đây là “sự lây lan đặc tính nhân khẩu học” (demographic contagion): quá trình chuyển đổi diễn ra ngày càng nhanh ở những nước có quan hệ về mặt địa lý và văn hóa với những nước đã hoàn thành chuyển đổi. Hiệu ứng này cũng có nghĩa là các nước bắt đầu chuyển đổi sang tỷ suất sinh thấp hiện ở mức thu nhập thấp hơn so với trước đây. Cụ thể, quá trình chuyển đổi tỷ suất sinh trong hai thế kỷ qua có xu hướng bắt đầu ở mức GDP/người vào khoảng 2.700 USD (tính theo sức mua tương đương và theo giá năm 2011), nhưng từ năm 1990, quá trình chuyển đổi này bắt đầu ở mức thu nhập khoảng 1.500 USD.

Kết quả của việc các nước ồ ạt bước vào quá trình chuyển đổi nhân khẩu học như vậy là sự sụt giảm về tỷ suất sinh và tốc độ tăng dân số toàn cầu. Tỷ suất sinh của thế giới, ở mức 3,5 ca sinh trên một phụ nữ vào giữa những năm 1980, đã giảm xuống còn 2,4 vào năm 2019. Ở mức sinh thay thế, dân số thế giới vẫn sẽ tiếp tục tăng, vì có một số lượng lớn người sẽ bước vào tuổi sinh con. (Tỷ suất sinh chỉ tính những phụ nữ đang ở trong độ tuổi sinh sản.) Ví dụ, ở tỷ suất sinh 2,0, thấp hơn mức sinh thay thế, dân số của Ấn Độ dự kiến ​​vẫn tăng lên khoảng 1,6 tỷ vào giữa thế kỷ này nhưng với đỉnh thấp hơn khoảng 100 triệu người, và đạt được sớm hơn khoảng một thập kỷ, so với dự kiến ​​trước đây. Tương tự, mức sinh toàn cầu giảm nhanh có thể đồng nghĩa với việc các dự báo dân số toàn cầu tăng lên 11 tỷ vào năm 2100 của Liên Hợp Quốc sẽ phải điều chỉnh theo hướng giảm xuống.

Quá trình chuyển đổi nhân khẩu học trên toàn cầu kéo theo một số vấn đề. Khi tỷ lệ người trên 50 tuổi trong dân số thế giới tăng từ 25% ngày nay lên 40% vào năm 2100, lãi suất sẽ trở nên thấp hơn, lợi nhuận trên tài sản có thể giảm và sự mất cân bằng giàu nghèo toàn cầu ngày càng tăng.

Tuy nhiên, chuyển đổi nhân khẩu học cũng có thể mang lại nhiều lợi ích kinh tế. Dân số tăng chậm hơn làm cho quá trình cắt giảm lượng khí thải carbon bớt khó khăn hơn. Và người lao động, với số lượng ít, dễ có cơ hội phát huy tiềm năng của họ hơn, thông qua giáo dục tốt hơn. Ở một số nước, sự xuất hiện của những người nhập cư từng bị coi là một mối đe dọa, nhưng trong tương lai, có thể họ sẽ được chào đón như một thành viên mới sinh ra trong gia đình.

Nguồn: