Lễ Phục Sinh là sự kiện quan trọng nhất trong năm đối với người theo Chính thống giáo phương Đông [1], giống như Lễ Giáng Sinh bên phương Tây. Nhân dịp này, các tín hữu sẽ mang những quả trứng được họ vẽ và trang trí đẹp mắt đến nhà thờ để xin ban phước rồi tặng người thân, bạn bè.
Năm 1885, để kỷ niệm 20 năm ngày thành hôn với hoàng hậu Czarina Maria Fedorovna (1847 – 1928, vốn là công chúa Dagmar của Đan Mạch), Sa hoàng Alexander III (1845–1894) rất muốn tặng vợ một món quà thật ý nghĩa. Ông đã ủy nhiệm cho thợ kim hoàn Peter Carl Fabergé (1846 – 1920) nổi tiếng làm một quả trứng Phục sinh quý giá nhất. Vâng lệnh Sa hoàng, Fabergé đã chế tác một quả trứng có lớp vỏ được tráng men màu trắng tuyệt đẹp, trông không khác gì trứng thật, nhưng bên trong lại chứa phần lòng đỏ bằng vàng ròng – bọc quanh một con gà mái (cũng được làm bằng vàng), trong ruột con gà mái lại giấu một viên kim cương (phiên bản thu nhỏ của viên đính trên vương miện hoàng gia) và một quả trứng hồng ngọc (ruby) nhỏ. Hoàng hậu Maria đã rất thích món quà, khiến Alexander III ngay lập tức ra lệnh bổ nhiệm Fabergé làm “thợ kim hoàn theo chỉ định đặc biệt” để mỗi năm làm một quả trứng Phục sinh cho Hoàng gia.
Những quả trứng Phục sinh do Fabergé làm đều là các tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Kể từ đó, như đã thành thông lệ, Fabergé cùng đội thợ lành nghề của mình sẽ miệt mài làm việc suốt vài tháng trong bí mật trước Lễ Phục Sinh. Ngay đến Sa hoàng cũng không được biết các quả trứng trông sẽ như thế nào. Fabergé đã lựa chọn những thiết kế gợi nhớ các sự kiện đặc biệt gắn với hoàng gia, hay những cột mốc và thành tựu của vương triều Romanov2,… Tất cả các quả trứng đều được làm từ kim loại quý: vàng, bạch kim; nạm kim cương, ngọc lục bảo, hồng ngọc và nhiều loại đá quý khác. Trong số này, Quả trứng Mùa đông 1913 có giá đắt nhất – thu về 9,6 triệu USD trong cuộc đấu giá năm 2002.
Quả trứng đầu tiên được chế tác năm 1885, viên cương kim (phiên bản thu nhỏ của viên gắn trên vương miện hoàng gia) và quả trứng hồng ngọc đã bị thất lạc.
Sau khi Alexander III qua đời, con trai ông là Sa hoàng Nicholas II (1868 – 1918) vẫn tiếp tục truyền thống ấy, thậm chí còn đặt Fabergé làm hai quả trứng mỗi năm để tặng vợ – hoàng hậu Alexandra Fedorovna (1872 – 1918, vốn là Đại công nữ xứ Hessen và Rhein thuộc Đế quốc Đức)3, và mẹ (nữ hoàng Maria Fedorovna). Năm 1900, các quả trứng được mang đi tham dự triển lãm Paris Exposition Universell và gây nên rất nhiều tranh cãi trong giới phê bình lẫn sưu tập. Bên cạnh những lời khen tặng vì tài năng, sức sáng tạo nghệ thuật vô hạn và quá trình chế tác miệt mài (đến mức cầu toàn) là sự chỉ trích lối sống xa hoa, vô cảm của hoàng gia Nga trước cảnh đất nước kiệt quệ, dân chúng lầm than4.
Quả trứng Phục hưng (1894), món quà cuối cùng mà Alexander III tặng cho hoàng hậu Maria.
Trong suốt 32 năm, trước khi cuộc Cách mạng Tháng Hai (1917) nổ ra và chấm dứt chế độ quân chủ Nga5, hãng kim hoàn của Fabergé6 đã chế tác tổng cộng 50 quả trứng Phục sinh đẹp, độc đáo và quý giá nhất mà thế giới từng được biết. Ngoại trừ 7 quả đã thất lạc, 43 quả còn lại hiện đang nằm trong các bộ sưu tập tư nhân hoặc viện bảo tàng trên khắp thế giới. Trong đó, bảo tàng lịch sử Armoury Kremlin (Moscow) giữ 10 quả; một số quả bị đưa sang Mỹ, riêng bảo tàng Mỹ thuật Virginia được bà Lillian Thomas Pratt (1876–1947), vợ của doanh nhân John Lee Patt (1879 – 1975) – giám đốc điều hành DuPont và General Motors, tặng 5 quả. Năm 2004, nhà tài phiệt Viktor Vekselberg (chủ tịch tập đoàn Renova Group), đã mua lại 9 quả trứng từ bộ sưu tập Malcolm Forbes trong một cuộc đấu giá với số tiền 100 triệu USD, sau đó ủy thác cho Bảo tàng Fabergé (khai trương năm 2013) tại Cung điện Shuvalev ở Saint-Peterburg trưng bày.
Theo Amusing Planet
Chú thích:
1. Chính thống giáo phương Đông (Eastern Orthodox) là nhánh Ki-tô giáo lớn thứ nhì thế giới, sau Giáo hội Công giáo Roma (Roman Catholic), đóng vai trò quan trọng trong lịch sử và văn hóa Đông Âu, Hy Lạp, Nga, vùng Kavkaz và Cận Đông. Trong thiên niên kỉ đầu tiên của Ki-tô giáo, Chính thống giáo Đông phương và Công giáo Roma thuộc cùng một giáo hội mặc dù vẫn tồn tại một số khác biệt trong lý luận thần học và thực hành tín ngưỡng giữa. Đến thế kỷ XI, những khác biệt này ngày càng trở nên sâu sắc, dẫn tới sự kiện Đại Ly giáo năm 1054, phân chia thành hai giáo hội riêng rẽ như ngày nay.
2. Vương triều Romanov (trị vì trong giai đoạn 1613 - 1917) là vương triều phong kiến cuối cùng trong lịch sử nước Nga.
3. Các hoàng tộc tại châu Âu thường có truyền thống kết thông gia với nhau để tránh nguy cơ xung đột và hình thành liên minh. Nga hoàng Nicholas II, cùng với Hoàng đế Đức Wilhelm II, và vua Anh George V đều là cháu của nữ hoàng Anh Victoria,...
4. Sau Cách mạng Tháng Mười (1917), Sa hoàng Nicholas II và gia đình bị giam lỏng tại Cung điện Aleksandr ở Hoàng Thôn (Tsarskoye Selo) rồi chuyển tới Dinh Tổng đốc tại Tobolsk và dinh thự Ipatiev ở Yekaterinburg. Đêm ngày 16 rạng sáng 17/7/1918, để ngăn không cho lực lượng Bạch Vệ tìm cách cứu Sa hoàng và tái lập chế độ quân chủ, những người Bolshevik đã hành quyết (xử bắn) Nicholas II cùng toàn bộ gia đình (vợ con, người hầu và bác sĩ) trong một căn phòng. Lenin, với tư cách là lãnh đạo Bolshevik, cho hay đã không hề biết và lấy làm tiếc về mệnh lệnh này. Năm 1998, 7 năm sau ngày Liên Xô tan rã, Nicholas II cùng toàn bộ gia quyến được Giáo hội Chính Thống giáo Nga phong thánh. Năm 2008, Tòa án Tối cao Liên bang Nga tuyên bố: “Sa hoàng Nicholas II và gia đình ông đã bị sát hại một cách bất hợp pháp”.
5. Dưới thời Nicholas II, nước Nga - một trong những đế quốc hùng mạnh nhất thế giới lâm vào khủng hoảng kinh tế, quân sự, khiến người dân bất mãn. Thất bại trước Đế quốc Nhật Bản trong cuộc chiến 1904 - 1905 và việc lún sâu vào Thế chiến I (1914) càng làm cho uy tín của Nicholas II sụt giảm nghiêm trọng.
6. Sau Cách mạng Tháng Mười, hãng kim hoàn của Peter Carl Fabergé bị quốc hữu hóa, bản thân ông cũng phải chạy sang Đức và qua đời tại Thụy Sĩ.