Nhà bác học Albert Einstein hiếm khi rời khỏi nhà mà không mang theo một cây đàn vĩ cầm [hay còn gọi là đàn violin]. Niềm đam mê âm nhạc đã truyền cảm hứng cho ông phát triển một số lý thuyết vật lý có tầm ảnh hưởng rộng rãi nhất trong khoa học.
Nhà vật lý Albert Einstein đã phát triển lý thuyết tương đối và phương trình nổi tiếng thể hiện mối liên hệ giữa khối lượng và năng lượng của vật chất: E = mc2 (trong đó E là năng lượng, m là khối lượng và c là vận tốc ánh sáng). Ông cũng là người đặt nền móng cho lý thuyết lượng tử hiện đại. Ông từng đoạt giải Nobel và được mọi người gọi là “thiên tài”.
Tuy nhiên, Elsa – người vợ thứ hai của Einstein – từng tâm sự với một người bạn rằng bà phải lòng Einstein vì một lý do hoàn toàn khác: “Bởi vì ông ấy chơi các tác phẩm của Mozart bằng đàn vĩ cầm quá hay”, Elsa nói.
Albert Einstein chơi đàn vĩ cầm. Ảnh: Alamy.
Âm nhạc không chỉ đơn giản là hình thức thư giãn, một thứ ngoài lề đối với công việc của Einstein. Nó là nguồn cảm hứng, đóng vai trò chủ đạo trong mọi thứ ông suy nghĩ và hành động.
“Âm nhạc đã giúp ích rất nhiều khi Einstein suy nghĩ về các lý thuyết của mình” Elsa cho biết. “Ông ấy đi vào phòng làm việc nhưng thỉnh thoảng quay trở ra, đánh một vài hợp âm trên đàn piano, ghi chép một vài thứ quan trọng và quay trở lại phòng để tiếp tục nghiên cứu”.
Bản thân nhà vật lý vĩ đại cũng từng nói rằng, nếu ông không phải là một nhà khoa học, chắc chắn ông đã là một nhạc sĩ.
“Cuộc sống mà không có âm nhạc là điều không thể tưởng tượng được đối với tôi”, Einstein chia sẻ. “Tôi sống mơ mộng trong âm nhạc. Tôi nhìn nhận cuộc đời ở những cung bậc cảm xúc giống âm nhạc, và hầu hết niềm vui trong cuộc sống của tôi đều bắt nguồn từ âm nhạc”.
Mối tình của Einstein với đàn vĩ cầm cần có thời gian để thực sự bùng cháy. Năm Einstein lên sáu tuổi thì mẹ của ông là bà Pauline – một nghệ sĩ piano tài giỏi – đã sắp xếp cho ông đi học đàn vĩ cầm. Nhưng ông không học tập một cách nghiêm túc cho đến khi tình cờ nghe những bản sonata của Mozart được chơi bằng đàn vĩ cầm vào năm 13 tuổi. Kể từ lúc đó, đàn vĩ cầm trở thành niềm đam mê lâu bền của ông. Ông chơi đàn bằng cách “thực hành có hệ thống”, và ông thường nói rằng “say mê là người thầy tốt hơn ý thức trách nhiệm”.
Einstein yêu tích hai nhà soạn nhạc Mozart và Bach. Đó có lẽ không phải là điều ngẫu nhiên. Nhiều người viết tiểu sử về Einstein nhận định rằng âm nhạc của Bach và Mozart có cùng sự trong trẻo, mộc mạc và hoàn hảo – những yếu tố mà Einstein luôn tìm kiếm trong các lý thuyết vật lý.
“Thuyết tương đối đến với tôi bằng trực giác, và âm nhạc là động lực thúc đẩy khả năng trực giác này. Cha mẹ tôi đã cho tôi học đàn vĩ cầm từ khi tôi lên sáu tuổi. Khám phá mới của tôi là kết quả từ sự cảm thụ âm nhạc”, Einstein cho biết.
Trong những ngày chưa có điện thoại thông minh và iTunes như ở thời điểm hiện tại, Einstein đã phải rất vất vả để luôn mang theo âm nhạc bên mình. Ông hiếm khi rời khỏi nhà mà quên đem theo một chiếc hộp đựng cây đàn vĩ cầm. Không phải lúc nào bên trong chiếc hộp này cũng đựng cùng một nhạc cụ, do Einstein sở hữu một vài cây đàn vĩ cầm trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên, ông đều đặt cho chúng cùng một biệt danh trìu mến là “Lina”.
Trong những chuyến du lịch của mình, Einstein thường mang Lina đi cùng để chơi nhạc thính phòng vào buổi tối ở nhà của một ai đó. Điều này giúp ông có thêm rất nhiều người bạn yêu âm nhạc.
Trong những năm 1930, Einstein và Elsa định cư tại Princeton, New Jersey (Mỹ), thay vì về nhà ở Đức Quốc xã. Họ thường xuyên tổ chức các buổi nhạc thính phòng tại nhà riêng vào mỗi tối thứ tư hằng tuần. Những buổi biểu diễn này gần như không bao giờ bị hủy, bởi vì Einstein sắp xếp lịch trình để đảm bảo rằng ông luôn có mặt ở đó.
Vào các buổi tối Halloween, Einstein thường ra ngoài trời và gây bất ngờ cho mọi người xung quanh bằng cách chơi đàn vĩ cầm đầy ngẫu hứng. Vào dịp lễ Giáng sinh, ông chơi đàn cùng với nhóm bạn và đi từ nhà này đến nhà khác để hát mừng Giáng sinh.
Do không có bản ghi âm nào về kỹ năng chơi đàn của Einstein còn sót lại, nên một cuộc tranh luận sôi nổi vẫn đang diễn ra về việc ông ấy giỏi như thế nào. Nhưng có lẽ người vợ Elsa không hề cảm tính về khả năng chơi vĩ cầm của ông. Bằng chứng là vào năm 16 tuổi, Einstein tham gia bài kiểm tra âm nhạc tại một trường học ở địa phương, và người chấm thi viết rằng “một học sinh tên là Einstein đã tỏa sáng trong màn trình diễn đầy cảm xúc khi chơi một trong những bản sonata của Beethoven”.
Janos Plesch, một người bạn của Einstein, từng chia sẻ rằng: “Rất nhiều nhạc sĩ có kỹ thuật tốt hơn so với Einstein, nhưng tôi tin không ai trong số họ chơi đàn với sự chân thành và tình cảm hơn ông ấy”.
Einstein chơi đàn vĩ cầm cho đến gần cuối đời. Chỉ khi bàn tay trái già nua của ông không thể điều khiển ngón tay được nữa, ông mới cất cây đàn Lina yêu quý vào tủ. Kể cả khi đó, có lẽ ông chưa bao giờ đánh mất niềm đam mê âm nhạc của mình.
Trong một bài báo được viết sau khi Einstein qua đời vào tháng 4/1955, nhà văn Jerome Weidman kể lại rằng ông từng gặp Einstein khi tham dự bữa tiệc sang trọng do một nhà từ thiện nổi tiếng ở New York tổ chức. Sau bữa ăn, chủ nhà mời họ và các khách mời khác cùng nghe nhạc thính phòng tại phòng khách rộng lớn. Weidman thú nhận với Einstein rằng ông không có khả năng phân biệt chính xác các nốt nhạc trầm bổng khác nhau.
“Bạn hãy đi với tôi,” Einstein nói.
Einstein kéo Weidman ra khỏi buổi biểu diễn và dẫn nhà văn lên tầng trên, đến một căn phòng chứa bộ sưu tập phong phú các đĩa hát [sử dụng bằng cách cho vào máy quay đĩa]. Tại đó, Einstein đã bật các đoạn trích ngắn trong những ca khúc của Bing Crosby, Enrico Caruso,…
Einstein hướng dẫn Weidman hát lại từng đoạn để nghe âm sắc như một cách để luyện tai. Khi Einstein cảm thấy hài lòng, họ quay trở lại tầng dưới. Weidman đã cảm thấy vô cùng ngạc nhiên khi lần đầu tiên ông có thể cảm nhận tác phẩm “Sheep may safely graze” của Bach.
Thuyết tương đối đến với tôi bằng trực giác, và âm nhạc là động lực thúc đẩy khả năng trực giác này. Cha mẹ tôi đã cho tôi học đàn vĩ cầm từ khi tôi lên sáu tuổi. Khám phá mới của tôi là kết quả từ sự cảm thụ âm nhạc.
Albert Einstein |