Hẳn nhiều người trong chúng ta cho rằng lọ thủy tinh sẽ bền vững hơn so với chai nhựa, nhưng nghiên cứu mới từ các nhà khoa học cho thấy chúng ta có thể đã nhầm.

Bạn sẽ chọn vật liệu nào dưới đây để đựng 350ml nước cam:

1. Nhôm/ đóng lon, làm bằng nguyên liệu tái chế

2. Bìa carton, được mô tả là có thể phân hủy sinh học/ phân hủy được

3. Thủy tinh, 100% có thể tái chế; hoặc

4. Nhựa, được mô tả là có thể phân hủy sinh học/ phân hủy được

Nếu bạn chọn thủy tinh và tin rằng đây là lựa chọn bền vững nhất, giống như người tiêu dùng Mỹ tham gia khảo sát trong nghiên cứu của các nhà khoa học ẩm thực tại Đại học Massachusetts Amherst, thì bạn đã chọn nhầm.

“Thủy tinh là loại bao bì được đánh giá cao nhất và ưa chuộng nhất. Nhưng hóa ra, thủy tinh thực ra lại kém bền vững nhất nếu bạn nhìn vào toàn bộ vòng đời của bao bì”, theo Nomzamo Dlamini, tác giả thứ nhất của bài báo Unpacking Consumer Preferences: Perceptions and Sustainability of Packaging Material for Orange Juice mới đăng trên tạp chí Sustainability. Dlamini, người đang trong giai đoạn cuối của quá trình lấy bằng tiến sĩ khoa học thực phẩm, gần đây là học giả Fulbright làm việc tại phòng thí nghiệm UMass Amherst của tác giả chính, PGS khoa học thực phẩm Alissa Nolden.
Nhìn chung, khi yêu cầu người tiêu dùng xếp hạng các lựa chọn bao bì từ loại bền vững nhất tới ít bền vững nhất, câu trả lời sẽ là: thủy tinh, bìa carton, nhôm và nhựa.

Mặc dù độ bền vững của bao bì thực phẩm khác nhau tùy vào loại sản phẩm và loại bao bì, kích thước và trọng lượng của hộp đựng và các biến số khác, trong trường hợp một phần nước cam thì bìa carton sẽ là loại bao bì bền vững nhất, tiếp theo là nhựa, rồi tới lon và cuối cùng mới tới thủy tinh.

Kết quả khảo sát gây ngạc nhiên cho Dlamini, người đến từ Đại học Pretoria, Nam Phi. “Tôi thấy sốc khi đọc đánh giá vòng đời từ các chuyên gia rằng quá trình sản xuất và tái chế thủy tinh tiêu tốn rất nhiều năng lượng – nhiều hơn hẳn so với năng lượng dùng để sản xuất ra và tái chế nhựa”, cô nói.

Nghiên cứu cho biết: “Tác động từ việc sản xuất và vòng đời của nhựa ít hơn thủy tinh, nhựa nhẹ hơn và do đó cần ít năng lượng hơn để vận chuyển. Hơn thế nữa, quy trình đóng gói vô trùng hộp nhựa bằng hơi nước cũng tốn ít năng lượng hơn so với hệ thống thanh trùng dùng cho thủy tinh”.

Bình, lọ thủy tinh không bền vững như chúng ta vẫn nghĩ. Ảnh:kangen

Đây là nghiên cứu nhằm tìm hiểu động lực đằng sau lựa chọn bao bì của người tiêu dùng, từ đó giúp các chuyên gia trong ngành công nghiệp hiểu được suy nghĩ, niềm tin và sở thích của khách hàng, đồng thời hướng dẫn họ có chọn lựa bền vững hơn.

“Chúng tôi thiết kế một bảng câu hỏi mô phỏng tình huống ngoài cuộc sống, đưa ra cho bạn nhiều lựa chọn khác nhau và bạn phải quyết định đánh đổi. Và chúng tôi cố gắng hiểu suy cho cùng thì điều gì quan trọng với người tiêu dùng,” Dlamini cho biết.

PGS Nolden chỉ ra rằng tuy nhiều người tiêu dùng bày tỏ ý định mua bao bì bền vững, thì cuối cùng yếu tố thúc đẩy hàng đầu lại là giá cả - cụ thể là giá thấp nhất - tiếp theo là loại bao bì, thông tin về sản phẩm và thông tin về bao bì.

Vì thế, sau khi phân tích lựa chọn của 847 người tiêu dùng trưởng thành tham gia khảo sát trực tuyến, lý tưởng nhất là 350ml nước cam có giá 1,10 USD, được đựng trong lọ thủy tinh sản xuất tại địa phương và dán nhãn có thể tái chế 100%.

Thông điệp cho ngành thực phẩm là người tiêu dùng có động lực chọn bao bì bền vững, miễn là mức giá phù hợp.

Cuối cùng, có một điều còn quan trọng hơn việc lựa chọn bao bì. “Nhìn chung, lựa chọn bao bì có thể góp phần bảo vệ môi trường, nhưng cách thực tế và có tác động lớn nhất mà người tiêu dùng có thể đóp góp vào nỗ lực bền vững là giảm thiểu và tránh lãng phí đồ ăn”, bài báo kết luận.


Nguồn: