Bắt chước người lớn vượt khó
Trong nhiều năm, chỉ số thông minh (IQ) là cơ sở đầu tiên để đánh giá trí thông minh của một đứa trẻ và khả năng thành công trong tương lai. Như vậy, IQ là thứ được tập trung chú ý nhất. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Mỹ đang tìm kiếm một nhân tố dự báo thành công khác: Sự kiên trì.
Nghiên cứu vừa được đăng tải trên tạp chí khoa học Science của nhóm nhà khoa học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ cho thấy trẻ nhỏ rõ ràng có thể nắm bắt được giá trị của sự kiên trì và công việc khó khăn chỉ vài lần sau khi chứng kiến điều này ở người lớn. Sự thực là từ việc chứng kiến giá trị của sự chăm chỉ, nỗ lực ở người lớn, trẻ học hỏi được nhiều hơn hơn là chứng kiến những thành công dễ dàng của họ.
Để nghiên cứu về sự kiên trì của trẻ, các nhà khoa học đã tiến hành thí nghiệm đối với những em bé độ tuổi 15 tháng. Chúng được tạo điều kiện để theo dõi những người trưởng thành thực hiện nhiệm vụ và sau đó được cho làm thử công việc tương tự.
Hai nhiệm vụ được nhóm nghiên cứu thực hiện cho trẻ quan sát gồm: Lấy một con ếch khỏi thùng đồ chơi và tháo dây chìa khóa ra khỏi móc chìa khóa. Nửa số trẻ được nhìn thấy một người trưởng thành dễ dàng hoàn thành công việc ba lần trong vòng 30 giây, trong khi nửa còn lại chứng kiến một người trưởng thành phải rất khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ trong 30 giây.
Sau đó, trẻ được đưa cho một món đồ chơi âm nhạc có nút, trông giống như nút để bật nhạc lên. Tuy nhiên, thực tế là nút đó không thể bật được, nút chức năng đó được giấu ở phía sau. Trong tầm quan sát của trẻ, người thử nghiệm sẽ bí mật bật công tắc để nhạc phát ra và tắt nó đi trước khi đưa cho trẻ. Mỗi đứa trẻ có 2 phút để chơi với món đồ này.
Kết quả, các nhà nghiên cứu nhận thấy những em bé đã chứng kiến người lớn gặp khó khăn khi làm việc có tỷ lệ nhấn nút cao gấp đôi những bé thuộc nhóm còn lại; tỷ lệ nhấn nút trước khi yêu cầu sự trợ giúp hoặc đưa đồ chơi cho bố mẹ cũng cao gấp đôi. “Không có sự khác biệt về thời gian trẻ chơi đồ chơi hoặc số lần chúng đưa cho bố mẹ. Sự khác biệt lớn nhất là ở số lần chúng nhấn nút trước khi yêu cầu sự giúp đỡ” - Julia Leonard - học viên cao học tại MIT, đồng tác giả - cho biết.
Nghiên cứu cũng cho thấy, những đứa trẻ dường như cố gắng nhiều hơn khi người thử nghiệm giao tiếp với chúng bằng cách gọi tên, liên lạc bằng mắt và nói chuyện trực tiếp.
“Điều chúng tôi rút ra được sau thử nghiệm phù hợp với nhiều nghiên cứu khác: Việc sử dụng những tín hiệu sư phạm đó như một chiếc amplifier (thiết bị khuếch đại tín hiệu). Hiệu ứng này không biến mất nhưng nó sẽ trở nên yếu hơn nhiều nếu như không có các tín hiệu đó” - Laura E. Schulz - giáo sư MIT, đồng tác giả của nghiên cứu - cho biết.
Không cần cố giỏi giang trước mặt con
Mặc dù các ảnh hưởng lâu dài của thí nghiệm chưa được nghiên cứu, các nhà khoa học cho rằng kết quả đã chỉ rõ con người có thể học tập từ rất sớm những giá trị tốt đẹp như làm việc chăm chỉ và sự kiên trì.
Laura E. Schulz cho biết: “Có một số áp lực với các bậc cha mẹ trong việc làm mọi thứ một cách dễ dàng và cố gắng không làm hỏng, thất bại trước mặt con cái. Bạn không thể học một điều từ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm để rồi trực tiếp áp dụng trong việc nuôi dạy con cái, nhưng công trình của chúng tôi ít nhất đã cho thấy chẳng phải là xấu khi để con trẻ thấy rằng chúng ta đang làm việc chăm chỉ, nỗ lực để đạt mục tiêu”.
Trong một xã hội mà cha mẹ muốn con cái mình trở nên xuất chúng, cần cho trẻ thấy nỗ lực làm việc cũng quan trọng, nếu không muốn nói là còn quan trọng hơn cả IQ để đi đến thành công.
Kiley Hamlin - giáo sư tâm lý tại Đại học British Columbia (Mỹ) - mô tả nghiên cứu này là "một luận chứng thú vị về việc những điều chúng ta vốn nghĩ là quan trọng cho sự thành công của trẻ và những điều người trưởng thành học ở học đường và cuộc sống thì nay đã có thể được dạy từ thời mới sinh ra”.
Hamlin - một nhà khoa học không tham gia nghiên cứu - cho rằng phát hiện này cho thấy hai điều quan trọng: "Đầu tiên, trẻ sơ sinh dường như học được một điều gì đó về sự kiên trì nói chung hơn là cách giải quyết tốt nhất nhiệm vụ A hoặc nhiệm vụ B cụ thể. Thứ hai, để ảnh hưởng đến sự kiên trì của trẻ - ít nhất là trong thời gian ngắn - có thể (trớ trêu thay) cần phải có sự nỗ lực từ chính chúng ta”.
Các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ biết được liệu hiệu quả này có thể kéo dài bao lâu sau cuộc thử nghiệm đầu tiên. Một hướng khác của nghiên cứu là tìm hiểu xem hiệu quả đó có mạnh mẽ như vậy với các thử nghiệm khác nhau hay không.