Năm 1946, các học sinh đại diện của Đội Thiếu niên Tiền phong Liên Xô đã tặng Đại sứ Mỹ William A. Harriman một bức chạm khắc gỗ hình Đại ấn Hoa Kỳ (Great Seal) – hành động thể hiện sự trân trọng mối quan hệ đồng minh trong Thế chiến II cùng tình hữu nghị bền chặt giữa hai nước.

Món quà tưởng chừng “vô hại” ấy đã được treo trong phòng làm việc của Đại sứ Mỹ tại Spaso House ở Moscow và yên vị tại đó suốt bảy năm, mãi đến khi người Mỹ phát hiện ra nó không phải chỉ là món đồ trang trí thông thường, mà là một con ngựa thành Troy.

Đại ấn Hoa Kỳ.
Ảnh: Boevaya mashina/Wikimedia Commons.
Mô hình thiết bị nghe lén bên trong bức chạm Đại ấn bằng gỗ mà Liên Xô tặng Mỹ tại Bảo tàng Quốc gia National Cryptologic Museum. Ảnh: Austin Mills/Wikimedia Commons.

Liên Xô đã “khéo léo” cài đặt bên trong Spaso House một thiết bị nghe lén thuộc loại tinh vi nhất từng được chế tạo, mang tên The Thing. Nó có cấu tạo hết sức đặc biệt, không sử dụng dây và nguồn điện, thay vào đó được kích hoạt bằng tín hiệu radio mạnh từ bên ngoài để thu sóng âm, sau đó điều biến tín hiệu radio và truyền lại cho người gửi. Việc không có các linh kiện điện tử khiến nó cực kỳ khó bị phát hiện (do không gây nhiễu khi chưa được kích hoạt) và rất bền.

Đây là sáng tạo của Leon Theremin, nhà phát minh thiên tài ở Liên Xô, nổi tiếng với theremin – loại nhạc cụ cùng tên ông được ra mắt trong thập niên 1920. Dưới thời Stalin, Theremin được đưa tới trại cải tạo tập trung (gulag) và làm việc trong một phòng thí nghiệm bí mật (sharashka), nơi ông đã chế tạo thành công thiết bị phục vụ mục đích nghe lén Buran – tiền thân của micro lazer hiện đại, vận hành nhờ sử dụng chùm tia hồng ngoại công suất thấp từ xa để phát hiện những rung động âm thanh trên cửa sổ kính.

Nguyên lý hoạt động của The Thing cũng gần tương tự như vậy. Người Nga đã giấu một micro bên trong bức Đại ấn; micro này sẽ phản ứng với sóng âm từ các cuộc nói chuyện bên trong căn phòng, làm cho một màng kim loại cực mỏng (chỉ dày khoảng 75 micromet) rung lên. Khi thiết bị được kích hoạt bằng sóng radio ở tần số phù hợp, chuyển động của màng kim loại này sẽ đóng vai trò điều chỉnh điện dung, tùy biến sóng radio phát ra và truyền đi bằng một ăng-ten ngầm bên trong. Máy thu bên ngoài sẽ tách tín hiệu đó và trích xuất âm thanh theo cơ chế thông thường.

Leon Theremin. Ảnh: Wikimedia.
Cấu tạo của The Thing, thiết bị nghe lén bên trong bức chạm Đại ấn. Ảnh: Crypto Museum.

Nhờ thiết kế tối giản và đặc tính thụ động của nó, The Thing đã vận hành trót lọt trong suốt bảy năm. Đến năm 1951, một chuyên viên quân sự Anh Quốc, khi đang theo dõi hoạt động không lưu của máy bay Liên Xô, đã tình cờ nghe thấy giọng của tùy viên hàng không nước mình trên thiết bị bắt sóng. Một đội DWS – tiền thân của HMGCC (Trung tâm Liên lạc Chính phủ Anh Quốc) – được cử đến Moscow nhưng không phát hiện thấy điều gì bất thường. Tuy nhiên, người Anh sau đó vẫn liên tục nhận được những tín hiệu radio mạnh và nghi Liên Xô đang thử nghiệm một loại thiết bị cộng hưởng thay vì máy thu phát thông thường. Gần như cùng lúc, một chuyên viên quân sự khác của Mỹ cũng có trải nghiệm tương tự khi tình cờ nghe được một cuộc hội thoại dường như bắt nguồn từ Spaso House. Tòa nhà lại một lần nữa bị xới tung lên song kết quả vẫn là “zero”.

Năm 1952, học giả nổi tiếng George Kennan – người đề xuất chính sách kiềm chế Liên Xô (the containment of Soviet expansion) – được bổ nhiệm làm Đại sứ Mỹ tại Moscow. Trước khi ông này dọn đến Spaso House, người Nga cho tân trang nội thất bên trong ngôi nhà mà không có sự giám sát của các nhân sự Mỹ. Lo ngại bị đặt thiết bị nghe lén, Kennan đã yêu cầu cho sử dụng những công nghệ phát hiện theo dõi tối tân nhất để quét ngôi nhà nhưng vẫn không tìm thấy gì.

Tháng 9/1952, hai chuyên gia kỹ thuật kỳ cựu John Ford và Joseph Bezjian lại được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cử đến Moscow. Họ đã dành thời gian lùng sục khắp mọi ngóc ngách của ngôi nhà nhưng vẫn vô ích. Bezjian bèn gợi ý Kennan hãy thử để kẻ nghe trộm bắt được thông tin nào đó.

Vào một buổi tối, Kennan gọi cho thư ký và đọc đi một công hàm ngoại giao đã được giải mật từ trước, trong lúc Ford và Bezjian đi kiểm tra nhằm phát hiện dấu hiệu của hoạt động truyền tin. Bezjian bỗng hướng sự chú ý của mình tới một góc trong căn phòng, nơi đặt thiết bị thu radio ngay bên dưới bức chạm Đại Ấn. Anh bước tới tháo nó xuống, tay cầm một cái búa và bắt đầu, trước sự bối rối và kinh ngạc của Kennan, nện mạnh vào mảng tường, và sau đó, như chưa thỏa mãn, trút mọi bực tức lên chính bức chạm. Người Bezjian run lên vì phấn khích khi lấy ra từ trong đống gạch và gỗ vụn một thứ gì đó có kích thước không lớn hơn đầu bút chì là mấy. Anh quả quyết bên trong nó có gắn bộ phận nhận và gửi tín hiệu, được kích hoạt bằng tác nhân điện tử bên ngoài tòa nhà. Sáng hôm sau, Bezjian mang thẳng nó về Washington DC để mổ xẻ.

“Thiết bị nghe trộm này quả là một thành tựu công nghệ tuyệt vời”, Kennan viết như vậy trong hồi ký của mình về sau. Bất chấp tính nghiêm trọng của vụ việc, ông vẫn tìm thấy trong đó sự hài hước. Kennan kể khi mới chân ướt chân ráo chuyển đến Spaso House, ông vẫn thường cố gắng luyện tập tiếng Nga mỗi tối bằng cách đọc to các nội dung trên VOA (Đài Tiếng nói Hoa Kỳ).

“Tôi thường tự hỏi: Không hiểu những kẻ nghe lén, khi chộp được các nội dung chống Liên Xô bằng thứ tiếng Nga ngây ngô phát đi từ miệng tôi, thì họ đã nghĩ gì? Rằng ai đang ở cùng tôi hay tôi đang cố giễu cợt họ”, Kennan viết.