Đối phó với những tên khốn tài ba giới thiệu một nguyên tắc sống còn giúp các doanh nghiệp/tổ chức xây dựng môi trường làm việc tin cậy, đoàn kết, đồng thời hiệu quả.

Cuốn sách được bình chọn ‘Bán chạy nhất’ bởi The New York Times, Wall Street Journal và BusinessWeek.
Cuốn sách được bình chọn ‘Bán chạy nhất’ bởi The New York Times, Wall Street Journal và BusinessWeek.

Tác giả cuốn sách, Robert I. Sutton, là Giáo sư tại Đại học Stanford, được BusinessWeek xếp hạng là một trong những giáo sư có ảnh hưởng đến tư tưởng kinh doanh đương đại.

Nói về cuốn sách, GS Robert bày tỏ, trong công việc và cuộc sống, ông và nhiều người đã không ít lần chạm trán với những kẻ nhỏ nhen, xu nịnh, xảo trá, thích gây hấn, chuyên quyền hoặc ích kỷ… mà ông gọi chung là những “tên khốn”. Không chỉ gây ra sự khó chịu đối với đồng nghiệp, cấp dưới, những tên khốn này còn phá hoại hiệu suất của tổ chức hoặc doanh nghiệp.

Thoạt tiên, Robert Sutton không định viết cuốn sách này. Một lần, khi biên tập viên cấp cao của Harvard Business Review (HBR) hỏi xin gợi ý về “những ý tưởng đột phá thường niên” của HBR, ông nói rằng phương pháp kinh doanh hay nhất mà ông biết là “nguyên tắc nói không với những tên khốn”. Nhưng ông cho rằng HBR quá đứng đắn, cao sang - chính xác là quá câu nệ - hẳn sẽ không chấp nhận để những từ khiếm nhã đó xuất hiện trên trang báo của mình.

Thực tế, HBR không chỉ đăng nguyên văn nguyên tắc mà Robert nêu ra trong một tiểu luận ở chuyên mục “ Ý tưởng đột phá” vào tháng 2/2004; từ “lũ khốn” thậm chí còn xuất hiện tổng cộng 8 lần trong bài viết. Bản thân tác giả nhận được hàng tá email phản hồi, chia sẻ đồng cảm về bài viết - điều mà Robert chưa từng trải qua khi viết bài cho HBR trong suốt nhiều năm.

Tiểu luận của ông sau đó đã khơi mào cho nhiều báo cáo, tường thuật và phỏng vấn về nguyên tắc “nói không” này trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Và GS Robert cuối cùng bị thuyết phục phải viết cuốn sách Đối phó với những tên khốn tài ba.

Trong chương đầu của cuốn sách, tác giả giới thiệu với độc giả các khái niệm “tên khốn nhất thời”, “tên khốn a dua”, “tên khốn chính hiệu” cùng đặc điểm của họ cũng như 12 trò bẩn mà họ thường làm. Ông thẳng thắn thừa nhận, mỗi người đều có nguy cơ hành động như “tên khốn nhất thời”, “tên khốn a dua” trong những hoàn cảnh sai lầm, khi phải chịu áp lực hoặc ở trong môi trường làm việc khuyến khích mọi người - đặc biệt là những người suất sắc nhất, quyền lực nhất - hành động theo kiểu đó.

Nhưng đáng nói hơn cả là những “tên khốn chính hiệu” hay những “tên khốn tài ba”. Đó có thể là những CEO, giám đốc/ trưởng một chi nhánh/ bộ phận hoặc một người có năng lực, tự cho mình là “trên cơ” và có quyền coi thường, chèn ép người khác. Họ khiến những người xung quanh luôn cảm thấy bị xem thường, hạ thấp, nhụt chí, nói chung là cảm thấy tồi tệ hơn về bản thân.

Nhiều doanh nghiệp/tổ chức mặc dù biết rõ mười mươi về những tên khốn chính hiệu này nhưng vì lụy năng lực làm việc của họ nên vẫn “mắt nhắm mắt mở” dung túng. Tuy nhiên, với nhiều bằng chứng thuyết phục, GS Robert Sutton đã chỉ ra rằng, quyết định dung túng là sai lầm, bởi vì lợi ích mà những “tên khốn” mang lại nhỏ hơn rất nhiều so với sự phá hoại mà họ đem đến: làm giảm sút năng suất lao động, tính đổi mới sáng tạo, tinh thần hợp tác, sự “hết mình” của nhân sự... - nói chung là kìm hãm sự phát triển của tổ chức/doanh nghiệp.

Có rất nhiều tổ chức/doanh nghiệp nằm trong danh sách “100 nơi làm việc tốt nhất thế giới” như Google, Intel, đã khẳng định “nói không với những tên khốn” chính là nguyên tắc sống còn để xây dựng một môi trường làm việc văn minh đồng thời hiệu quả nhất.

Google “không dung thứ cho tình trạng lũ khốn lộng hành”, thường xuyên tiến hành sàng lọc nhân sự trong các khâu tuyển dụng, đánh giá hiệu suất và những kẻ ti tiện khó vượt qua được các cửa ải này. Tại Intel, nhà sản xuất vật liệu công nghệ bán dẫn lớn nhất thế giới, toàn bộ nhân viên toàn thời gian đều được huấn luyện về “kỹ thuật đối đầu mang tính xây dựng” - một nét đặc biệt trong văn hóa công ty. Các lãnh đạo và huấn luyện viên của Tập đoàn luôn nhấn mạnh hệ lụy sẽ xảy ra khi “lũ khốn chiến thắng”: chỉ có kẻ lớn tiếng, mạnh miệng nhất mới được lắng nghe; không có quan điểm đa chiều; giao tiếp nghèo nàn; áp lực cao; năng suất thấp; mọi người phải chấp nhận sống chung với thói ti tiện, sau đó rời bỏ công ty; sự đổi mới sáng tạo bị giết chết... Men’s Wearhouse, doanh nghiệp kinh doanh com-plê thành công nhất tại Mỹ, cũng cho biết: tổng doanh thu của hệ thống cửa hàng đã tăng 30% sau khi họ sa thải những nhân viên kinh doanh suất sắc nhất nhưng “khốn kiếp”...

Điều giá trị nhất ở cuốn sách của GS Robert chính là những chứng cứ, lập luận vững vàng mà tác giả đưa ra để chứng minh rằng môi trường làm việc tử tế không phải là giấc mộng, mà hoàn toàn có thể trở thành hiện thực khi một đội nhóm hay tổ chức được quản lý theo phương pháp đúng đắn như “nói không với lũ khốn”. Theo ông, việc loại bỏ một vài, thậm chí hàng chục tên khốn tài ba, trong một tổ chức/doanh nghiệp không hề gây ra sự xáo trộn kinh khủng nào như nhiều người vẫn lo sợ; trái lại, nó mang đến những chuyển biến tích cực đến bất ngờ. Không chỉ thuyết phục người đọc tin vào các lập luận của mình, GS Robert còn gợi ý những bước đi cụ thể nhằm xây dựng văn hóa lành mạnh, tin cậy, đoàn kết, và sáng tạo trong một doanh nghiệp/tổ chức. Bình luận về cuốn sách, diễn giả nổi tiếng, cố vấn về chiến lược đổi mới sáng tạo Chunka Mui nói: “Hãy quên các quy tắc làm việc nơi công sở đi, ‘Đối phó với những tên khốn tài ba’ mới chính xác là cuốn sách bạn cần đến, để có thể xây dựng được một nơi làm việc văn minh, hoặc có thể tồn tại được nếu chẳng may bạn rơi vào ‘cái hố’ như thế. Một cuốn sách rất đáng đọc với những quy tắc rất đáng để tuân theo.”