Hơn 400 hiện vật cổ gồm một số thuộc hàng báu vật của Việt Nam như ấn vàng của Vua Minh Mạng hay trống đồng Đông Sơn đang có sứ mệnh “kể” cho người Đức câu chuyện về lịch sử lâu đời của Việt Nam.
>>
Chào xuân Đinh Dậu 2017: Khát vọng cất cánhDự án hợp tác về văn hóa lịch sử chưa từng có giữa hai nước diễn ra sau nhiều năm chuẩn bị và các báu vật khảo cổ học Việt Nam sẽ được trưng bày trong suốt 3 năm tại Đức - kéo dài từ tháng 10/2016 đến 1/2018, tại các thành phố Herne, Mannheim và Chemnitz.
Tiến sĩ Andreas Reinecke - Giám đốc Bảo tàng LWL Herne - giới thiệu về cuộc trưng bày đặc biệt “Những báu vật của khảo cổ học Việt Nam” trong ngày khai mạc 7/10/2016. Đây là lần đầu tiên một số lượng lớn bảo vật Việt Nam được đưa ra nước ngoài trưng bày, với sự tham gia của nhiều đơn vị như Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội… Ảnh: LWL/K. Burgemeister
Một hiện vật có kích thước khá nhỏ thời sơ sử tại Việt Nam thu hút sự quan tâm của giới báo chí Đức. Ảnh: Frank Diaper/Stadt Herne
Mô hình một đền tháp Chăm Pa có tỷ lệ kích thước 1:1 (chiều cao 8 mét và rộng 5 mét) cũng được dựng trong Bảo tàng LWL Herne. Ảnh: LWL/Burgemeister
Các cổ vật Việt Nam được giới thiệu theo một số chủ đề chính như thời tiền sử, thánh địa Mỹ Sơn hay Hoàng thành Thăng Long. Để sự kiện này diễn ra, Việt Khảo cổ học Đức và Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam đã trao đổi nghiệp vụ từ năm 2011 với nhiều công việc chuẩn bị công phu và phức tạp. Ảnh: LWL/S. Brentfuhrer
Khu vực trưng bày về các hiện vật đến từ khu di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam) - vốn là một tổ hợp các đền đài và lăng mộ của nền văn hóa Chăm Pa ở Việt Nam, từng có vai trò như một trong những trung tâm Ấn Độ giáo lớn của Đông Nam Á. Ảnh: Frank Diaper/Stadt Herne
Hiện vật hình chim phượng bằng đất nung thời Lý (thế kỷ 11-12), đồ án trang trí đầu mái được khai quật ở khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Giá trị của di tích này là chiều dài lịch sử văn hóa suốt 13 thế kỷ, tính liên tục của di sản với tư cách là một trung tâm quyền lực và các tầng di vật phong phú. Ảnh: LWL/Binh
Sư tử đá - một trong những hiện vật quý của khu di tích Mỹ Sơn - được đưa sang triển lãm. Du khách Đức nói riêng và du khách châu Âu nói chung rất quan tâm đến loại hình du lịch di sản và thánh địa Mỹ Sơn là một trong những điểm thu hút nhiều du khách nước ngoài nhất tại khu vực miền trung Việt Nam. Ảnh: LWL/Binh
Báu vật trống đồng Đông Sơn - một trong những “ngôi sao” của cuộc trưng bày. Trước khi triển lãm diễn ra, nhiều lượt chuyên gia từ Việt Nam đã sang Đức để tìm hiểu, khảo sát các địa điểm sẽ triển lãm cổ vật. Ảnh: LWL/S. Brentfuhrer
Nậm rượu hình chim phượng - cổ vật độc bản bằng gốm Chu Đậu được tìm thấy trong con tàu đắm ở Cù Lao Chàm - cũng có mặt trên đất Đức. Cuộc trưng bày không chỉ đơn thuần là chương trình trao đổi văn hóa giữa hai nước mà còn là cơ hội để người dân Đức hiểu hơn về lịch sử, đất nước và con người Việt Nam theo tiến trình lịch sử đầy đủ. Ảnh: LWL/Binh
Nhân viên bảo tàng Đức nâng niu chiếc ấn bằng vàng khối của Vua Minh Mạng triều Nguyễn - hiện vật có giá trị bậc nhất trong số các báu vật Việt Nam được trưng bày lần này. Sau thành phố Herne, các báu vật khảo cổ học Việt Nam sẽ tiếp tục du hành tới Bảo tàng Reiss Engelhorn (Mannheim) và Bảo tàng khảo cổ học quốc gia (Chemnitz), trước khi trở lại Việt Nam vào đầu năm 2018. Ảnh: Bild/Roland Weihrauch
Đức Anh