Ngày 30/4, tại công viên Tứ Tượng, thành phố Huế, lần đầu tiên Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) - Việt Nam phối hợp Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên-Huế tổ chức triển lãm về sao la.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ hưởng ứng Festival Huế 2016 và hướng tới kỷ niệm Ngày Sao la quốc tế đầu tiên được tổ chức vào ngày 9/7 trong năm nay.

Ông Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết triển lãm được đặt trong một không gian rộng giữa thiên nhiên với nhiều thông tin thú vị về sao la và sự đa dạng sinh học của Thừa Thiên-Huế.

Đặc biệt, người xem lần đầu tiên được nhìn thấy hình ảnh mô phỏng thực của sao la, tìm hiểu những mối đe dọa và các biện pháp khoa học WWF và Chi cục Kiểm lâm thực hiện nhằm bảo tồn loài này.

Triển lãm là dịp để khơi dậy niềm tự hào và tình yêu của người dân với sao la, một loài thú thời cổ đại duy nhất được tìm thấy tại dãy Trường Sơn. Tuy nhiên, loài này đang ở bên bờ vực tuyệt chủng, cần sự chung tay để bảo vệ.

Sao la (Pseudoryx nghetinhensis) - loài thú cổ đại được cho là bí ẩn nhất trên thế giới, sinh sống chủ yếu tại vùng rừng núi hẻo lánh thuộc Trung Trường Sơn Việt Nam và Nam Lào, khu vực rừng đầu nguồn các con sông với ghềnh đá nhiều hang hốc.

Loài vật này được coi là báu vật thiên nhiên còn sót lại cùng thời với các loài thú khác trong quá trình tiến hóa của mình tại vùng rừng núi hẻo lánh của dãy Trường Sơn.

Sao la có cặp sừng thon dài với những sọc trắng nổi bật trên mặt; thức ăn chính của sao la là môn thục, thiên niên kiện. Năm 1992, lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện được loài này tại tại Vườn quốc gia Vũ Quang, Hà Tĩnh.

Triển lãm kết thúc vào ngày 2/5./.