Một lý do khiến chính quyền Trung Quốc phải tìm cách kiểm soát chặt chẽ khu tự trị Nội Mông (không cho hợp nhất với Ngoại Mông hay Mông Cổ ngày nay) là bởi nơi này quá giàu tài nguyên thiên nhiên, nhất là đất hiếm – quân bài chiến lược của Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh với Mỹ và các đồng minh phương Tây.
17 nguyên tố có trong đất hiếm đang đóng vai trò cực kỳ thiết yếu đối với rất nhiều công nghệ và thiết bị hiện đại mà con người hiện sử dụng hằng ngày như điện thoại thông minh, laptop, camera, pin sạc, xe điện, xe hybrid, thiết bị truyền hình, … Đất hiếm thường được dùng làm chất xúc tác, huỳnh quang hoặc đánh bóng trong quy trình chế tạo. Chúng cũng xuất hiện trong ống nhòm nhìn xuyên đêm, các loại vũ khí chính xác cao, thiết bị truyền thông, hệ thống GPS, laser, radar và định vị bằng sonar, … Đất hiếm có nhiều thuộc tính điện từ lý tưởng để làm thành các chi tiết nhỏ gọn nhưng không kém phần mạnh mẽ. Một ví dụ nổi bật là nam châm nê-ô-đim (neodymium magnet) mang lại hiệu suất vượt trội hơn nhiều so với nam châm phe-rít (ferrite magnet) cho dù kích thước nhỏ hơn, mà nếu không có nó chúng ta sẽ không thể làm được motor quay (spindle motor) trong ổ đĩa cứng, bộ tạo rung (vibrator) trong smartphone hay loa cực nhỏ trong tai nghe. Nhu cầu đất hiếm hằng năm của thế giới không quá lớn, song chúng lại là thành phần gần như không thể thay thế, giống như “gia vị hoặc vitamin vậy”, nhà nghiên cứu Elisabeth Berry Drago của Viện Nghiên cứu Lịch sử khoa học ví von.
Bất chấp tên gọi, đất hiếm thực ra không quá khan hiếm. Chẳng hạn Cerium (Ce), một nguyên tố trong đất hiếm được xếp phổ biến thứ 25 trên Trái đất và còn hơn cả Đồng (Cu). Ngay cả Thulium (Tm) và Lutetium (Lu), hai nguyên tố “hiếm nhất” trong đất hiếm, cũng nhiều hơn vàng tới 200 lần. Tuy nhiên, các kim loại này lại rất khó khai thác do chúng thường bị lẫn với nhiều thành phần khác ở mật độ cao, đòi hỏi công nghệ phức tạp và chi phí trích xuất (tách) rất lớn.
Trung Quốc hiện đang chiếm gần 97% sản lượng đất hiếm dùng trong các ngành công nghiệp của toàn thế giới, trong đó gần 2/3 tới từ khu vực Nội Mông với Bạch Vân Ngạc Bác là mỏ lớn nhất thế giới. Chính nguồn tài nguyên này đã đóng vai trò cực kỳ quan trọng vào sự phát triển như vũ bão của ngành công nghiệp chế tạo Trung Quốc trong ba thập niên vừa qua. Khoảng 10 năm trở lại đây, Trung Quốc bắt đầu cắt giảm lượng đất hiếm xuất khẩu sang các nước khác, với lý do để bảo vệ môi trường và kiểm soát tình trạng khai thác bừa bãi, nhưng thực chất là để làm khó đối khủ cạnh tranh. Trên thực tế, tình trạng ô nhiễm tại thành phố Bao Đầu – nằm cách Bạch Vân Ngạc Bác 120 km về phía Nam, nơi sinh sống của gần 2,6 triệu dân – là cực kỳ nghiêm trọng.
Phóng viên Tim Maughan của BBC đã từng mô tả về một hồ nước nhân tạo chứa đầy bùn đen dạng lỏng và cực kỳ độc hại: “Hàng chục ống dẫn dọc bờ đã đổ xuống hồ những dòng chất thải đen đặc từ các nhà máy tinh chế đất hiếm xung quanh. Mùi lưu huỳnh và tiếng ồn đã xâm chiếm hết các giác quan của tôi, cảm giác không khác gì địa ngục trần gian.” Báo cáo của Maughan còn cho biết thêm: “Tại Bao Đầu cũng có nhiều nhà máy nhiệt điện than nằm ngay sát các tháp căn hộ mới xây. Ở đây bạn sẽ dễ dàng bắt gặp, xen giữa các khối tháp mới hoàn thành một nửa và những bãi đậu xe nhiều tầng được xây vội vã là cả một rừng tháp tinh chế với ngọn lửa cháy rực trên nóc và vô số cột điện. Không khí nồng nặc mùi lưu huỳnh. Đó chính là cảnh quan đặc trưng của thời công nghiệp hóa mà cả Mỹ lẫn châu Âu đều muốn lãng quên.”
Trước khi các nhà máy được xây dựng, nơi đây đã từng có những cánh đồng trải rộng ra xa tận phía chân trời. Thật khó tin nơi chứa đầy bùn và phóng xạ này đã từng xum xuê dưa hấu, cà tím, cà chua … Li Guirong – Bí thư Đảng ủy và là một trong số ít cư dân tại địa phương dám lên tiếng – hồi tưởng. Khu mỏ bắt đầu hoạt động từ những năm 1958 và đến cuối thập niên 1980 thì bắt đầu gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho mùa màng ở các làng lân cận. Li nói: “Cây cối phát triển rất tệ, có thể vẫn ra hoa nhưng không có quả, hoặc quả nhỏ và cho mùi vị khủng khiếp. Mười năm sau, không còn ai trồng rau nữa bởi không khí tràn ngập bụi than và axit sulfuric (H2SO4), còn các chất độc hại bão hòa thì ngấm dần vào đất và nguồn nước ngầm.”
WTO đã nhiều lần bày tỏ mối quan ngại về sự độc quyền và các chính sách hạn chế thương mại tự áp đặt của Trung Quốc đối với mặt hàng đất hiếm. Nhiều quốc gia công nghiệp khác đang cố gắng tìm kiếm nguồn cung thay thế tại Úc, châu Âu, Bắc và Nam Mỹ, châu Phi hay cả Việt Nam. Những năm 1990, khi Trung Quốc đẩy mạnh khai thác và bán phá giá đất hiếm, một số khu mỏ trên thế giới đã phải ngừng hoạt động vì thua lỗ, cho nên có lẽ sẽ mất vài năm để khởi động lại hoạt động sản xuất. Ngoài ra còn một lựa chọn khác là tái chế rác thải điện tử. Theo một báo cáo, chỉ riêng tại Nhật Bản đã có khoảng 300 ngàn tấn đất hiếm tồn tại trong các thiết bị điện tử không còn sử dụng.
Điều trớ trêu là mặc dù đang kiểm soát thị trường đất hiếm nhưng Trung Quốc cũng chỉ chiếm hơn 30% trữ lượng của thế giới. Các nước khác thực ra là chỉ quá lo lắng về tình trạng ô nhiễm môi trường. Tại miền Trung Tây Ban Nha, các nhà đầu tư đang đề xuất khởi động một dự án khai thác đất hiếm – theo kỳ vọng có thể cung cấp gần 1/3 nhu cầu hằng năm của cả châu Âu, tuy nhiên đã bị chính quyền địa phương yêu cầu ngừng lại vô thời hạn do vấp phải sự phản đối của các tổ chức xã hội – môi trường. Song ở Trung Quốc, môi trường chỉ chiếm vị trí thứ yếu mà thôi.