Mục tiêu của cả Liên Xô và Hoa Kỳ trong chiến tranh lạnh đều giống nhau: đó là chứng mình con người cũng có thể sống sót trong không gian giống như động vật. Thế nhưng tại sao Liên Xô sử dụng những chú chó còn Hoa Kỳ lại lựa chọn tinh tinh (hay các loài động vật linh trưởng khác) để thử nghiệm?

Quá trình huấn luyện quá mệt mỏi và khắc nghiệt đã khiến chú chó Bobik bỏ trốn một ngày trước chuyến bay của mình. Các nhà nghiên cứu tại Viện Y học Hàng không ở Moscow đã phải gấp rút tìm đối tượng mới để thay thế và đó là một chú chó hoang trên đường phố. Họ đặt tên cho nó là ZIB, từ viết tắt tiếng Nga mang ý nghĩa “thay thế cho Bobik bị mất tích”. ZIB sau đó đã được đưa vào bên trong khoang chứa tàu không gian và phóng đến rìa của vũ trụ. Và nó đã trở lại an toàn.

Chuyến bay lịch sử này diễn ra vào tháng 9 năm 1951, khi Liên bang Xô viết đang phát triển một chương trình đưa con người bay vào quỹ đạo và những chú chó đã được lựa chọn để trở thành đối tượng thử nghiệm. Cùng lúc đó, ở một nơi khác trên thế giới, Hoa Kỳ cũng đang tiến hành những nghiên cứu y sinh tương tự trên động vật linh trưởng, bao gồm khỉ và tinh tinh.

Trong toàn bộ lịch sử của mình, loài người đã sống ở bên dưới một “tấm bạt” được gọi là bầu khí quyển - lớp khí ngăn cách và bảo vệ cho sự an toàn của chúng ta khỏi những tác nhân bên ngoài vũ trụ. Bởi vậy, không ai biết được rằng liệu cơ thể con người sẽ phản ứng như thế nào nếu ở trong môi trường không trọng lực. Một số nhà vật lý đã cho rằng những chức năng cơ bản như khả năng nuốt và quá trình bơm máu tới tim sẽ không thể thực hiện được nếu không có lực hút của trọng lực.

“Hiện nay chúng ta coi việc con người và động vật có thể sống trong không gian là điều hiển nhiên nhưng vào thời điểm đó, chưa ai biết trước được điều gì cả”, bác sỹ thú y người Mỹ Bill Britz, người theo dõi chú tinh tinh bay vào không gian năm 1960 cho biết.

Mục tiêu của cả Liên Xô và Hoa Kỳ trong chiến tranh lạnh đều giống nhau: đó là chứng mình con người cũng có thể sống sót trong không gian giống như động vật. Thế nhưng tại sao Liên Xô sử dụng những chú chó còn Hoa Kỳ lại lựa chọn tinh tinh (hay các loài động vật linh trưởng khác) để thử nghiệm?

Chú tinh tinh Ham bên cạnh bác sỹ thú y Bill Britz (bên phải, mặc áo trắng) năm 1961. Ảnh: NASA.

Câu chuyện của chú chó ZIB đã cho thấy một lý do thực tế: đó là chó hoang có ở khắp mọi nơi, tràn ngập các đường phố ở Moscow.

Giáo sư lịch sử Amy Nelson ở Virginia Tech - người đã nghiên cứu về những chú chó “du hành vũ trụ” của Liên Xô cho biết - nước này cũng đã có truyền thống sử dụng chó trong nghiên cứu từ trước đó. Vào thời điểm chuyển giao thế kỷ XX, nghiên cứu của Ivan Pavlov với loài chó đã khám phá ra một quá trình học tập được gọi là điều kiện hóa cổ điển (classical conditioning) - một hành vi phản xạ liên kết một kích thích với một phản ứng. Pavlov đã nghiên cứu về sự tiêu hóa của loài động vật này khi ông phát hiện ra rằng chú chó của mình đã chảy nước dãi thậm chí trước cả khi ông đưa thức ăn cho nó.

Khác với chó, rất khó để kiếm động vật linh trưởng cho nghiên cứu. Ông Britz cho biết, những con tinh tinh đã phải được đưa về từ Congo, châu Phi. Lực lượng không quân Hoa Kỳ đã trả tiền cho những người săn bắt ở các quốc gia châu Phi để có được những con tinh tinh con. Và rất nhiều trong số chúng ở trong tình trạng sức khỏe tồi tệ khi được đưa đến trụ sở chính của chương trình - căn cứ không quân Holloman ở New Mexico. 8 trong số 9 bác sỹ thú y cũng đã bị lây phải căn bệnh viêm gan từ chúng.

Những con tinh tinh được khoảng từ 1 đến 2 tuổi. “Chúng như những đứa trẻ con vậy, chúng tôi đã chơi đùa cùng với chúng”, ông Britz chia sẻ. Ông còn nhớ về một lần, một con tinh tinh đã tự mở ổ khóa để thoát ra khỏi lồng và giúp những con khác mở cửa. Chúng đã chạy nhảy xung quanh phòng thí nghiệm, bật tắt công tắc đèn và kéo từng chiếc khăn lau hóa chất ra khỏi nơi chứa đựng.

Các nhà khoa học Mỹ đã chọn động vật linh trưởng để thử nghiệm bởi theo các nhà sử học và các bác sỹ thú y, chúng có sự tương đồng về mặt thể chất đối với con người. Thêm vào đó, đây còn là loại vật có trí thông minh. Các nhà nghiên cứu đã dạy những con tinh tinh cách thực hiện một số nhiệm vụ đơn giản trong suốt chuyến bay nhằm tìm hiểu một ẩn số quan trọng: liệu việc duy trì sự tỉnh táo và khả năng hoạt động bình thường của cơ thể trong một môi trường không trọng lực có khả thi?

Để kiểm tra điều này, những con tinh tinh được hướng dẫn để đẩy các đòn bẩy theo một trình tự nhất định, dựa theo các ánh đèn nhấp nháy. Chúng sẽ bị sốc điện nhẹ ở chân nếu làm sai và được thưởng những viên chuối nếu làm đúng. Trong các chuyến bay ngắn, những con tinh tinh sẽ phải điều khiển các đòn bầy từ khi khởi hành đến khi quay lại.

Trong khi đó, những chú chó thì không có khả năng thực hiện được các nhiệm vụ trên, nhưng Liên Xô không lo ngại về điều này bởi các phi thuyền của họ có thể được điều khiển từ xa. Chiếc phi thuyền của Liên Xô chở Yuri Gagarin, người đầu tiên đi vào không gian, được trang bị khả năng kích hoạt và kiểm soát từ mặt đất. Trong khi đó, Alan Shepard, người Mỹ đầu tiên đạt được dấu mốc này lại phải điều khiển hàng chục nút, công tắc và đòn bẩy trong phi thuyền của mình.

Tuy nhiên, theo giáo sư Nelson, Liên Xô cũng đã từng cân nhắc sử dụng động vật linh trưởng, đặc biệt là khỉ trong việc thử nghiệm. Họ đã đi đến các rạp xiếc và tìm hiểu xem liệu những con khỉ sẽ phản ứng như thế nào nếu được đưa vào bên trong một chiếc tên lửa. “Những người huấn luyện khỉ cho biết chúng có tính khí thất thường, rất dễ bị kích động và sẽ không chịu nỗi áp lực của cuộc thí nghiệm”, Nelson nói.

Ở cả hai quốc gia, quá trình huấn luyện những con vật diễn ra vô cùng khắc nghiệt và có thể bị coi là lạm dụng động vật so với thời điểm hiện nay. Những chú chó của Liên Xô bị nhốt trong những chiếc thùng nhỏ nhiều giờ đồng hồ để mô phỏng sự giam cầm khi ở trong chuyến bay trên không gian. Chúng cũng bị cho tiếp xúc với những tiếng ồn lớn và quay tròn trong máy ly tâm để làm quen với sự khắc nghiệt bên trong tàu vũ trụ từ khi phóng đến khi hạ cánh. Về phía Hoa Kỳ, những con linh trưởng cũng phải chịu đựng những trải nghiệm tương tự.

6 con khỉ rhesus macaques đầu tiên đã chết vì ngạt thở hoặc do sự va chạm và các vụ nổ trong những chuyến bay thử nghiệm của người Mỹ vào năm 1948. Đến đầu những năm 1960, tình hình đã có sự cải thiện. Bác sỹ Britz cho biết Ham - chú tinh tinh đầu tiên bay không gian và trở về an toàn “đã ở trong một trạng thái tuyệt vời”. Ham sau đó đã tiếp tục sống ở vườn thú cho đến khi qua đời vào năm 1983. Còn Enos, chú tinh tinh thứ hai và cuối cùng được đưa vào vũ trụ, cũng sống sót sau chuyến bay. Dù Enos qua đời vài tháng sau đó vì bị nhiễm khuẩn nhưng bác sỹ Britz cho biết điều này không hề liên quan đến chuyến bay vào không gian trước đó.

Còn ở Liên Xô, ký ức về những chú chó du hành vũ trụ được lưu giữ trên rất nhiều mặt hàng hiện nay, từ áo phông đến búp bê, nhưng ẩn phía sau đó là những sự thật kém đẹp đẽ hơn. Laika, cô chó đầu tiên bay ra ngoài không gian và hoàn thành một vòng quỹ đạo trái đất vào năm 1958, đã thở điên cuồng, nhịp tim tăng lên gấp 3 lần tốc độ bình thường và qua đời bởi sức nóng không lâu sau khi con tàu được phóng đi. Trước khi thực hiện chuyến bay, Liên Xô cũng đã biết trước rằng chiếc tàu vũ trụ này sẽ không thể quay lại một cách an toàn.

“Người Nga đã cảm thấy rất tệ về điều đó, đặc biệt là đối với Laika”, Cathy Lewis, người phụ trách bộ phận lịch sử - vũ trụ tại Bảo tàng Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Smithsonian nói. “Nhà nghiên cứu chính, Oleg Gazenko, người đã đưa Laika vào không gian, và hoàn toàn hiểu được rằng nó sẽ không thể quay về - nói rằng đó là một trong những điều mà ông ấy thực sự nuối tiếc trong sự nghiệp của mình”.

Liên Xô đã ngừng việc thử nghiệm với những chú chó trong những năm 1960, cùng khoảng thời gian mà Hoa Kỳ dừng chương trình thử nghiệm với linh trưởng. Bác sỹ Britz cho biết căn cứ Holloman đã huấn luyện đủ số tinh tinh cho hầu hết mỗi phi hành gia Mercury. Chú tinh tinh Ham là một sự thử nghiệm trước cho phi hành gia Sherpard và Enos là thử nghiệm cho phi hành gia John Glenn - người Mỹ đầu tiên bay vòng quanh hành tinh. Sau khi Glenn khởi hành và báo cáo về trải nghiệm tuyệt vời của mình trong môi trường không trọng lực, chương trình huấn luyện tinh tinh đã được hủy bỏ.

Sau đó, các nhà nghiên cứu đã chuyển sang một loài động vật khác mà khi ấy đang ngày càng trở thành đối tượng ưa thích cho các thí nghiệm nghiên cứu: đó là động vật gặm nhấm. Những sinh vật nhỏ bé này sẽ giúp trả lời các câu hỏi phức tạp hơn về chuyến bay vào vũ trụ, ví dụ như bức xạ trong không gian sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào. “Nếu một con vật có sự thay đổi, bạn sẽ không biết được rằng liệu điều đó có thực sự mang ý nghĩa khoa học hay không, nhưng nếu sự thay đổi ấy diễn ra ở 30 con chuột thì bạn sẽ có được một cái nhìn khá rõ ràng về nguyên nhân và tác động của nó”, bác sỹ thú ý Richard Simmonds - người làm việc ở NASA trong những năm đầu 1970 và theo dõi nhóm chuột được đưa lên mặt trăng trong chuyến Apollo 17 - cho biết. “Khi tôi tới đó, việc thử nghiệm đưa các con vật lên không gian chỉ để chứng minh sự an toàn của chuyến đi đã kết thúc”.

Ngày nay, các nhà khoa học vẫn tiếp tục gửi động vật vào không gian như những đối tượng nghiên cứu thay thế cho con người. Theo NASA, hiện tại đang có một số chú chuột sống ở Trạm Không gian Quốc tế và cùng các nhà du hành bay vòng quay trái đất.

Nguồn: https://www.theatlantic.com/science/archive/2019/08/space-race-dogs-chimpanzees-monkeys/597166/?