Sau chuyến đi một tháng đến Nam Kỳ cách đây 100 năm, Phạm Quỳnh mô tả Nam Kỳ như một nơi “đất mới” nên con người hăm hở về đường “tiến thủ”, không bận lòng nhớ cũ tiếc xưa, phiền xa buồn muộn. Trong khi đó, Hà Nội thì “đã già quá, cũ quá rồi, cái sức phát đạt hình như có hạn, không thể ra ngoài được nữa”.

Chợ Bến Thành, Sài Gòn thời thuộc địa.
Chợ Bến Thành, Sài Gòn thời thuộc địa.

Ngày 21-8-1918, Phạm Quỳnh, bấy giờ mới 26 tuổi và giữ chức chủ bút Nam Phong tạp chí vừa tròn năm, đã đi xe lửa từ Hà Nội xuống Hải Phòng để bắt đầu chuyến đi vào Nam Kỳ. Ngày 22-8, tàu Porthos nhổ neo rời cảng và bốn ngày sau, Phạm Quỳnh lần đầu tiên đặt chân lên Sài Gòn.

Ngay lập tức, dù vẫn chưa hết vương vấn Porthos, con “kềnh nghê” bằng gỗ sắt, Phạm Quỳnh đã cảm thấy thành phố này có “cảnh sắc một nơi thành phố Tây”, “một chốn đô hội lớn”.

Những quan sát và tiếp xúc sau đó mang đến cho vị lữ khách đất Bắc rất nhiều ngỡ ngàng, thích thú. Ông đá qua đại lộ Catinat và Charner, ông ngắm nghía khách sạn Đại lục (Hôtel Continental), ông dạo bước quanh những “dinh thự cùng các nhà công sở” và choáng ngợp trước vẻ đẹp của nhà “Xã Tây” (Hôtel de Ville)...

Không giấu được cảm xúc, Phạm Quỳnh, dù thú nhận chưa đi đâu ngoài nước, đã hào hứng so sánh Sài Gòn với Hương Cảng, Thượng Hải, Tân Ba Gia (Singapore) và dám chắc “cái vẻ chỉnh đốn sạch sẽ, mĩ miều khả ái, trơn tru mà xán lạn như hạt châu mới giũa” thì các thành phố đó “còn kém Sài Gòn nhiều”. Thật thú vị, Phạm Quỳnh cho biết, vào thời đó, Sài Gòn đã được gọi là “hạt báu của Á Đông” (la perle de l’Extrême-Orient), một mĩ từ giờ đây thường chỉ vang lên trong kí ức.

Nhưng, như một thao tác viết kí và cũng là một năng lực nhìn nhận, phân tích, Phạm Quỳnh chủ yếu so sánh Sài Gòn với Hà Nội, Nam Kỳ với Bắc Kỳ. Tinh thần so sánh này không phải để “lấy lòng” nơi chốn mới đặt chân mà cơ bản, để Phạm Quỳnh đánh thức những mối bận tâm, những viễn kiến và hành động trong việc canh tân, xây dựng các mô hình đô thị, kinh tế và văn hóa hiện đại.

Theo Phạm Quỳnh, Nam Kỳ là một nơi “đất mới” nên con người hăm hở về đường “tiến thủ”, không bận lòng nhớ cũ tiếc xưa, phiền xa buồn muộn. Trong khi đó, Hà Nội thì “đã già quá, cũ quá rồi, cái sức phát đạt hình như có hạn, không thể ra ngoài được nữa”. Ở Sài Gòn, từ cách thắp đèn điện cho đến cách đặt máy nước ở các nhà, cách tuần phòng vệ sinh trong phố xá đều “có tiến bộ hơn Hà thành ta cả”. Bởi thế, Phạm Quỳnh có ý nhắn nhủ “Hà Nội đã là thủ đô của Đông Dương thì về phần hình thức mới cũng không nên kém Sài Gòn mới là phải”.

Thực ra, chính Phạm Quỳnh cũng nhận thấy, để có một Sài Gòn và Nam Kỳ phát triển là nhờ vào nhiều điều kiện, trong đó có sự dấn thân của những nhà hoạt động, nhà báo, những người biết khai thác thuận lợi về mặt văn hóa xã hội để gây dựng một đời sống văn minh.

Trong các cuộc gặp gỡ, tao đàm với những Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phú Khai, Nguyễn Văn Cư hay một số “bạn hiền”, “tri kỉ” giấu tên, chủ bút Nam Phong nhận ra rằng, báo giới trong Nam Kỳ “thịnh lắm, phát đạt hơn ngoài Bắc nhiều”. Đấy là thời điểm nghề báo, nghề làm sách bùng nổ, trăm nhà đua tiếng, khiến dân trí mở mang, dân sinh cũng vì thế mà khởi sắc. Riêng về văn quốc ngữ, Phạm Quỳnh cho rằng “chưa được phát đạt lắm”. Lý do là bởi Nam kỳ rơi vào “cái tệ các tiểu thuyết dịch cũ của Tàu” trong khi sách vở sáng tác lại cách xa mục đích thúc đẩy phong hóa.

Khi bàn đến báo chí, quốc văn, quốc nghiệp cũng là lúc ngòi bút Phạm Quỳnh nung nấu và say mê nhất. Cuộc rong chơi Lục tỉnh cơ hồ chỉ đóng vai trò nguyên cớ để vị học giả tương lai bày tỏ chí khí, tuyên ngôn trong một tâm thế nhìn thấy cái hay cái dở của nhiều vấn đề then chốt lúc đó. Chẳng hạn, về vai trò của người làm báo và báo giới, Phạm Quỳnh khuyến nghị “nên đề xướng những chủ nghĩa hay để dìu dắt quốc dân vào con đường chánh đáng, đừng để cho sa lạc vào những ngõ ngách hiểm nghèo”.

Do không chấp nhận “dùng lời công luận” để công kích lẫn nhau, để “tranh ăn nói, giành lợi danh”, Phạm Quỳnh chủ trương nên dùng ngòi bút để tham gia vào công cuộc “trợ giáo” dân trí. Ngoài hệ thống giáo dục của nhà nước, Phạm Quỳnh còn tin cậy vào công giáo dục của báo giới, và thay vì chờ đợi giải pháp từ nhà nước, mỗi cây bút nên tự gánh một phần nghĩa vụ giáo hóa quốc dân bởi “bây giờ cần nhất cho dân ta chỉ có sự học, nhất thiết cái gì cũng phải học cả”.

Về vấn đề quốc văn và quốc ngữ, Phạm Quỳnh chỉ ra hai “cái nhược điểm to” mà cả An Nam đang đối mặt: thứ nhất, nhiều vị đồ nho do dự quá lâu trên nền học vấn cũ mà không bắt kịp đà tiến tất yếu của quốc ngữ; thứ hai, nhiều vị tân học chỉ trọng dụng tiếng Pháp mà “khinh rẻ tiếng An Nam”. Nếu không phá được hai nhược điểm đó, Phạm Quỳnh nhấn mạnh, sẽ gây hậu họa cho quốc văn nước nhà. Sau cùng, như một lời hiệu triệu, chủ bút Nam Phong mong chờ những người tài giỏi, sáng suốt sẽ theo đuổi “thuật phú quốc” mở mang kinh tế, “nước có giàu dân mới khôn được”.

Một trọng âm khác của thiên du kí này là mối e ngại thường trực của Phạm Quỳnh trước nạn “Khách trú” (người Hoa/người Tàu/”Chú”/”Chệt”) đang bao trùm các đô thị lớn. Phạm Quỳnh đã dẫn lại các con số: Hải Phòng có 8.991 Khách; Chợ Lớn có những 75.000 Khách với 4.873 người Minh Hương; Hà Nội có 3.377 Khách với 825 người Minh Hương; Sài Gòn có 22.079 Khách với 677 người Minh Hương. Ở đâu có Khách, ở đó có “phố Khách” ồn ào, kẻ đi người lại tấp nập, “ăn uống om sòm”. Nghiêm trọng hơn, Khách làm chủ và chi phối giao thương, thậm chí, như lời than thở của Phạm Quỳnh, “đến cái nghề buôn thần bán thánh An Nam nó cũng cướp nốt! Nó cướp mà nó khinh rẻ thần thánh mình”.

Sau Phạm Quỳnh, kí giả Đào Trinh Nhất vào năm 1924 cũng viết hẳn khảo cứu Thế lực Khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ. Có thể nói, tâm lí bài Hoa trong dân chúng đã nhận được cái gật đầu của nhiều trí thức lớn bấy giờ.

Thoạt tiên muốn du lịch, nhưng rút cuộc, một tháng ở Nam Kỳ lại khiến Phạm Quỳnh thêm nhiều trằn trọc, đau đáu. Chuyến đi lớn, theo nghĩa đó, không phải ở quãng đường, phương tiện hay nơi chốn, mà ở những gì được mở ra bất tận trong tâm trí người đi.