“Chắc chắc sẽ có một ‘sự bùng nổ trí thông minh’, và trí tuệ của loài người sẽ bị bỏ lại xa phía sau. Vì vậy, cỗ máy siêu thông minh đầu tiên sẽ là phát minh cuối cùng mà loài người từng tạo ra.”

Đây là những lời tiên tri từ năm 1965 của nhà toán học người Anh, IJ Good, người từng cộng tác với với Alan Turing giải bí ẩn máy mật mã Enigma của Đức Quốc Xã, và giúp phát triển chiếc máy tính điện tử đầu tiên.

Tác giả James Barrat cũng là nhà làm phim tư liệu và diễn giả.

“Phát minh cuối cùng” cũng là cụm từ mà gần 50 năm sau, tác giả James Barrat đã lấy lại để đặt tên cho cuốn sách của ông nhằm thảo luận về mối đe dọa đối với sinh tồn của loài Homo sapiens từ sự phát triển như vũ bão của AI (trí tuệ nhân tạo) trong thế kỉ 21.

“Tự cải thiện” trí thông minh trong vài chục giây

Vì AI là một khái niệm rất rộng, nên khoa học tạm chia AI thành 3 loại dựa vào năng lực.

AI hẹp (Artificial Narrow Intelligence - ASI) là loại chỉ tập trung vào một lĩnh vực cụ thể, và tồn tại tràn ngập trong đời sống hiện nay. AI hẹp giúp bạn chọn vé máy bay, khuyến nghị cuốn sách bạn nên mua, nhắc lịch họp của bạn trên ‘Smartphone’, chọn lọc tin tức cho bạn trên Facebook...

Loại AI hẹp này phần lớn hữu ích cho con người, và tác giả cũng không bàn quá nhiều về chúng trong cuốn sách. Cái khiến James Barrat phải dày công nghiên cứu, phỏng vấn các chuyên gia đầu ngành về AI và truyền tải những khái niệm công nghệ sao cho thật dễ hiểu với công chúng qua cuốn sách này nằm ở AI cấp độ 2 và 3.

AI toàn năng (Artificial General Intelligence - AGI) là cấp độ trí tuệ nhân tạo thứ hai. AI cấp độ người này không chỉ thực hiện một nhiệm vụ đơn lẻ, như đánh cờ, tìm kiếm, lái xe...mà có thể thực hiện bất kì chức năng nào con người làm được. Nó có thể lập kế hoạch, tư duy, suy luận và đáng sợ nhất là khả năng “tự cải thiện” trí thông minh của mình trong vài chục giây nhờ nhúng sâu vào kho tàng tri thức của loài người trên Internet, trong khi loài người có lẽ phải mất đến vài chục năm.


Và một khi đã vượt qua cấp độ 2, sự xuất hiện của AI siêu phàm (Artificial Superintelligence - ASI) là một kết cục không tránh khỏi và có khả năng đánh dấu sự chấm hết cho sự tồn tại của loài người. Một trí tuệ có năng lực tư duy gấp hàng tỷ con người gộp lại, liên tục học hỏi, liên tục cải tiến, và nguy hiểm nhất, rất có thể sẽ không đặt “sự tồn tại hay hạnh phúc của loài người” là ưu tiên số một của nó.

Bỏ lơ chúng ta như chúng ta đã bỏ lơ những con kiến

Chúng ta mất bao lâu nữa trước khi đạt đến AI cấp độ 2? Theo cuộc khảo sát với các chuyên gia hàng đầu về AI mà tác giả thực hiện, “họ nghĩ rằng có khả năng hơn 10% là AGI sẽ được tạo ra trước năm 2028, khả năng hơn 50% sẽ được tạo ra trước năm 2050. Và trước khi thế kỷ này kết thúc, thì khả năng là 90%”.

Khi AI có trí tuệ ngang con người được tạo ra thì khoảng cách từ AGI đến ASI sẽ là rất ngắn do sự bùng nổ trí thông minh. Như tác giả viết “Nếu chúng ta xây dựng cỗ máy có khả năng trí tuệ ngang một con người, chỉ trong vòng 5 năm, những phiên bản nối gót của nó sẽ thông minh hơn tất cả loài người gộp lại. Sau một hoặc hai thế hệ, chúng sẽ bỏ lơ con người. Giống hệt như cách mà bạn đang bỏ lơ những con kiến ở sân vườn vậy.”

Đó là lý do tác giả viết cuốn sách này. Tại sao một vấn đề nguy hiểm đến vậy lại không được thảo luận công khai để loài người có thể cùng nhau suy nghĩ về mối đe dọa cấp bách này trước khi chúng ta không có đường lùi? Đó cũng là lý do chúng ta cần nhiều hơn các cuốn sách như “Phát minh cuối cùng”, một chiếc cầu nối để các chuyên gia, tập đoàn công nghệ đang hoạt động trong lĩnh vực AI và công chúng hiểu và đối thoại vì lợi ích chung của loài người trong tương lai gần.