Maersk Mc-Kinney Moller (quốc tịch Đan Mạch) là một trong những tàu container lớn và tối tân nhất thế giới. Bên cạnh hàng chục vạn tấn hàng hóa đủ chủng loại, nó còn mang trên mình tinh thần của một người đàn ông kiệt xuất, cha đẻ của chủ nghĩa tư bản và nền kinh tế thị trường hiện đại.
Vĩ nhân đó chính là Adam Smith, nhà kinh tế chính trị học và triết gia đạo đức người Scotland. Trong tác phẩm kinh điển Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations (Tạm dịch: Truy tìm bản chất và nguồn gốc sự giàu có của các quốc gia; hay Quốc phú luận – bản dịch năm 1888 tại Nhật Bản thời Minh Trị) xuất bản năm 1776 (cùng năm với Cách mạng Mỹ) đặt nền móng cho kinh tế học hiện đại, ông viết: “Nhờ mở ra một thị trường rộng lớn hơn cho những sản phẩm của người lao động, chúng ta có thể khuyến khích họ cải thiện năng suất, nâng cao thu nhập và tích lũy sự giàu có cho xã hội.”
Quy mô thương mại thế giới “khổng lồ” như hiện tại là thứ đã từng rất khó được hình dung, dù chỉ cách đây vài thập niên. Các tàu vận tải đang ngày càng trở nên lớn hơn, chở hàng vạn container, đi từ cảng này sang cảng khác, và xu hướng này chắc chắn sẽ không ngừng lại. Nhưng từ hơn 200 năm trước, Smith đã tiên đoán được viễn cảnh đó. Ông lập luận: thị trường tự do cùng thương mại tự do sẽ kết nối những lục địa, và kết quả cuối cùng là thịnh vượng trên toàn cầu. Tư tưởng này hoàn toàn vượt xa sức ảnh hưởng bao trùm xã hội châu Âu thời Trung cổ của chủ nghĩa trọng thương và trọng nông. Ngoài ra, nó cũng không giành cho các vị vua và giới quý tộc, do Smith trên thực tế không hề có hảo cảm đối với thành phần được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi về thương mại; trái lại, ông hướng sự cảm thông của mình đến những người dân bình thường – bị bóc lột và lạm dụng qua hàng thế kỷ. Ông quả quyết mô hình kinh tế của mình sẽ tạo ra “sự giàu có đến với mọi tầng lớp, dù là thấp nhất trong xã hội”. Thật kỳ diệu khi từng ngóc ngách trên khắp hành tinh hôm nay hầu hết đều đã được kết nối, để mỗi ngày lại có thêm nhiều người gia nhập vào dòng chảy thương mại toàn cầu, và nhờ nó mà cuộc sống của hàng triệu người đang trở nên tốt đẹp hơn.
Trong số những vấn đề được Smith đặt ra, có một câu hỏi mà mọi chính quyền trên thế giới đều cần quan tâm. Đó là: Chính phủ có nên can thiệp vào hoạt động quản lý nền kinh tế, hay nhường lại vai trò đó cho "bàn tay vô hình" (invisible hand) tức "sức mạnh thị trường" (market power)? Liệu tự thân sức mạnh thị trường đã có công năng giúp xóa bỏ đói nghèo? Smith thật sự tin rằng “có”. Ông đã sống, quan sát và khảo nghiệm, chứng kiến đời sống của những người lao động bình thường ở Scotland được cải thiện, và quan trọng là cả người nghèo cũng dần trở nên khấm khá.
Hongkong chính là một câu chuyện thành công “mẫu mực” liên hệ đến tư duy của Smith. Ngoại trừ một thương cảng có vị trí quan trọng bậc nhất thế giới và rất ít đất nông nghiệp, nơi này hầu như không có tài nguyên; đã vậy còn tràn ngập người nghèo trong thập niên 1960 do làn sóng di dân từ Đại lục sau Nội chiến Quốc – Cộng (1949). Nhưng mọi thứ đã thay đổi, bên cạnh nỗ lực và sự chăm chỉ, đó còn là nhờ một người Scotland khác: Sir. John James Cowperthwaite (1915 – 2006), Bộ trưởng Tài chính Hongkong giai đoạn 1961 – 1971. Là học trò hâm mộ Adam Smith nhiệt thành, ông đã đem một lý thuyết đang bị xao nhãng (do sự nổi lên của chủ nghĩa Marx thời Hậu chiến) vào áp dụng thử nghiệm tại Hongkong, để xây dựng nên một chính quyền tương đối gọn nhẹ, ít tham nhũng, một hệ thống tư pháp độc lập (independent jurisdiction) và hiệu quả, tôn trọng quyền sở hữu tài sản cá nhân (individual property rights) và đề cao pháp trị (rule of law), bên cạnh một hệ thống thuế đơn giản với mức thuế suất rất thấp cho cả cá nhân lẫn doanh nghiệp (cụ thể, gánh nặng thuế má tại Hongkong chỉ bằng một nửa so với Mỹ). Kết quả là, trong nhiệm kỳ bộ trưởng của Cowperthwaite, lương thực tế tại Hongkong đã tăng hơn 50%, và GDP bình quân đầu người (sau khi điều chỉnh lạm phát) giai đoạn 1960 – 2014 tăng hơn 10 lần. Khó ai có thể tưởng tượng: dải đất lởm chởm toàn đá lại vươn lên trở thành một trong những vùng lãnh thổ thịnh vượng nhất thế giới, với GDP bình quân đầu người thậm chí còn cao hơn cả mẫu quốc Anh. Kỳ tích này chứng minh cho câu Right policies in place, change can come quickly (chính sách đúng sẽ mang đến thay đổi nhanh chóng).
Nhưng không chỉ khuyến khích theo đuổi sự giàu có nhờ tự do thương mại, Smith trước tiên còn là một triết gia đạo đức. Tác phẩm đầu tay của ông, cuốn The Theory of Moral Sentiments (Thuyết về các tình cảm luân lý) xuất bản năm 1759, được phát triển từ những suy tư của David Hume (1711 – 1776, bạn thân của Smith) trong A Treatise of Human Nature (Luận thuyết về bản chất con người, xuất bản năm 1740), đã đặt vấn đề về nguồn gốc của khả năng hình thành những phán xét luân lý, kể cả phán xét các hành vi của chính mình trong việc tư lợi và tự bảo tồn. Smith tin rằng luôn có một “con người bên trong” (an inner man) mỗi chúng ta, đóng vai trò khách quan không thiên vị, thường chấp nhận hoặc lên án các hành vi của chính ta và người khác. Từ đó, Smith cũng đưa ra một nhận xét trong Quốc phú luận: “Con người truy tầm lợi ích thường bị dẫn dắt bởi một bàn tay vô hình mà họ không hề hay biết, và cũng không do chủ đích, sẽ góp phần làm thăng tiến lợi ích của xã hội. Các cá nhân được xã hội hóa để trở thành những thành viên ràng buộc bởi giai cấp và theo khuynh hướng thị trường, mà nhờ đó cả hệ thống kinh tế vận hành.” Ông tin đạo đức mới chính là nền tảng cốt lõi và không thể tách rời khỏi thị trường. Nếu người kinh doanh, lao động, khách hàng càng thành thật, đạo đức và trách nhiệm, thì doanh nghiệp cùng xã hội sẽ càng phát triển trường tồn. Đó là căn nguyên làm nên sự thành công của những đế chế kinh doanh có lịch sử hàng trăm năm và sự thịnh vượng của những xã hội Âu Mỹ.
Có thể nói, tầm nhìn vượt thời đại của Adam Smith đã đóng góp đáng kể vào một bước nhảy vọt chưa từng có trên quy mô lớn về chất lượng cuộc sống của nhân loại trong suốt hàng ngàn năm. Nhà sử học Henry Thomas Buckle (1821 – 1862) đã nhận định trong cuốn History of Civilization (Lịch sử nền văn minh, xuất bản năm 1857), rằng có lẽ Quốc phú luận chính là tác phẩm quan trọng nhất từng được viết, nếu xét về tư tưởng căn bản chứa đựng trong đó hay về những ảnh hưởng thực tiễn. Cho đến tận hôm nay, nó vẫn rất toàn diện, đúng đắn và không kém phần quan trọng. Mặc dù nhân loại hãy còn cách xa cái gọi là tiến bộ hoàn hảo, nhưng tinh thần và tư duy của Smith thật sự đã làm thay đổi cả thế giới.