Trong cuốn sách Minh triết của sự bền vững: Kinh tế học Phật giáo cho thế kỉ XXI, Sulak Sivaraksa - vị cư sĩ lãnh đạo phong trào nhập thế ở Thái Lan, một trong những nhà tư tưởng và phê phán xã hội hàng đầu châu Á - phổ biến cái gọi là “kinh tế học Phật giáo”.
Kinh tế học Phật giáo là nơi người ta giúp đỡ lẫn nhau trong thời buổi khó khăn, quyền lực được san sẻ thay vì giành giật, tự nhiên được tôn kính và trí tuệ được yêu mến.
Là người có cuộc đời phân thành hai nửa, nửa là tu sĩ ở Thái Lan, nửa trở thành học giả ở phương Tây, Sivaraksa có một vị trí hoàn hảo để nhìn nhận ra những tác động hai mặt của toàn cầu hóa - hiện tượng đã biến thế giới thành một nền kinh tế đơn nhất, và coi toàn cầu hóa tiềm tàng nhiều mối nguy mà mỗi quốc gia phải tỉnh táo nhận ra.
Ông nhắc nhiều đến cuốn Nhỏ là đẹp của E. F. Schumacher - một tác phẩm mang tính khai phá và tuyên ngôn về kinh tế học Phật giáo cũng như tư tưởng của Mahatma Gandhi. Kinh tế học Phật giáo, về cơ bản, là việc duy trì tri kiến Phật giáo để cạnh tranh với cái đạo mới của chủ nghĩa tiêu thụ, tận dụng Phật giáo như một sức mạnh để làm dịu nhẹ sự tổn hại gây ra cho tinh thần con người bởi cái đà tiến quân của toàn cầu hóa. Tức là, nó không đưa ra một mô hình kinh tế kiện toàn cho cả quốc gia, chỉ đơn giản là khuyến khích mọi người tư duy lại sự phát triển từ một viễn kiến Phật giáo mà thôi. Cùng tầm nhìn với E. F. Schumacher, Sivaraksa luôn phân biệt rõ ràng giữa sự phát triển đích thực với sự tăng trưởng vật chất vô hạn, theo đó, sự phát triển đích thực không coi vật chất và sự tích lũy của cải vật chất làm mục tiêu cuối cùng mà nhấn mạnh vào những thỏa mãn đơn sơ thường nhật thay vì lòng tham vô đáy, sự bảo tồn những giá trị thay vì bất chấp mọi giá để phát triển, sự hài hòa với tiết điệu của thiên nhiên thay vì sẵn sàng làm kiệt quệ các nguồn năng tự nhiên. Ông đồng thuận và tán dương sự phát triển bền vững “kiểu Gandhi” hay sự phát triển từ dưới lên, “bắt đầu từ cấp xã thôn, bảo tồn văn hóa làng xã, đề cao sự tiến bộ trong đời sống xã thôn bằng cách gia tăng loại sản xuất không đòi hỏi nhiều đến máy móc”. Phương pháp của Gandhi chính là kinh tế học tản quyền, đối ngược với những gì chúng ta được rao giảng về toàn cầu hóa, về “ngôi làng toàn cầu”.
Sivaraksa cũng cảnh báo chúng ta khi hiển nhiên nhìn mọi thứ qua lăng kính của kinh tế học, đó là lăng kính ít nhiều bị bóp méo, việc truyền cái quan điểm duy vật chủ nghĩa thành một viễn kiến toàn cầu sẽ tạo ra những hậu quả khôn lường: chính phủ trở thành những bộ máy tối đa hóa cơ hội cho những nhà đầu tư tư bản chủ nghĩa, con người bị biến thành đối tượng bị bóc lột lao động hoặc khách hàng tiêu thụ, cảnh quan bị xáo trộn, rừng rậm biến mất cùng với phần lớn đời sống động vật hoang dã, đất mẹ bị xâm hại một cách không thể vãn hồi.
Không chỉ nhấn mạnh những mô hình kinh doanh quy mô nhỏ, những nền kinh tế bản địa, tác giả cuốn sách còn gợi ý các chính phủ nên tập trung vào Tổng Hạnh phúc Quốc dân - Gross National Happiness (GNH) thay vì Tổng Sản lượng Quốc nội - Gross National Product (GNP). Ông chỉ ra, Tổng Hạnh phúc Quốc dân có thể không tăng hoặc thậm chí giảm mạnh ở những đất nước được coi là thiên đường tiêu thụ và có GNP cao ngất ngưởng. Cuốn sách của ông hoài nghi và chất vấn một cách sâu sắc niềm tin ở rất nhiều nơi trên thế giới rằng, cứ để nền kinh tế vận hành tự nhiên rồi một ngày nào đó ai ai cũng sẽ được hưởng tiện nghi, sản xuất sẽ dư thừa và không còn người bóc lột người.
Là một Phật tử dấn thân, hoài nghi mọi điều, kể cả bản thân mình, trong cuốn sách, ông cũng sử dụng logic và thực hành của đạo Phật để đặt câu hỏi về nhiều vấn đề khác, như cách tiếp cận của phương Tây với bạo động hay những giá trị mà giáo dục cần theo đuổi.
Đối mặt với cuộc tấn công của khủng bố nhằm vào Trung tâm Thương mại Thế giới, Tổng thống Mỹ lúc đó, ông George Bush, đáp trả bằng một cuộc chiến tranh với quyết tâm “loại trừ cái ác ra khỏi thế giới”. Trong khi Sivaraksa, với tư cách Phật tử, đề xuất, “Chúng ta cần nghiêm túc nghĩ xem một hành động bạo lực có phải là một điều đúng. Tôi tin rằng bạo lực chỉ làm gia tăng chu kỳ của bạo lực mà thôi.”
Về mục đích giáo dục, Sivaraksa quan niệm, chúng ta cần kết nối cái đầu và trái tim thay vì tán dương thái quá sự ưu việt của trí óc, dạy cho thế hệ trẻ trân trọng cảm tính và sự hợp tác - giống như Luther King từng lên tiếng cảnh tỉnh: “quyền lực khoa học của chúng ta đã vượt xa quyền lực tâm linh của chúng ta”. Sivaraksa cho rằng nền giáo dục thời đại mới có thể học hỏi rất nhiều từ giáo dục Phật giáo truyền thống, đó là nền giáo dục bắt đầu từ những câu hỏi tối hậu của loài người như: Ý nghĩa của đời sống là gì; trách nhiệm của ta với tha nhân là như thế nào; giáo dục, đối với một Phật tử, phải chăng là con đường để thoát khỏi vô minh, ngu si, dốt nát chứ không phải là phương tiện để chiếm được những kĩ năng, tri thức giúp kiếm sống.