Khối Rubik là một trong những đồ chơi bán chạy nhất thế giới trong thế kỷ XX và nó vẫn còn thịnh hành cho đến ngày nay. Ernö Rubik, người sáng tạo ra khối Rubik, đã mất một tháng để giải câu đố trò chơi do chính ông nghĩ ra.

Erno Rubik, người sáng chế ra khối Rubik. Ảnh: USA Today.
Erno Rubik, người sáng chế ra khối Rubik. Ảnh: USA Today.

Khối Rubik là đồ chơi hình lập phương với 9 ô vuông nhỏ ở mỗi mặt. Khi mới lấy ra khỏi hộp sản phẩm, tất cả các ô vuông trên từng mặt của khối Rubik đều cùng màu. Mục đích của người chơi là khôi phục lại trạng thái ban đầu này, sau khi họ xoay và xáo trộn khối lập phương theo chiều ngang và chiều dọc nhiều lần. Thoạt nhìn, trò chơi Rubik trông có vẻ đơn giản, nhưng thực tế không phải vậy. Sau vài giờ chơi thử, hầu hết mọi người đều không thể giải khối Rubik nếu không biết công thức từ trước.

Ernö Rubik là người đã chế tạo khối Rubik đầu tiên năm 1974. Nhưng mãi đến năm 1980, loại đồ chơi này mới xuất hiện phổ biến trên thị trường thế giới và trở thành trò chơi trí tuệ được nhiều người yêu thích.

Ernö Rubik sinh ra tại thành phố Budapest, Hungary vào ngày 13 tháng 7 năm 1944. Cha của ông là kỹ sư thiết kế tàu lượn. Mẹ ông là nghệ sĩ, kiêm nhà thơ. Rubik đã kết hợp tài năng khác biệt của cha mẹ để trở thành một nhà điêu khắc và kiến trúc sư. Do thích thú với các khái niệm về không gian, Rubik dành thời gian rảnh của mình khi làm giáo sư tại Học viện Nghệ thuật Ứng dụng và Thiết kế ở Budapest để sáng chế ra các đồ dùng, đồ chơi phục vụ việc dạy học, giúp sinh viên có thêm những cái nhìn mới về hình học ba chiều.

Vào mùa xuân năm 1974, Rubik hình dung ra một khối lập phương nhỏ. Mỗi mặt của nó bao gồm các hình vuông có khả năng di chuyển. Đến mùa thu năm 1974, những người bạn đã giúp Rubik tạo ra mô hình gỗ đầu tiên của khối đồ chơi Rubik theo ý tưởng của ông.

Lúc đầu, Rubik chỉ thích quan sát các ô vuông di chuyển khi ông xoay khối Rubik. Tuy nhiên, ông gặp nhiều khó khăn trong lúc cố gắng đưa tất cả các ô vuông cùng màu về một mặt. Không chịu khuất phục, ông đã dành một tháng để xoay khối Rubik theo nhiều cách, cho đến khi sắp xếp lại các màu sắc như ban đầu.

Khi Rubik giới thiệu đồ chơi mới cho những người xung quanh, họ đều vô cùng thích thú và say mê giải câu đố. Rubik nhận ra rằng, món đồ chơi này có thể giúp ông kiếm rất nhiều tiền nếu bán ra thị trường.

Năm 1975, Rubik thực hiện một thỏa thuận với công ty đồ chơi Politechnika ở Hungary để sản xuất hàng loạt các khối Rubik. Năm 1977, khối lập phương nhiều màu sắc lần đầu tiên xuất hiện trong các cửa hàng đồ chơi ở Budapest với tên gọi Büvös Kocka (Khối lập phương Ma thuật). Mặc dù Büvös Kocka là sản phẩm đồ chơi khá thành công ở Hungary, nhưng việc bán nó ra khắp thế giới là một thách thức không nhỏ thời bấy giờ.

Năm 1979, Rubik ký hợp đồng với công ty đồ chơi Ideal Toy nhằm đưa sản phẩm của mình sang Mỹ và một số nước khác ở phương Tây. Ideal Toy đổi tên sản phẩm Büvös Kocka thành “Khối lập phương Rubik” trước khi bày bán rộng rãi nó trong các cửa hàng vào năm 1980. Không lâu sau, khối Rubik trở thành loại đồ chơi phổ biến và được nhiều người ưa chuộng. Nó hấp dẫn cả trẻ em cũng như người lớn.

Những khối Rubik thời kỳ đầu có sáu mặt với các màu khác nhau bao gồm xanh dương, xanh lá cây, cam, đỏ, trắng và vàng. Mỗi mặt có 9 ô vuông xắp xếp theo mô hình lưới 3×3. Trong số 54 ô vuông nhỏ trên khối Rubik, 48 ô vuông có thể di chuyển và 6 ô vuông ở trung tâm mỗi mặt đứng yên.

Tính đến năm 1982, số lượng khối Rubik bán ra thị trường ước tính khoảng 100 triệu. Tuy nhiên, đa số người chơi lúc đó không thể giải khối Rubik nhanh chóng. Nguyên nhân là do số lượng cách sắp xếp trật tự của các mảng màu trên khối Rubik quá lớn, hơn 43 tỷ tỷ cách [chính xác là 43.252.003.274.489.856.000 hoán vị]. Một số người chơi Rubik thiếu kiên nhẫn thậm chí còn đập vỡ khối Rubik để quan sát cấu trúc bên trong. Họ hy vọng sẽ khám phá ra một số bí mật giúp giải câu đố trò chơi.

Để giúp công chúng hiểu nguyên lý hoạt động và công thức giải khối Rubik, hàng chục cuốn sách hướng dẫn đã được xuất bản vào đầu thập niên 1980. Mỗi cuốn sách trình bày những cách đơn giản nhất để người chơi thực hành theo. Cách giải thông dụng nhất do David Singmaster, một nhà toán học người Anh công bố trong cuốn “Notes on Rubik’s Magic Cube”. Phương pháp của Singmaster là giải khối Rubik từng tầng một, và nó phù hợp với người mới bắt đầu.

Kể từ đó, người chơi bắt đầu thiết lập các kỷ lục về tốc độ và thời gian xoay Rubik.

Năm 1982, Giải vô địch Rubik Quốc tế được tổ chức lần đầu tiên ở Budapest. Đây là cơ hội để những người chơi thi đấu với nhau, xem ai có thể giải khối Rubik nhanh nhất. Năm 2018, tuyển thủ Yusheng Du người Trung Quốc thiết lập kỷ lục thế giới với thành tích giải khối Rubik trong 3,47 giây.

Trong thời kỳ thịnh hành, đồ chơi Rubik xuất hiện ở khắp mọi nơi – từ trường học, trên xe buýt, trong rạp chiếu phim và thậm chí tại nơi làm việc. Hình vẽ khối Rubik cũng được in trên áo phông và áp phích.

Năm 1983, khối Rubik thậm chí còn có chương trình truyền hình riêng gọi là: “Rubik, khối lập phương tuyệt vời”. Trong chương trình dành cho trẻ em này, một khối Rubik biết nói với sự giúp đỡ của ba đứa trẻ đã chặn đứng các kế hoạch xấu xa của nhân vật phản diện.

Vấn đề đặt ra là người chơi cần tối thiểu bao nhiêu thao tác xoay để giải bất kỳ khối Rubik nào bị xáo trộn? Năm 2010, Tomas Rokicki và cộng sự phát hiện mọi trạng thái của khối Rubik đều có thể được giải trong 20 bước hoặc ít hơn.

Cho đến nay, người ta đã phát triển khối Rubik thành nhiều phiên bản khác nhau, bao gồm 4 loại chính: 2×2×2 (Khối bỏ túi), 3×3×3 (Khối tiêu chuẩn), 4×4×4 và 5×5×5 (Rubik giáo sư). Gần đây các khối lớn hơn đã xuất hiện trên thị trường như khối 6×6×6 và 7×7×7 (V-Cube 6 và V-Cube 7). Từ khối Rubik lập phương tiêu chuẩn, các nhà sản xuất cũng tạo ra các khối có dạng hình học khác như tứ diện, bát diện, khối 12 mặt, khối 20 mặt, hoặc các khối không lập phương như 2×3×4, 3×3×5, 1×2×3. Với máy tính, họ thậm chí có thể mô phỏng các khối Rubik lạ trong không gian đa chiều mà người bình thường không thể chế tạo ngoài thực tế.