Các quốc gia Bắc Âu như Thụy Điển, NaUy, Phần Lan, Đan Mạch, … nổi tiếng vì có nền kinh tế thịnh vượng cùng hệ thống phúc lợi và an sinh xã hội tuyệt vời, đầy tính nhân văn. Nhiều người gọi mô hình này là đỉnh cao của chủ nghĩa xã hội song không hoàn toàn đúng.

Thủ đô Stockholm của Thụy Điển. Ảnh: Planetware.com
Thủ đô Stockholm của Thụy Điển. Ảnh: Planetware.com

Huyền thoại đó một phần được tạo nên bởi sự nhầm lẫn hay lẫn lộn về bản chất của chủ nghĩa xã hội (socialism), nhấn mạnh vai trò kiểm soát và sở hữu nhà nước đối với nền kinh tế, cũng như trong việc cung cấp các dịch vụ công (public goods). Tuy nhiên, khác với Cuba, Bắc Triều Tiên, Nicaragua hay Venezuela, Bắc Âu lại chính là những nền kinh tế thị trường tự do nhất, đi kèm với mức thuế suất tương đối cao để đổi lấy các dịch vụ công hào phóng.

Trước tiên, phải lưu ý rằng Bắc Âu đã đạt được thành công kinh tế trước khi xây dựng nhà nước phúc lợi (welfare state). Năng suất cao giúp người lao động có thu nhập tốt và cho phép chính phủ tăng thuế thu nhập – nguồn ngân sách cần thiết để chi trả cho phúc lợi. Ở đây, việc kiến tạo thịnh vượng không phải là lợi ích của chính quyền, mà nó chỉ nhằm đảm bảo khả năng cung cấp những dịch vụ được xem là xa xỉ đối với nhiều nơi khác.

Thứ hai, các nhà nước Bắc Âu rất ít hoặc hầu như không can thiệp vào nền kinh tế và môi trường kinh doanh. Cụ thể, không một nước nào ban hành luật quy định mức lương tối thiểu. Mặc dù nghiệp đoàn (trade union) có quyền lực đáng kể trong việc thương lượng với giới chủ thuộc nhiều ngành nghề, nhưng chính phủ thường không làm gì và cũng không tác động vào kết quả của những cuộc thương thảo đó. Người lao động được hưởng đãi ngộ tương xứng với mức đóng góp của họ, và không dựa trên nhận thức của chính quyền rằng thế nào mới là công bằng.

Việc lựa chọn trường học tại Thụy Điển là một ví dụ tiêu biểu về nguyên tắc trung thành với thị trường tự do ở Bắc Âu. Chính phủ sẽ cung cấp voucher tới từng gia đình để họ ghi danh cho con cái vào học trường công, trường đặc quyền nhà nước, trường tư thục bất vụ lợi hoặc vị lợi. Đây là điểm khác biệt căn bản so với mô hình giáo dục bao cấp tại Cuba, Bắc Triều Tiên, …

Trong bảng xếp hạng chỉ số tự do kinh tế (economic freedom index) do Viện Fraser Institute – một think tank tại Vancouver – xây dựng nhằm đánh giá nỗ lực của các quốc gia trong việc xây dựng thể chế và chính sách nhấn mạnh bộ máy nhà nước tinh gọn, tôn trọng quyền sở hữu tài sản cá nhân, trong khi vẫn đảm bảo cung cấp những dịch vụ công thiết yếu (như an ninh quốc phòng …), các nước Bắc Âu đều ở vị trí rất cao. Nếu như HongKong và Singapore thường xuyên dẫn đầu (nhưng đây cũng là hai nền kinh tế đang đối mặt với tình trạng bất bình đẳng ngày càng lớn), Mỹ đứng thứ 12, thì Đan Mạch xếp hạng 15, Phần Lan (17), NaUy (25) và Thụy Điển (27). Để so sánh, Hàn Quốc và Nhật Bản, hai quốc gia được xem là ủng hộ mạnh mẽ thị trường tự do, chỉ đứng thứ 32 và 39; trong khi Việt Nam xếp hạng 125, còn Trung Quốc (121).

Đan Mạch được chọn là đất nước hạnh phúc nhất thế giới theo một khảo sát do Gallup thực hiện. Thủ đô Copenhagen cũng được gọi là “thành phố của xe đạp”. Ảnh: Denmark Embassy.
Đan Mạch được chọn là đất nước hạnh phúc nhất thế giới theo một khảo sát do Gallup thực hiện. Thủ đô Copenhagen cũng được gọi là “thành phố của xe đạp”. Ảnh: Denmark Embassy.

Lý thuyết kinh tế xã hội chủ nghĩa đề cao vai trò can thiệp và chi phối thị trường của nhà nước, chủ trương quốc hữu hóa các ngành công nghiệp được xem là then chốt và ảnh hưởng tới an ninh quốc gia như năng lượng, viễn thông, quốc phòng; đồng thời trợ cấp cho những lĩnh vực cần được khuyến khích (chẳng hạn năng lượng tái tạo, …). Nhưng các nước Bắc Âu thực sự không làm những thứ như vậy. Tất nhiên, họ vẫn cung cấp cho người dân dịch vụ chăm sóc y tế do nhà nước chi trả, có thể là cả nền giáo dục miễn phí cùng nhiều chính sách phúc lợi khá rộng rãi, nhưng tất cả đều được tài trợ nhờ thuế cao. Và khả năng này chỉ có thể đạt được khi nhà nước không can thiệp vào thị trường hay lấn sân của khu vực tư nhân theo cách quá mức cần thiết.

Nhờ đó, năng suất của nền kinh tế được đẩy lên đỉnh cao, mang lại thu nhập tốt cho doanh nghiệp và cá nhân để họ đủ khả năng đóng thuế, biến các chương trình phúc lợi hào phóng trở nên khả thi. Tại Bắc Âu, chính tầng lớp trung lưu và người lao động mới là nguồn thu thuế chủ yếu (để trang trải cho các dịch vụ công mà họ được hưởng) chứ nhà nước không chủ trương “lấy của người giàu chia cho người nghèo”. Có thể nói, những nước này đã sáng suốt khi không để “con gà đẻ trứng vàng bị làm thịt”.

Sau cùng, cần khẳng định lại một lần nữa: lý do duy nhất giúp các quốc gia Bắc Âu có đủ khả năng chi trả cho hệ thống phúc lợi và an sinh xã hội tuyệt vời là nhờ năng suất đặc biệt cao của nền kinh tế thị trường. Vì thế, có lẽ cái tên phù hợp nhất với thực tiễn ở đây phải là chủ nghĩa tư bản trắc ẩn (compassionate capitalism).

Đến cuối thế kỷ XVIII, đầu XIX, Thụy Điển vẫn còn là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Âu, nơi người dân có tuổi thọ chỉ bằng một nửa (do khí hậu khắc nghiệt) và tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong cao hơn các láng giềng tới ba lần; một số phải di cư sang nơi khác, trong đó có Mỹ, để tìm kiếm cuộc sống tốt hơn. Nhưng sau đó, nước này đã vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế thịnh vượng nhất thế giới do nhiều yếu tố, trong đó có đóng góp về mặt tư tưởng của Anders Clydenius (1729 - 1803) - mục sư Tin lành và nghị sĩ quốc hội, người ủng hộ chủ nghĩa tự do (thị trường tự do, tự do cá nhân bao gồm quyền sở hữu tài sản, …), thậm chí trước cả Adam Smith và những người cha lập quốc (Founding Fathers) của Hoa Kỳ.

Tham khảo:

1. Bài viết “Sorry Bernie Bros But Nordic Countries Are Not Socialist” của Jeffrey Dorfman, giáo sư kinh tế tại Đại học George trên Forbes.

2. Phim tài liệu “Sweden: A lesson for America” (tạm dịch: Thụy Điển, một bài học cho nước Mỹ), do sử gia Johan Norberg thực hiện trên kênh Free to Choose.